Các bé trai cũng bướng bỉnh không kém các bé gái.
Chúng ta đều không muốn bọn trẻ ương bướng, bất tuân với bố mẹ. Thế nhưng, đôi khi sự quan tâm chưa đủ của bố mẹ lại trở thành nguyên cớ để trẻ hành động ngang ngược. Các bé muốn mọi sự chú ý đổ dồn về mình và chúng tự tin rằng “kế sách” đập đầu, ăn vạ của chúng sẽ thành công.
Tuy nhiên, một số trẻ khác dù được quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng đến từng miếng ăn giấc ngủ vẫn có biểu hiện của một tính cách ngang bướng. Nó có thể là hậu quả của những sai lầm không đáng có từ cách dạy con của bố mẹ.
Dưới đây là những sai lầm bố mẹ cần tránh khi trị trẻ bướng bỉnh:
1. Thông tin đưa ra chưa được rõ ràng
Bố mẹ chớ vội trách con khi bé nhất quyết không làm theo lời mình. Đôi khi những khẩu lệnh, nhiệm vụ bạn giao cho trẻ chưa thực sự dứt khoát và rõ ràng. Chính vì vậy, trẻ sẽ cho rằng chúng chẳng quan trọng đến mức phải làm ngay và làm cho kỳ được.
Để khắc phục, bạn cần có một nội quy cứng rắn hơn đối với con. Để rồi, khi cần, chúng có thể thấy được sự nghiêm khắc của bố mẹ.
2. Không có biện pháp “răn đe”
Không nhất thiết lúc nào bạn cũng hù dọa con bằng một hậu quả đáng sợ nào đó khi bé không vâng lời.
Không nhất thiết lúc nào bạn cũng hù dọa con bằng một hậu quả đáng sợ nào đó khi bé không vâng lời. Bởi lẽ hầu hết các trường hợp, bạn đều quên bẵng chúng ngay. Và đó là dịp để trẻ tìm cách luồn lách những nội quy mà bạn đặt ra. Hiệu lực lời nói của bố mẹ vì thế cũng trở nên vô tác dụng. Tuy nhiên, đối với những trẻ ngang bướng, một hậu quả dạng hình phạt sẽ trở nên có ích.
3. Vội vã dỗ dành khi trẻ ăn vạ
Trẻ giãy nãy người, lăn trườn khắp sàn nhà để ăn vạ vì chúng chắc chắn bạn sẽ phản ứng, dỗ dành và bị cuốn theo cơn giận của chúng. Vì vậy, hãy trở nên cứng rắn để cố tình làm lơ khi trẻ tỏ muốn dùng sự ăn vạ như một cách gây chú ý.
Chỉ một lúc sau, khi không ai bận tâm đến trò chiến thuật này của trẻ, chúng sẽ tự nhận ra sự thất bại và dừng lại trò quấy khóc ngay. Lưu ý, trước khi bỏ mặc trẻ, bạn phải chắc chắn xung quanh trẻ không có bất kỳ mối đe dọa hoặc nguy cơ tai nạn nào.
4. Nổi đóa và thiếu kiềm chế khi trẻ muốn “đánh trả”
Một số trẻ có thói xấu giơ tay đánh lại người lớn khi không vừa ý điều gì đó.
Một số trẻ có thói xấu giơ tay đánh lại người lớn khi không vừa ý điều gì đó. Hành động này của trẻ có thể khiến bố mẹ tức giận và đôi khi mất kiềm chế. Tuy nhiên, bé sẽ dễ dàng lấy lại vẻ đáng yêu nếu bạn làm trẻ xao nhãng và quên đi hành động của mình. Đó có thể là những lời khuyên dạy nhẹ nhàng hoặc một hành động đáp trả mạnh mẽ sao cho trẻ nhận ra được sai trái của mình. Đừng bao giờ bỏ mặt trẻ trong những hành vi thiếu lễ độ vì chúng có thể lớn dần theo thời gian và định hình như một nét tính cách không đẹp của trẻ.
5. Dùng đòn roi
Những đứa trẻ bướng bỉnh thường có xu hướng dùng bạo lực để đáp trả hành vi. Tuy bạo lực trẻ dùng không có tính nguy hiểm đối với người khác nhưng sẽ không tốt cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Do vậy, ngay trong cách dạy dỗ của bố mẹ cũng cần phải tránh tất cả những hành vị mang tính chất bạo lực như việc sử dụng đòn roi. Nói như vậy không có nghĩa bạn không được phép dùng hình phạt để răn đe.
Một ánh mắt lạnh lùng của bạn đối với trẻ cũng đủ trở nên một hình phạt đáng sợ để trẻ nhận ra mình đã sai. Tất nhiên, điều kiện của hình phạt này là bạn phải chứng tỏ được cho trẻ thấy bạn yêu chúng rất nhiều.
6. Dán nhãn cho trẻ là đứa ương bướng, khó dạy
Trẻ em như búp măng non, bạn có thể uốn nắn chúng nên người con ngoan.
Trẻ em như búp măng non. Bạn có thể uốn nắn chúng nên người con ngoan. Vì thế, không có lý do gì để bạn tin rằng sự ngang ngược từ thuở bé sẽ là tính cách định hình của con về sau. Điều quan trọng là bạn phải đủ kiên nhẫn để khuyên răn và đủ cứng rắn để dạy bảo.
Một vài phân tích trên đây hy vọng sẽ giúp bạn nhận ra được nhiều điều sát với thực tế giáo dục của mình để có được những phương thức dạy dỗ phù hợp dành cho đứa con bướng bỉnh của mình.
Yeutre.vn (Tổng hợp)