1. Đau bụng ở giai đoạn đầu thai kỳ có phải là bình thường không?
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ tình trạng đau bụng nhẹ hay chuột rút là khá phổ biến. Nó xảy ra thường là do tử cung của bạn đang giãn và dây chằng căng ra, do sự thay đổi hormone, thậm chí táo bón hay đầy hơi. Khi bạn nghỉ ngơi, thay đổi tư thế, đi vệ sinh hay xì hơi được thì cơn đau sẽ biến mất, lúc này bạn không cần phải lo lắng.
Trong một số trường hợp cơn đau kèm theo những triệu chứng khác như ra máu, sốt hay không cải thiện theo thời gian thì bạn cần đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám ngay.
2. Một số tình trạng đau bụng là biểu hiện bình thường của giai đoạn đầu thai kỳ
2.1. Đau bụng do giãn dây chằng
Mặc dù ở tháng đầu tiên của thai kỳ, tử cung chưa giãn nở nhiều vì thai nhi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, hệ thống dây chằng đã bắt đầu dịch chuyển để phù hợp với sự tăng trưởng của tử cung. Do vậy, bạn có thể cảm thấy đột ngột đau nhói một vài giây ở một hoặc cả hai bên bụng. Cảm giác đau có thể tăng lên khi bạn hắt hơi, ho, trở mình hay thay đổi vị trí đặc biệt từ ngồi sang đứng.
Mặc dù cảm giác đau bụng do giãn dây chằng có thể khiến bạn không được dễ chịu, nhưng nhìn chung nó không nguy hiểm hoặc là dấu hiệu cho thấy bất cứ điều gì không ổn.
2.2. Đau bụng do ảnh hưởng của tình trạng đau khung sàn chậu
Khá nhiều phụ nữ bị đau khung sàn chậu khi mang thai. Tình trạng này có thể xuất hiện rất sớm, đặc biệt ở lần mang thai thứ hai trở đi. Tình trạng đau này không chỉ do tử cung kéo giãn mà còn do tác động của sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ.
Cảm giác đau sàn chậu ở mỗi phụ nữ là khác nhau, có người thấy đau ở khu vực gần tử cung, người khác đau ở vùng bàng quang hay âm đạo, và người khác lại đau vùng lưng hoặc bụng.
Một số phụ nữ bị đau sàn chậu có tiền sử chấn thương vùng này, như bị rách hoặc bị cắt tầng sinh môn trong lần sinh trước. Nhiều người có vùng cơ sàn chậu yếu gây ra các triệu chứng như són tiểu khi nhảy hoặc hắt hơi.
Tình trạng đau sàn chậu dẫn đến đau bụng ở các vị trí khác nhau thực tế không làm tổn thương thai nhi đang phát triển. Nhưng nó có thể trở nên tệ hơn khi bạn càng gần về cuối thai kỳ. Khi tử cung càng lớn, áp lực lên vùng chậu càng cao khiến cho bất kì vấn đề nào ở khu vực này sẽ trở nên trầm trọng hơn.
2.3. Đau bụng do chuột rút
Ở thời kỳ đầu mang thai, nhiều phụ nữ bị chuột rút ở vùng bụng với cảm giác tương tự như trong kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự giãn nở của tử cung cũng như sự gia tăng nồng độ progesterone.
Một số phụ nữ lo lắng rằng chuột rút là dấu hiệu của sảy thai . Tuy nhiên phần lớn trường hợp không phải như vậy, nó chỉ là một sự khó chịu tạm thời và không phải là triệu chứng của một tình trạng bất thường hay vấn đề nào đó. Mặc dù vậy, bạn cần lưu ý nếu bạn bị chuột rút kéo dài và tồi tệ dần kèm theo chảy máu thì rất có thể đó là biểu hiệu của việc mất thai. Lúc này hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức để được thăm khám.
3. Một số tình trạng đau bụng là biểu hiện bất thường ở tháng đầu mang thai
3.1. Đau bụng do xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng là khi một buồng trứng hoặc ống dẫn trứng xoắn quanh các mô hỗ trợ nó. Ở một số phụ nữ xoắn buồng trứng xảy ra kèm theo với u nang, ở một số khác lại không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo trước đó.
Mặc dù mang thai không gây ra xoắn buồng trứng nhưng nó có thể xảy ra trong thai kỳ. Đây là một tình trạng cấp cứu y tế vì khi xảy ra, nguồn cung cấp máu đến buồng trứng bị cắt đứt dẫn đến bể buồng trứng. Khi buồng trứng bể, máu chảy trong ổ bụng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc điều trị khẩn cấp kịp thời rất quan trọng cho sự sống còn của cả mẹ và thai nhi đang phát triển.
Triệu chứng của xoắn buồng trứng gồm:
- Đau bụng đột ngột, rõ nét và ngày càng tệ hơn
- Cơn đau bụng không biến mất hoặc không cải thiện dù được mát xa
- Đau bụng nghiêm trọng dẫn đến nôn hoặc ngất
3.2. Đau bụng do thai nằm ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi hợp tử cấy và phát triển tại một vị trí khác ngoài tử cung, thường là ống dẫn trứng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung gồm:
- Phụ nữ trên 35 tuổi
- Trải qua phẫu thuật vùng chậu trước khi mang thai
- Là người hút thuốc
- Có tiền sử mang thai ngoài tử cung hoặc các bệnh nhiễm trùng vùng chậu
- Lạc nội mạc tử cung
- Bị bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) dẫn đến tổn thương hệ thống sinh sản
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Một thai kỳ với thai ngoài tử cung là không khả thi. Nếu thai tiếp tục phát triển có thể dẫn đến vỡ ống dẫn trứng hoặc vị trí mà nó làm tổ làm hỏng các cơ quan hoặc gây chảy máu trong, nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, khi nghi ngờ có thai, bạn nên đi siêu âm sớm để kiểm tra xem thai đã vào tử cung hay chưa. Nếu kết quả siêu âm cho thấy túi thai ở trong tử cung thì bạn có thể yên tâm vì một khi thai đã cấy vào tử cung, nó sẽ không di chuyển đến vị trí khác. Do vậy, khả năng có thai ngoài tử cung lúc này là không thể xảy ra.
3.3. Những nguyên nhân khác dẫn đến đau bụng ở tháng đầu mang thai
Nhiều phụ nữ nghĩ rằng tử cung của mình nằm ở vị trí cao hơn khi mang thai và cho rằng các cơn đau do nguyên nhân khác là cơn đau liên quan đến thai kì.
Tuy nhiên có nhiều tình trạng sức khỏe có thể bị nhầm lẫn khi diễn ra trong thai kì, đặc biệt là những cơn đau ở vùng bụng. Chúng bao gồm:
- Đau gan do sỏi mật hoặc các vấn đề khác về gan, có thể gây đau vùng bụng trên bên phải, đôi khi kèm theo nước tiểu sẫm màu.
- Đau thận do nhiễm trùng hay sỏi thận thường gây đau dữ dội ở vùng giữa lưng lên trên, kèm theo đi tiểu đau và sốt.
- Đau bàng quang do nhiễm trùng bàng quang có thể dẫn đến đau vùng bàng quang, đau bụng kèm theo tiểu buốt hoặc khó tiểu.
Phụ nữ mang thai cũng có thể nhầm giữa đau bụng do đau dạ dày và đau tử cung. Trong đó, táo bón là một tình trạng khá phổ biến gây ra một loạt các cảm giác ở vùng dạ dày bao gồm đau nhói bụng.
4. Phương pháp điều trị đối với tình trạng đau bụng ở tháng đầu thai kỳ
Đối với tình trạng đau bụng ở tháng đầu thai kỳ, tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau mà các bác sỹ sẽ sử dụng phương pháp điều trị thích hợp.
Những cơn đau bụng phổ biến do giãn dây chằng, đau sàn chậu hay chuột rút thường được bác sỹ khuyên áp dụng những cách sau để bạn có thể thấy dễ chịu hơn:
- Gập đầu gối về phía ngực để giảm áp lực lên tử cung
- Thường xuyên thay đổi tư thế
- Mát xa khu vực bị đau và các vùng cơ xung quanh một cách nhẹ nhàng
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn dưới sự giám sát của bác sỹ
- Ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước để ngăn ngừa táo bón thai kỳ
- Nghỉ ngơi nhiều để cơ bắp được thư giãn
Đối với những tình trạng nghiêm trọng như thai ngoài tử cung hay xoắn buồng trứng thì sẽ cần can thiệp bằng phẫu thuật để:
- Chấm dứt thai kỳ đối với thai ngoài tử cung
- Điều trị hoặc loại bỏ buồng trứng (nếu cần thiết) đối với xoắn buồng trứng
5. Khi nào bạn cần đến gặp bác sỹ
Nếu nghi ngờ mình có thai, bạn nên đi thăm khám ít nhất một lần trong tam cá nguyệt đầu tiên. Lần khám này sẽ giúp xác nhận việc bạn mang thai, đánh giá khả năng sống sót của thai nhi và đảm bảo thai đang phát triển ở đúng vị trí (trong tử cung). Đây cũng là cơ hội tốt để bạn đưa ra những thắc mắc của mình về tình trạng đau bụng (nếu có) cũng như bất kì vấn đề nào khác liên quan mà bạn thấy lo lắng.
Đối với những trường hợp sau bạn nên đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám:
- Bạn bị chuột rút dữ dội
- Bạn bị đau bụng và tình trạng ngày càng tệ hơn
- Bạn bị đau bụng kèm theo có máu trong phân
- Bạn bị đau bụng trên bên phải (có thể là dấu hiệu đau gan)
Bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức hoặc gọi cấp cứu nếu có các triệu chứng sau:
- Bạn bị chảy máu nặng giống như lúc hành kinh
- Bạn không chịu được cơn đau hoặc nó xuất hiện đột ngột mà không biến mất
- Bạn có bất kì triệu chứng bất thường nào kèm theo sốt
- Bạn thấy có máu trong nước tiểu
- Bạn bị đau lưng dữ dội và chuột rút (có thể là triệu chứng của sỏi thận)
Đau bụng khi mang thai tháng đầu – như những gì đã đề cập đến ở trên – phần lớn là hiện tượng thường xảy ra trong thai kỳ và là một sự khó chịu tạm thời xuất hiện và biến mất nhanh chóng. Những cơn đau này có thể thay đổi khi thai kỳ tiến triển. Một số phụ nữ thấy rằng chúng dần cải thiện. Những người khác nhận thấy sự cải thiện trong tam cá nguyệt thứ hai và sự đau đớn lại tăng lên khi đến tam cá nguyệt cuối cùng. Điều quan trọng là bạn cần chú ý lắng nghe cơ thể mình, để nhận biết được khi nào cơn đau bụng là bất thường, hoặc nghi ngờ bất thường. Như vậy, bạn có thể nhờ đến sự can thiệp y tế kịp thời, để đảm bảo an toàn cho cả bạn và bé trong suốt thai kỳ.
Theo Tommy's & Medical News Today
Lily Nguyễn tổng hợp