Tiêm nhắc giúp hệ thống miễn dịch tái sản xuất các kháng thể.
Tiêm nhắc vắc-xin có một vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh
Theo các chuyên gia của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, các kháng thể được tạo ra sau đợt tiêm chủng cơ bản đối với các loại vắc- xin phòng ngừa bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo thời gian có thể bị suy giảm và thậm chí rơi vào tình trạng không thể tự vệ. Do đó, mũi tiêm nhắc sẽ có vai trò tái sản xuất lượng kháng thể đã có mặt trong cơ thể từ đợt tiêm ngừa đầu tiên.
Các liều tiêm nhắc này sẽ giúp trẻ được bảo vệ đến mức gần như tuyệt đối đến 100%. Điều này có nghĩa rất lớn đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trước những bệnh tật nguy hiểm đồng thời mang lại cho em sự bảo vệ lâu dài để chiến đấu với những tác nhân gây bệnh. Đó là lý do giải thích vì sao trẻ chỉ được tiêm vắc- xin liều cơ bản không có đủ kháng thể hoặc kháng thể chưa đủ sức bảo vệ để dẫn đến khả năng mắc bệnh cao.
Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, việc tiêm nhắc vắc- xin phòng bệnh đã được áp dụng cho cả trẻ em lẫn người lớn tùy theo điều kiện, đặc thù vùng miền.
Các loại vắc-xin cần tiêm nhắc cho trẻ
Mũi tiêm nhắc áp dụngcho những loại vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch.
Những mũi tiêm nhắc chỉ được áp dụng đối với những loại vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó (vắc-xin bất hoạt hay vắc- xin chết). Lịch tiêm nhắc áp dụng cụ thể đối với từng loại vắc-xin sau:
- Vắc-xin DTC – ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc để nâng cao hiệu quả phòng bệnh. Tiêm trước thời điểm này là điều không nên làm. Trường hợp đã muộn hơn so với thời điểm 18 tháng tuổi, trẻ có thể được tiêm nhắc sau đó nhưng nhất thiết không để quá 3 tuổi.
- Vắc-xin bại liệt dạng uống: Trẻ từ 5 tuổi trở xuống có thể uống liên tiếp hai liều, mỗi liều cách nhau một tháng.
- Vắc-xin Hib: Khi trẻ đủ 18 tháng sẽ được tiêm nhắc.
- Vắc-xin viêm não Nhật Bản: Sau khi đã tiêm mũi 2 nên nhắc lại mũi 3 sau một năm. Để tăng hiệu quả phòng bệnh, cứ mỗi 3 -5 năm lại tiêm nhắc lại.
- Vắc-xin sởi: Thông thường trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc vắc-xin này riêng rẽ hoặc loại phối hợp 3 trong 1 Sởi-Quai bị-Rubella (vắc-xin MMR).
Trẻ uống vắc-xin.
- Vắc-xin tả dạng uống: Mặc dù ngày nay tả đã được hạn chế nhiều nhưng vẫn nên tiêm nhắc lại ở những vùng có nguy cơ bùng phát dịch.
- Vắc-xin thương hàn: Cứ sau 2-3 năm dịch thương hàn lại bùng phát tại những vùng lưu hành nặng và thường đe dọa trẻ nhỏ, người lớn tuổi nên cần được tiêm nhắc đúng quy định.
- Vắc-xin phế cầu và vắc-xin não mô cầu: Đúng 3 năm sau mũi đầu tiên, trẻ cần được tiêm nhắc lại.
- Vắc-xin dại: Chủ yếu dùng để điều trị dự phòng trong trường hợp bị phơi nhiễm đối với những người thường xuyên tiếp xúc với chó.
- Vắc-xin cúm: Thực hiện đều đặn hàng năm với những đối tượng nguy cơ cao: trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc bệnh tim, hen suyễn, cao huyết áp, đái tháo đường,…
Khi trẻ bị trễ lịch tiêm nhắc cần làm gì?
Nhiều người lo lắng khi vì nhiều lý do khác nhau trẻ đã bị trễ lịch tiêm nhắc (thường do quên vì một số mũi tiêm cách nhau đến 5-8 năm). Tuy nhiên, có một số nguyên tắc bạn cần nằm rõ đối với trường hợp này trước khi cuống cuồng tìm cách.
Không nhất thiết phải tiêm lại từ đầu đối với những trẻ bị trễ lịch tiêm nhắc.
- Không nhất thiết phải tiêm lại từ đầu đối với những trẻ bị trễ lịch tiêm nhắc.
- Về cơ bản, mức độ an toàn của những liều tiêm nhắc so với liều tiêm đầu tiên đều như nhau. Đặc biệt, tiêm nhắc có thể giúp loại trừ những cơ địa nghi ngờ bị mẫn cảm mà trước đó đã được phát hiện từ mũi tiêm cơ bản để giúp việc tiêm chủng đạt mức an toàn cao hơn.
- Tuy kháng thể có thể suy yếu hoặc mất khả năng bảo vệ nhưng trí nhớ miễn dịch của những loại vắc-xin tạo được trí nhớ vẫn còn đó theo thời gian. Vì thế, trẻ trễ lịch tiêm nhắc có thể được nhắc lại mà vẫn đảm bảo hệ thống miễn dịch đáp ứng kịp.
- Về khoa học, tăng khoảng cách thời gian giữa các đợt tiêm vắc- xin không làm mất hiệu quả của liều tiêm. Nhưng ngược lại, nếu giảm khoảng cách thời gian giữa các liều vắc-xin có thể tạo ra hiện tượng giao thoa giữa việc đáp ứng lại các kháng thể của vắc-xin của lần tiêm nhắc với các kháng thể đã sản sinh trước đó. Kết quả sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả bảo vệ của vắc-xin phòng bệnh.
Với những thông tin hữu ích trên đây, hy vọng các bố mẹ đã nhận thức đúng tầm quan trọng của việc tiêm nhắc đối với khả năng phòng bệnh của trẻ cũng như tự giúp mình giải tỏa được lo lắng trong trường hợp con bị trễ lịch tiêm nhắc.
Yeutre.vn (Tổng hợp)