Trước khi trước khi tiến hành lễ cưới hỏi, cả hai bên gia đình phải thống nhất với nhau về ngày lành tháng tốt phù hợp cho chuyện dựng vợ gả chồng.
Từ cổ chí kim, trước khi tiến hành lễ cưới hỏi, cả hai bên gia đình phải có một buổi để ngồi lại, thống nhất với nhau về ngày lành tháng tốt phù hợp cho chuyện dựng vợ gả chồng. Phong tục này được tin rằng không những giúp cô dâu, chú rể trong tương lai luôn hạnh phúc đến răng long đầu bạc mà còn mang đến sự thuận tiện cho các khách mời.
Trước khi muốn chọn được ngày cưới tốt, cô dâu chú rể phải trải qua rất nhiều lựa chọn quan trọng:
1. Chọn nơi xem ngày
Ngày cưới là do cả hai bên gia đình quyết định. Thông thường, bố mẹ hai bên sẽ tự tìm đến những thầy tướng số để xem cho được ngày cưới tốt trong năm. Sau khi có buổi gặp mặt, bàn bạc ngày giờ cụ thể, hai bên sẽ cùng đưa ra ý kiến để bàn luận và đi đến sự đồng thuận cuối cùng.
Ngoài việc đến các thầy tướng số xem ngày ra, nhiều gia đình lại quyết định tìm đến những vị cao niên am tường về phong thủy trong họ tộc để xin ý kiến. Điều này vừa giúp gia đình không mất tiền vô ích vừa gắn kết được mối thân tình trong họ hàng.
2. Cách xem ngày thành hôn
Ông bà ta luôn quan niệm “Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”. Kinh nghiệm này cho thấy, hầu hết việc chọn ngày cưới đều dựa trên tuổi của cô dâu. Theo đó, các ngày xấu cần tránh và các ngày tốt cần chọn như sau:
Ngày và năm kiêng kỵ cần tránh
Người xưa đặc biệt kiêng kỵ năm tuổi Kim Lâu của người sẽ được hỏi làm dâu con trong nhà.
Khi chọn ngày cưới, người xưa đặc biệt kiêng kỵ năm tuổi Kim Lâu của người sẽ được hỏi làm dâu con trong nhà. Năm tuổi Kim Lâu là hung niên theo tuổi mụ, tức tuổi Âm lịch của cô dâu tương lai.
Tuổi Kim Lâu được tính theo cách sau: lấy các con số trong tuổi âm lịch của cô dâu cộng lại, nếu số cuối rơi vào các số 1, 3, 6, 8 thì việc cưới xin nên được hoãn lại. Chẳng hạn, cô dâu sinh năm 1990, vào năm 2015 sẽ được 26 tuổi. Lấy các số trong tổng độ tuổi cộng lại ta có: 2 + 6 = 8, vậy nên năm 2015 sẽ là năm Kim Lâu của cô dâu nên cần hoãn lại.
Trường hợp cần phải tổ chức vào năm này, ngày cưới buộc phải đợi qua ngày Đông chí, nghĩa là đám cưới sẽ rơi vào dịp cuối năm.
Ngoài điều đại kỵ nói trên ra, năm có lập xuân cũng là một trường hợp cần tránh. Tuy nhiên, năm nào có “song xuân” lại là năm đại hỷ cho việc thành gia lập thất.
Cần ghi nhớ, những ngày hung tinh đại kỵ khác tuyệt đối nên tránh cưới hỏi như: Nguyệt kỵ, Vãng vong, Tứ ly, Tứ tuyệt, Kim thần thất sát, Ngưu Lang Chức Nữ, Thọ tử, Sinh ly tử biệt… Ngoài ra, cũng cần kiêng cưới hỏi vào những ngày kỵ tuổi.
Ngày và năm tốt cần chọn
Thông thường, người ta sẽ lấy can chi lịch pháp để căn cứ tính toán ngày thành hôn. Ngoài ra, để chính xác hơn, cần phải kết hợp với Bát quái, Cửu tinh, Ngũ hành. Theo các nhà tướng số, ngày Bất tương và ngày Hoàng đạo là hai ngày sinh đại cát tinh, rất thích hợp cho việc dựng vợ, gả chồng.
Trong đó, ngày Bất tương chính là ngày không bị Âm tương, không bị Dương tương, không bị Cụ tương nên là ngày đại kiết để dựng vợ gả chồng. Riêng ngày Hoàng đạo chính là ngày 6 vị thần Thanh long, Thiên đức, Ngọc đường, Tư mệnh, Minh đường, Kim quý xuất hiện.
Ngoài ra, những ngày cát tinh còn có: Thiên hỷ, Thiên đức, Nguyệt đức, Nguyệt ân, Tam hợp, Thiên hỷ, Lục hợp… Tất cả sẽ được kết hợp để xem xét với tuổi của cô dâu để đưa ra ngày đẹp nhất cho hôn sự.
Muốn chọn được tháng tốt cho việc cưới hỏi trước hết phải kể đến vị trí ưu tiên cho những tháng đại lợi, thứ đến mới tính tiếp tháng tiểu lợi.
Bên cạnh việc xem ngày theo tuổi tử vi, các vùng miền khác nhau lại có những kiêng kỵ riêng của mình. Chẳng hạn, người miền Bắc kiêng ngày đầu và cuối tháng âm lịch. Trong khi đó, người miền Nam lại kiêng các ngày mồng 1 và 15 hàng tháng. Các ngày đặc biệt trong năm như lễ Phật đản cũng là ngày nên tránh mừng hỷ sự.
3. Chọn ngày mở tiệc mừng
Đãi tiệc cuối tuần sẽ có nhiều khách mời đến chúc phúc.
Ở mỗi vùng miền, quan niệm chọn ngày tổ chức tiệc cưới cũng có sự khác biệt. Ở miền Nam, các đám cưới thường tổ chức vào dịp cuối tuần. Nhưng ở miền Bắc, không cần thiết đó là ngày thường hay ngày nghỉ, chỉ cần xem được ngày tốt là được.
Trên thực tế, đám cưới được tổ chức để thông báo hỷ sự, nếu khách mời không thể sắp xếp thời gian tham dự trong các ngày thường, đám cưới sẽ trở nên buồn tẻ và không nhận được nhiều lời chúc phúc. Do vậy, thời gian tổ chức đám cưới tốt nhất là vào dịp cuối tuần, khi mọi người có thể tham dự đầy đủ để chúc mừng cho cô dâu, chú rể. Cần lưu ý, tránh tổ chức vào các ngày lễ đặc biệt nếu không muốn chi phí đội lên cao hơn gấp nhiều lần.
Trên đây là một số kinh nghiệm ngày cưới tốt. Chúc bạn sẽ hạnh phúc với sự lựa chọn của mình!
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: