Lồng ruột là một chứng bệnh nghiêm trọng
Minh họa so sánh ruột ở trạng thái bình thường và khi bị lồng ruột.
Lồng ruột là hiện tượng ruột trong ruột, nghĩa là một khúc ruột di chuyển và lồng vào lòng của khúc ruột khác. Khi nằm ở vị trí bất thường này, khối ruột lồng sẽ cản trở thức ăn cũng như chất dịch đi xuống phía dưới. Trong khi đó, thành ruột do bị ép đã gây phù nề, làm viêm và khiến ruột không thể nhận đủ máu. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường ruột, gây nên hoại tử và làm thủng ruột.
Bệnh này thường gặp ở bé trai dưới một tuổi, nhất là trẻ từ 5 – 10 tháng tuổi, chiếm 80% các ca bệnh ghi nhận và tỷ lệ bé trai mắc bệnh cao hơn bé gái là 2:1.
Nguyên nhân gây nên chứng lồng ruột
Cho đến nay, nguyên nhân rõ ràng gây nên chứng lồng ruột ở trẻ vẫn chưa được xác định. Theo ghi nhận, bệnh này có dấu hiệu gia tăng trong những thời điểm có dịch virus. Do đó, một số cho rằng nó mối liên quan đến các loại virus gây bệnh ở trẻ, có thể là adenovirus, một loại virus gây viêm nhiễm đường hô hấp.
Số khác lại xuất hiện sau quãng thời gian bị viêm dạ dày đại tràng cấp tính. Bệnh này là nguyên nhân dẫ đến những phù nề ở các hạch bạch huyết, làm tăng nhu động ruột. Chính điều kiện này đã gây nên chứng lồng ruột.
Với những trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ từ 5 đến 10 tháng tuổi, chứng lồng ruột lại gắn với những thương tổn thực thể như sưng hạch bạch huyết, khối u ở ruột, các dị dạng như ruột đôi, túi thừa Meckel.
Triệu chứng của chứng lồng ruột
Lồng ruột cấp ở trẻ dưới một tuổi
Bé đột nhiên khóc ngất vì đau quặn bụng và mỗi lúc cơn đau dồn dập hơn là dấu hiệu của lồng ruột.
Bé đột nhiên khóc ngất dù trước đó vẫn chơi đùa vui vẻ. Co quắp chân, đầu gối hướng về phía ngực. Bụng căng và quặn đau từng cơn. Cơn đau mỗi lúc một nặng và dồn dập hơn. Giữa các cơn đau, bé có thể dịu đi và trông có vẻ ổn nhưng điều này không kéo dài. Phải vật lộn với cơn đau, bé trở nên mệt mỏi, bỏ bú. Nếu bú, bé lại nôn ói.
Sau khi cơn đau xuất hiện từ 6 đến 8 tiếng, bé có thể đi tiêu ra máu tươi cùng với chất nhầy. Lúc này, có thể quan sát thành bụng bé thấy những cục u bất thường xuất hiện.
Khi bệnh nặng thêm, bé lừ đừ và sốt. Trong một số trường hợp, bé rơi vào trạng thái li bì, đờ đẫn vì sốc.
Lồng ruột bán cấp ở trẻ lớn (2-3 tuổi)
Với trẻ lớn, triệu chứng không dồn dập như trẻ nhỏ mà cơn đau lại âm ỉ nên dễ bị lầm với chứng viêm ruột thừa hoặc viêm hạch mạc treo. Các búi lồng ở trẻ lớn cũng lỏng lẻo hơn vì thế hiếm khi gây biến chứng hoại tử hoặc thủng ruột.
Tiến triển nặng của bệnh và những hậu quả nghiêm trọng
- Lồng ruột nếu để kéo dài sẽ tạo điều kiện cho khối lồng có thể tiến vào đại tràng sâu hơn. Tình trạng này sẽ rất nguy hiểm với những biến chứng nặng nề nên cần phải được xử lý kịp thời.
- Mạc treo lúc này sẽ thắt lại và làm tắt nghẽn dẫn truyền máu đến đoạn ruột tương ứng khiến tĩnh mạch ứ trệ gây chảy máu mỗi lần đại tiện. Nếu tắc động mạch gây hoại tử và làm thủng ruột, viêm phúc mạc nhiễm độc. Trường hợp này, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Điều trị
Sau khi dựa trên những biểu hiện lâm sàng, thấy có búi hình quả chuối di động và có máu dính khi thăm trực tràng, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm ổ bụng để đi đến kết luận cuối cùng về chứng lồng ruột.
Lúc này, các bác sĩ sẽ tiến hành tháo lồng không phẫu thuật bằng hơi, nghĩa là từ hậu môn sẽ bơm hơi vào đại tràng để đẩy khối lồng ra. Cách này có thể cứu sống cho hơn 90% các bé mắc phải nếu được gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời và chưa có biến chứng hoại tử hay tắc ruột.
Trường hợp dùng phương pháp trên mà không thành hoặc lồng ruột do tổn thương thưc thể thì các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật can thiệp.
Để tránh những biến chứng nguy hiểm khiến việc can thiệp trở nên bế tắc, cha mẹ thấy con có những biểu hiện đau quặn bụng từng cơn mỗi lúc một gia tăng nên đưa con ngay đến các cơ sở y tế để được can thiệp y khoa.
Yeutre.vn (Tổng hợp)