Chắc chắn ba mẹ sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc, khi lần đầu nghe thấy cục cưng nhà mình cất lên những âm thanh bập bẹ, chưa tròn tiếng, đánh dấu sự phát triển từng ngày của con. Cùng tìm hiểu những chia sẻ dưới đây, để có thể dạy bé tập nói theo cách riêng của mình các mẹ nhé!
1. Dạy bé tập nói sớm có giúp bé thông minh hơn?
Khoa học đã chứng minh, tỉ lệ những đứa trẻ được tập nói từ sớm sẽ thông minh hơn những bé tập nói muộn. Theo đó, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Đức khẳng định: “Bố mẹ nào dạy bé tập nói sớm và nói thông minh thì trẻ đó sẽ phát triển hài hòa, có tư duy học tập tốt, sẽ vui vẻ, ít cáu gắt hơn. Do vậy, trẻ sẽ hòa nhập tốt ở học đường về sau. Trẻ cũng có thể có nhiều bạn hơn, thành công hơn trong tương lai.” Như vậy, dạy bé tập nói sớm sẽ phát triển cho trẻ khả năng ngôn ngữ, tạo nên lợi thế lớn để bé có thể vui vẻ và thành công hơn sau này.
2. Bé từ 0 – 12 tháng tuổi thời điểm nào dạy cho bé nói?
2.1 Phạm vi giao tiếp của bé được mở rộng khi kỹ năng vận động của bé phát triển
Giai đoạn 0 – 1 tuổi là giai đoạn trẻ làm quen và chập chững với mọi vật xung quanh. Thời kì này bé bắt đầu tiếp nhận và có những phản xạ đầu tiên với mọi thứ. Bé có thể học hỏi và đưa tay cầm nắm những gì có được, bé đã biết mở rộng tầm mắt để khám phá những sự vật mới lạ ở khoảng cách xa hơn. Phạm vi giao tiếp của bé cũng từ đó mà được mở rộng. Đây cũng chính là cơ sở góp phần cho việc biết diễn tả, nói tốt hơn sau này.
2.2 Khả năng ngôn ngữ trong giai đoạn 0-12 tháng
Đối với trẻ nhỏ, thực ra khả năng ngôn ngữ đã hình thành từ rất sớm. Quá trình giao tiếp giữa bé với mọi người xung quanh đã bắt đầu từ nhiều tháng trước, thậm chí ngay cả trước khi bé chào đời . Học ngôn ngữ là một quá trình phức tạp và kéo dài cả đời. 5 - 6 tháng tuổi trẻ đã biết ê a, đến gần 1 tuổi bé mới phát ra những lời nói thật sự rõ ràng. Đây là kết quả của quá trình dạy bé tập nói của bố mẹ cùng kết quả học hỏi bé đã tích lũy từ rất lâu.
3. Quá trình phát triển ngôn ngữ của bé dưới 1 tuổi như thế nào?
Trước 9 tháng tuổi, bé có thể nghe những gì mẹ nói. Từ sau bé 9 tháng tuổi trở đi, khả năng nghe hiểu của bé đã tốt hơn. Lúc này, bất cứ những gì mẹ nói đều được bé lưu ý đặc biệt, vốn từ của bé gia tăng rất nhanh. Từ 9 tháng trở đi, bé đã có thể hiểu khi mẹ gọi bé bằng tên, hiểu được những câu đơn giản như “cái gì?”, “ở đâu”… Khoảng 10 tháng tuổi, bé có thể thực hiện được các yêu cầu đơn giản mà người khác yêu cầu như “ngồi xuống”, “vẫy tay chào”… và bé rất thích thú khi thực hiện những điều này, mà nhận được sự khen ngợi từ mọi người. Khi được 12 tháng tuổi, bé đã nói được từng từ rời, thậm chí có thể nói được những câu ngắn, đơn giản.
Về khả năng phản ứng lại với mọi người, bé có thể nói “không” và làm cử chỉ lắc đầu không đồng ý. Bé đã biết sáng tạo những từ ngữ riêng để gọi tên các đồ vật, con vật hoặc ai đó, bập bẹ nói một số từ ngộ nghĩnh mà nhiều khi đến mẹ cũng không hiểu được. Bé biết vẫy tay, biết âu yếm, vuốt ve khi được mẹ yêu cầu bằng ngôn ngữ và đã biết tương tác trong những trò chơi như trò ú tim.
Liên quan đến khả năng ghi nhớ, bé có thể nhận ra hình ảnh, đồ vật, con vật qua tên gọi và có thể ghi nhớ được khoảng hơn 100 từ đơn giản. Thông thường, bé biết nói “ba ba” trước khi nói “mẹ mẹ”, điều này không phụ thuộc vào việc ba hay mẹ dạy bé tập nói nhiều hơn, mà đó là do cách phát âm của từng kí tự có mức độ khó dễ khác nhau.
Xét về giới tính, các bé gái thường biết nói sớm hơn bé trai. Tuy nhiên, thời điểm bé biết nói thay đổi rất nhiều. Trong chừng mực nào đó, việc bé biết nói sớm hay nói muộn còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền và phương pháp mà mẹ dạy bé tập nói.
4. Dạy bé tập nói trong giai đoạn 0 - 12 tháng tuổi ra sao?
Như đề cập ở trên, hiểu về sự phát triển của bé, kỹ năng vận động, khả năng ngôn ngữ của con, là một phần quan trọng, giúp chúng ta chọn được cách tập cho bé nói nói sớm.
Khi bé ở độ tuổi từ 0 – 12 tháng tuổi, cách dạy bé tập nói vô cùng đơn giản, mẹ chỉ cần dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng bé. Khi nói chuyện cùng bé, mẹ nên nói tròn vành rõ chữ, khẩu âm rõ ràng để bé có thể bắt chước. Việc mẹ trò chuyện cùng bé sẽ thúc đẩy việc học nói của bé, làm bé hình thành thói quen bắt chước khẩu hình miệng của mẹ nhanh chóng, chính xác.
Khi bé đã phát ra được nhiều âm thanh khác nhau, “ngôn ngữ riêng” của bé ngày càng trở nên phức tạp hơn. Và nếu âm thanh bé phát ra có vẻ giống như lời đàm thoại thực sự, thì mẹ cần hồi đáp với trẻ.
Nhìn chung, dạy bé tập nói sớm mang lại nhiều lợi ích cho bé. Không chỉ giới hạn ở việc tập nói và nói sõi qua thời gian tập, bé được tập nói sớm còn có nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng giao tiếp, cũng như vốn từ vựng, khả năng ngôn ngữ và nhiều yếu tố khác. Do đó, mẹ hãy lưu ý và tập cho con biết nói sớm mẹ nhé.
Ngọc Hoài tổng hợp