Chính khi phát triển các giác quan của mình cũng là lúc trẻ bắt đầu phát triển não bộ.
Ở độ tuổi từ 6 đến 12 tháng, trẻ vẫn chưa thể biểu lộ những nhu cầu của mình bằng ngôn ngữ. Do đó, người lớn cũng dễ ngộ nhận rằng trẻ không thực sự ý thức về những gì mình làm. Tuy nhiên, chính khi phát triển các giác quan của mình cũng là lúc trẻ bắt đầu phát triển não bộ. Nói cách khác trí tuệ của trẻ chịu ảnh hưởng từ mức độ phát triển các giác quan.
Trí tuệ con người
Để nắm bắt các kỹ năng giáo dục trí tuệ cho trẻ, cần biết về cấp độ trí tuệ con người. Theo đó, trí tuệ con người có 3 cấp độ:
Cấp 1: Quan sát và hiểu sự vật theo tiến trình từ đơn giản đến phức tạp, hình thành ngôn ngữ (sử dụng chữ viết), thành thục kỹ năng sống và lao động.
Cấp 2: Liên tưởng và xâu chuỗi để nhận biết mối liên hệ giữa sự vật. Từ đó hình thành nhận thức trí tuệ và tạo ra những thành quả lao động nhằm phát triển xã hội.
Cấp 3: Thấu hiểu giá trị bản thân, sự vật; biến hiểu biết thành tri thức và dùng trí tuệ cảm xúc kết hợp với trí tuệ tri thức để tạo ra những giá trị mới nhằm đưa con người đạt đến chân – thiện – mỹ.
Như vậy, các cấp độ trí tuệ này gắn liền với sự phát triển của các giác quan: thị giác, thính giác và xúc giác.
Phát triển trí tuệ qua các giác quan
Bằng những hình ảnh sinh động từ thế giới xung quanh trẻ có thể nảy sinh ham muốn khám phá.
Giáo dục bằng thị giác:Bằng những hình ảnh trực quan sinh động từ thế giới xung quanh hoặc từ những tranh ảnh ngộ nghĩnh treo trong nhà, bạn có thể chỉ cho trẻ thấy cuộc sống đầy thú vị xung quanh. Đôi khi cần thiết, bạn phải gợi lên cho trẻ sự tò mò đối với đồ vật bằng cách cất giấu chúng đi ở một nơi nào khác và yêu cầu trẻ đi tìm hoặc cùng tìm với trẻ. Chính những kích thích tố này sẽ giúp trẻ khám phá nhiều điều trong cuộc sống và tiếp tục tìm hiểu về chúng trong những năm tiếp theo.
Giáo dục bằng thính giác: Đừng chần chừ cho trẻ nghe một vài câu chuyện cổ, những lời ru, những bản nhạc nhẹ nhàng với ca từ lành mạnh… Tất cả sẽ nuôi dưỡng cho trẻ một tâm hồn và trí tuệ minh mẫn.
Giáo dục qua hành vi: Trẻ con có khả năng bắt chước siêu đẳng. Chỉ cần bạn khoa tay múa chân một vài lần là trẻ đã có thể làm lại giống hệt. Dần dà, não bộ sẽ điều khiển trẻ thực hiện hành vi một cách tự giác thay vì phải cần làm mẫu hoặc nhắc nhở.
Phát triển trí tuệ theo tháng tuổi
Việc giáo dục thông qua các giác quan cũng cần phải theo một lộ trình nhất định gắn với sự phù hợp của lứa tuổi và mức độ phát triển của mỗi cá nhân.
Bé 7 tháng tuổi
Bố mẹ có thể chơi cùng trẻ trò “ú òa” để kích thích sự tò mò của trẻ.
Bố mẹ có thể chơi cùng trẻ trò “ú òa” hoặc yêu cầu trẻ tìm một món đồ nào đó để kích thích sự tò mò của trẻ. Khi đã tò mò, trẻ sẽ cố gắng làm thế nào để tìm cho ra người hoặc món đồ đang lẩn trốn. Lúc này, trẻ sẽ phải sử dụng đến bộ não của mình. Ngoài ra, bạn có thể giúp trẻ rèn luyện thêm các kỹ năng vận động đôi bàn tay bằng những trò như vỗ tay, vẫy tay, lăn bóng…
Trong quá trình vui chơi, nên nói chuyện thật nhiều với trẻ về đồ chơi, về cách chơi…Bạn có thể mơ hồ không hiểu trẻ nghe và hiểu được những gì bạn nói không. Nhưng rồi sẽ nhanh chóng bạn hiểu rằng chúng nắm bắt được hết.
Bé 8-9 tháng tuổi
Tăng cường trò chuyện với trẻ và tập trẻ lặp lại câu nói của mình. Những câu chuyện kể trước khi đi ngủ cũng sẽ củng cố thêm vốn từ cho trẻ và cả cách thức tư duy thông qua ngôn ngữ.
Bé 10 tháng tuổi
Lúc này, bạn có thể kiểm chứng những gì bạn đã dạy cho trẻ. Hãy yêu cầu trẻ chỉ đúng vị trí của từng bộ phận trên đầu, tay, chân của trẻ… những bài học mà chúng đã từng làm quen trước đó.
Để giúp bé tăng năng lực cảm nhận, mỗi lần bé sờ vào vật gì mẹ có thể mô tả cho bé biết. Chẳng hạn: cháo nóng, nước lạnh, má mịn…
Bé 11 tháng tuổi
Cho trẻ chơi nhiều trò chơi vận dụng trí tuệ.
Lúc này, các vận động của trẻ đã có sự kết hợp lẫn nhau và theo mức độ phức tạp hơn. Số lượng các vận động thành thạo cũng tăng lên. Do đó, mẹ có thể áp dụng nhiều trò chơi trí tuệ như xếp hình, gắn đồ vật vào vị trí…
Bé 12 tháng tuổi
Tiếp tục những bài học phức tạp hơn của sự nhận biết đối với đồ vật và con người. Nếu bé đã bắt đầu vẽ vời, hãy cho trẻ một tờ giấy khổ lớn và để trẻ thỏa sức sáng tạo. Nếu con bạn đã biết trả các đồ vật về vị trí hãy khuyến khích trẻ tiếp tục phát huy.
Yeutre.vn (Tổng hợp)