Ở giai đoạn bé 7 tháng tuổi, bé cần nhiều năng lượng hơn để có thể vui chơi, tập đi đứng và nói chuyện. Do đó, mẹ nên có chế độ dinh dưỡng rõ ràng để đảm bảo bé đủ chất và phát triển toàn diện.
1. Đặc điểm của bé 7 tháng tuổi
Thời điểm 7 tháng tuổi, bé đã bắt đầu phát triển hơn về nhận thức và nhu cầu của bản thân. Sữa mẹ tuy vẫn đóng vai trò quan trọng nhưng chưa đáp ứng được lượng dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Cũng trong giai đoạn này, bé đã được mẹ tập thói quen ăn dặm với các loại cháo, bột được nghiền nhuyễn, dễ tiêu hóa. Việc cho trẻ ăn dặm hàng ngày không chỉ nhằm bổ sung thêm dưỡng chất cho bé, mà còn giúp bé có thể tự học những điều mới mẻ bằng chính năng lực của bản thân mình. Mẹ nên đa dạng các thực phẩm cho bé trong giai đoạn này.
Ngoài ra, đây là giai đoạn mà bé đã có dấu hiệu mọc răng, có thể tập lật, ngồi và bước đầu muốn tập đứng, tập đi. Chính vì vậy, để chuẩn bị tốt cho những hoạt động kỹ năng của con, mẹ cần cho bé đầy đủ năng lượng mỗi ngày để có thể hoàn thành tốt. Mẹ nên thường xuyên chơi đùa và trò chuyện cùng con, để kích thích các giác quan phát triển và tạo hứng thú cho bé.
2. Chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi
Chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi yêu cầu phải cân đối về thành phần hấp thụ và tiêu hao. Bởi đây là giai đoạn bé cần nhiều hơn hết những dưỡng chất quan trọng để phát triển thể chất và trí tuệ. Nguyên tắc dinh dưỡng cho bé thích hợp nhất là kết hợp vừa cho bé bú sữa mẹ, vừa cho bé ăn thêm các thực phẩm giàu dưỡng chất.
Khi mẹ chế biến thức ăn dặm cho bé, nên chú ý không nên thêm gia vị vì nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Với những món cháo, mẹ nên nấu gạo và nước theo tỷ lệ 1:7 và kết hợp với các loại thịt, cá, rau củ... Mỗi ngày, mẹ nên đa dạng thực đơn ăn dặm của bé và trang trí đẹp mắt để kích thích thị giác và tạo hứng thú cho bé. Bên cạnh đó, với những bé bỏ bú sớm thì thời điểm này ngoài cho bé ăn dặm, mẹ cũng mua cho bé thêm những loại sữa công thức an toàn và phù hợp, để hỗ trợ tối đa sự phát triển của bé.
3. Gợi ý cho mẹ một số món ăn dặm bổ dưỡng
Một chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi khoa học là kết hợp đầy đủ các loại dưỡng chất trong cùng một món ăn để bé ngon miệng hơn. Sau đây là một số gợi ý mà mẹ có thể áp dụng vào thực đơn hàng ngày cho con.
3.1 Khoai tây với gan gà
Món ăn này rất bổ dưỡng và dễ làm. Mẹ chỉ cần chuẩn bị một ít thịt gà, khoai tây, gan gà, cải bó xôi, bột gạo. Khi chế biến, mẹ rửa sạch thịt gà, khoai tây và cải rồi đem luộc. giữ lại phần nước luộc gà, còn khoai tây và cải mẹ đem sắt nhuyễn. Tiếp theo mẹ cho gan gà vào nồi nước luộc gà đun sôi lại rồi cho bột gạo vào nấu cùng. Khi thấy nồi nước đã bắt đầu sánh, mẹ cho khoai tây và cải bó xôi vào rồi tắt bếp, cho ít dầu ăn trẻ em vào. Món này thực hiện không quá khó và ít tốn thời gian nên mẹ có thể áp dụng ngay nhé.
3.2 Cá ngừ trộn
Mẹ chỉ cần chuẩn bị một ít cá ngừ, đậu hũ non và cà chua. Khi sơ chế nguyên liệu, mẹ đánh tơi cá ngừ. Cà chua và đậu hũ mẹ luộc sơ rồi nghiền nhuyễn. Cuối cùng trộn đầu cả 3 nguyên liệu này lại với nhau là đã có một món cá ngừ trộn giàu dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày cho bé.
3.3 Trứng hấp
Chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi còn có thể bổ sung thêm món trứng hấp được làm từ bí ngòi, khoai tây và trứng. Mẹ đem bí ngòi và khoai tây luộc chín (bỏ vỏ), trộn với lòng đỏ trứng rồi đem xay nhuyễn, sau đó hấp cách thủy để cho bé ăn. Mẹ cũng có thể thay bí ngòi bằng một loại rau khác để bé ngon miệng hơn.
3.4 Sinh tố hoa quả
Ngoài bổ sung dinh dưỡng bằng các món ăn, mẹ không nên bỏ qua món sinh tố nhiều vitamin. Mẹ có thể lấy các loại hoa quả trộn với sữa rồi nghiền nhuyễn và cho bé ăn trong các bữa phụ để bé dễ tiêu hóa hơn, tránh đầy bụng. Các món ăn này sẽ giúp vị giác bé phát triển và thèm ăn hơn.
Trên đây là một số thông tin gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi mà các mẹ nên tham khảo. Hãy đảm bảo cho bé yêu nhà bạn có đủ dưỡng chất quan trọng để phát triển toàn diện các mẹ nhé.
Hoài Nguyễn tổng hợp