1. Về Biểu đồ tăng trưởng của trẻ
Các bà mẹ bỉm sữa luôn lo lắng về quá trình phát triển của con, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Đôi khi nhiều mẹ không biết nên dựa vào đâu để biết rằng quá trình phát triển của con có đang diễn ra bình thường. Trong trường hợp này, việc sử dụng biểu đồ tăng trưởng của trẻ từ 0 - 5 tuổi sẽ giúp mẹ an tâm hơn về việc có một công cụ đắc lực để theo dõi sự phát triển của con. Biểu đồ tăng trưởng của trẻ được chia theo từng nhóm tuổi phát triển nên các mẹ có thể dễ dàng theo dõi sự phát triển của bé hơn.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ
Một trong các yếu tố chủ yếu quyết định đến sự tăng trưởng của trẻ thể hiện trên biểu đồ tăng trưởng là tuổi thai, vì sẽ có sự khác nhau giữa cân nặng của trẻ sinh non và trẻ sinh đủ tháng (38-42 tuần). Bên cạnh đó, yếu tố chi phối đến sự tăng trưởng của trẻ còn là giới tính, vì sẽ có sự khác nhau giữa tốc độ tăng trưởng của bé trai và bé gái. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến một vài yếu tố khác góp phần tạo nên sự khác biệt trong tiến trình tăng trưởng của trẻ có thể thấy rõ trên biểu đồ tăng trưởng của trẻ là gen, môi trường xung quang, nguồn dinh dưỡng, ăn dặm...
3. Cách sử dụng biểu đồ tăng trưởng
Khi xem biểu đồ tăng trưởng các mẹ nên chú ý vào giới tính, độ tuổi, chiều cao, cân nặng và vòng đầu của trẻ. Các mẹ nên tổng hợp và ghi lại sự tăng trưởng của trẻ theo từng giai đoạn thời gian - tương ứng với từng cột mốc của biểu đồ tăng trưởng, vì các chỉ số riêng lẻ không thể đánh giá khách quan được sự tăng trưởng của trẻ. Để các số đo về chiều cao và cân nặng của trẻ chính xác, các mẹ nên lấy kết quả khi trẻ không mặc quần áo.
Các mẹ cũng đừng quá lo lắng khi thấy con mình phát triển không như các chỉ số của biểu đồ tăng trưởng. Vì, cân nặng của các bé thường không cố định mà sẽ thay đổi theo từng tuần.
4. Các dấu hiệu không khớp với biểu đồ tăng trưởng trung bình cuả trẻ
Có thể số liệu thực tế qua quá trình theo dõi sự tăng trưởng của con không khớp/ giống với biểu đồ tăng trưởng trung bình phổ biến, trong trường hợp này mẹ có thể xem xét cụ thể hơn để có những đánh giá chính xác hơn.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ vẫn tăng trưởng, mặc dù cân nặng và chiều cao không khớp với biểu đồ tăng trưởng của trẻ:
- Quần áo các bé nhanh chật, buộc bạn phải mua đồ mới cho bé.
- Da nhão và nhăn nheo do trẻ phát triển nhanh nên dẫn đến tình trạng thiếu lượng mỡ dưới da.
- Trẻ lanh lợi, năng động và phản xạ nhanh.
- Trẻ bú nhiều, luôn ở tình trong tình trạng đói và ngoan ngoãn mỗi khi bú xong.
- Trẻ đi tiểu thường xuyên (ít nhất 06 lần một ngày), khi đi tiêu thì phân sẽ mềm.
Ngược lại với các dấu hiệu trên, nếu tình trạng số liệu mẹ theo dõi sự tăng trưởng của con không khớp biểu đồ tăng trưởng trung bình phổ biến, kèm theo một số dấu hiệu không tích cực như bé chậm tăng cân ; chiều cao có mức độ chênh lệch nhiều, bé biếng ăn, ngủ không ngon,...trường hợp này, mẹ có thể mang bé đi thăm khám, tham khảo ý kiến của các bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng để có hướng cải thiện trong chế độ dinh dưỡng chăm sóc trẻ, nhằm cải thiện tình hình phát triển của con.
Như vậy, các mẹ có thể dựa vào biểu đồ tăng trưởng để đánh giá tình trạng phát triển của trẻ, cũng như sớm nhận ra các vấn đề mà trẻ có thể gặp phải như đột ngột thay đổi cân nặng, hay chậm phát triển về cân nặng hoặc chậm phát triển chiều cao . Tuy nhiên, biểu đồ tăng trưởng cũng chỉ là một trong các cơ sở/ công cụ để các mẹ tham khảo và phát hiện các dấu hiệu bất thường của trẻ. Trong nhiều trường hợp, các mẹ vẫn phải dùng bản năng làm mẹ của mình, để có những đánh giá khách quan đối với sự phát triển của trẻ.
Hy vọng một số thông tin cơ bản liên quan đến biểu đồ tăng trưởng của trẻ như trên, giới thiệu đến mẹ về một trong những cơ sở hữu ích hỗ trợ các mẹ trong quá trình nuôi con. Sử dụng biểu đồ này, các mẹ có thể tham khảo và đưa ra nhận định về sự phát triển của con, nhằm có cách chăm sóc trẻ được tốt hơn.
Kim Chi tổng hợp