1. Bệnh trĩ ảnh hưởng đến bạn như thế nào
Trĩ là một tình trạng có thể ảnh hưởng đến bạn cả về mặt sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta có thể nói như vậy vì những lý do sau:
Bạn có thể bị đau và chảy máu sau khi đi vệ sinh
- Bạn có thể bị ngứa ngáy vùng quanh hậu môn
- Bạn có cảm giác như vẫn cần tiếp tục đi vệ sinh mặc dầu bạn vừa thực hiện nó xong
- Một búi cơ nhỏ (búi trĩ) có thể sa ra ngoài sau khi bạn đi “nặng”
- Đôi khi bạn có thể gặp khó khăn khi kiểm soát việc đại tiện dẫn đến tình trạng són phân lỏng. Điều này sẽ khiến bạn mất tự tin trong cuộc sống hằng ngày
Đặc biệt nếu bạn đã bị trĩ trước khi có thai, thì triệu chứng của nó có thể nặng lên trong thai kỳ. Kết hợp với những khó khăn trong quá trình mang thai, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của bạn.
2. Bệnh trĩ có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn mang thai
Chúng ta có lẽ đều thấy việc một phụ nữ có thai bị trĩ là khá bình thường, vì nó tương đối phổ biến. Tuy nhiên, nếu bạn đã bị bệnh trĩ trước khi mang thai, thì khả năng nó trở nên nghiêm trọng hơn trong thai kỳ là rất cao, vì hai nguyên nhân sau:
- Sự thay đổi hormone khi mang thai khiến tĩnh mạch của bạn bị giãn
- Sự thay đổi hormone cũng ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa khiến bạn tăng khả năng bị táo bón
Cả hai nguyên nhân trên đều dễ dẫn đến tình trạng trĩ hoặc làm cho nó tệ hơn nếu trước đó bạn đã bị căn bệnh này.
3. Bạn nên làm gì nếu bệnh trĩ của mình chưa được điều trị dứt điểm mà đã có thai
Chiến thuật tốt nhất giúp bạn giảm bớt mức độ nghiêm trọng nếu bị trĩ khi mang thai là đảm bảo rằng bạn không bị táo bón. Vì táo bón sẽ khiến bạn phải cố gắng rặn khi đi vệ sinh, và việc này làm cho tình trạng trĩ nặng hơn.
Những lời khuyên sau sẽ giúp cơ thể bạn dễ chịu hơn khi phải đối mặt với tình trạng trĩ trong thai kỳ:
- Bạn hãy ăn một chế độ ăn giàu chất xơ, bao gồm các loại thực phẩm như: ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì và mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, các loại trái cây và rau quả
- Bạn hãy uống nhiều nước mỗi ngày để không bị mất nước
- Bạn hãy tập thể dục mỗi ngày, ngay cả khi đó chỉ là một cuộc đi bộ ngắn và nhanh
- Bạn hãy đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu. Việc chờ đợi hoặc trì hoãn sẽ khiến phân trở nên cứng và khó ra ngoài hơn
- Bạn hãy kê chân lên một chiếc ghế khi đi vệ sinh, việc này sẽ giúp bạn có tư thế thuận lợi để tống phân ra ngoài hơn
- Bạn hãy cố gắng thư giãn trong khi đi vệ sinh, vì sự căng thẳng có thể khiến bạn khó “đi” hơn. Nếu bạn gặp khó khăn, hãy thử lại sau khi uống nước, nạp một ít thực phẩm giàu chất xơ hoặc tập thể dục
- Bạn hãy thử ấn vào vùng cơ giữa âm đạo và hậu môn khi đi vệ sinh. Việc này kích thích một phản xạ làm trăng trương lực cơ trong trực tràng của bạn, và có thể làm cho việc đi vệ sinh được dễ dàng hơn
- Bạn hãy thực hiện các bài tập vùng cơ sàn chậu mỗi ngày để tăng cường cơ bắp ở vùng xương chậu của bạn. Điều này có thể làm cho bạn đi ngoài dễ hơn cũng như ngăn ngừa bệnh trĩ phát triển thêm. Ngoài ra nó còn giúp bạn sinh nở thuận lợi và còn tăng tốc độ phục hồi vùng cơ này sau đó.
4. Những việc bạn có thể làm để giảm bớt các triệu chứng của bệnh trĩ khi mang thai
Thông thường, các bác sĩ không muốn thực hiện phẫu thuật khi bạn mang thai. Do vậy, trừ khi bệnh trĩ khiến bạn cực kì đau, khó chịu, búi trĩ quá lớn và chảy máu thì phương pháp phẫu thuật mới được đề nghị thực hiện. Nó chỉ là lựa chọn khi tình trạng của bạn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày trong thai kỳ của bạn.
Ngoài ra, những cách sau có thể giúp bạn thấy dễ chịu và thoải mái hơn, gồm:
- Sử dụng một miếng gạc lạnh, chẳng hạn như một miếng vải mềm ngâm nước đá và vắt ráo sẽ giúp giảm đau nhức khi bạn chườm quanh hậu môn hoặc vị trí búi trĩ.
- Sử dụng khăn ướt để lau khi đi vệ sinh: việc này có thể khiến bạn thấy dễ chịu hơn, đồng thời tránh làm cho khu vực hậu môn bị xây xát hoặc đau thêm (trong trường hợp búi trĩ bị sa hoặc sưng). Mặc dù vậy, loại khăn này không thích hợp để xả trực tiếp xuống bồn vệ sinh, bạn cần vứt vào thùng rác tương tự như tã lót đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lựa chọn loại khăn không chứa nhiều hương liệu hoặc hóa chất để tránh gây kích ứng da.
- Bạn hãy thử dùng ngón tay sạch để đẩy búi trĩ vào trở lại sau khi đi vệ sinh (với sự hỗ trợ của chất bôi trơn nếu cần).
- Nếu bạn không thấy thoải mái khi ngồi, bạn hãy thử đặt một chiếc đệm bên dưới mỗi mông với một khoảng cách nhỏ ở giữa.
- Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về loại kem trị bệnh trĩ an toàn khi sử dụng trong thai kỳ.
Bị trĩ trước khi mang thai là việc không chị em nào muốn mình gặp phải. Tuy nhiên, nếu bạn là người rơi vào trường hợp này, hãy cố gắng áp dụng những lời khuyên đã được đề cập ở trên nhé. Vì những việc này không những có thể làm giảm sự khó chịu do trĩ gây ra, mà nó còn có tác động tích cực đến sức khỏe của bạn trong thai kỳ, cũng như việc phục hồi của cơ thể bạn sau khi bạn sinh em bé.
Theo NHS & Baby Center
Lily Nguyễn tổng hợp