Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em - căn bệnh nguy hiểm cha mẹ cần lưu ý

Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em là một căn bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới các cơ quan quan trọng của cơ thể trẻ như phổi, thận và đôi khi là tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh này để có thêm thông tin giúp nhận diện nó sớm nếu trẻ mắc phải nhé. 

banner ads

Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em
Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em là một căn bệnh nguy hiểm. Ảnh Internet 

1. Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em là gì

Nhiễm trùng máu ở trẻ em là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào đường máu của trẻ, gây nhiễm trùng nghiêm trọng cho các cơ quan nội tạng như gan, thận, phổi kể cả xương.

Nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ thường là do các loại vi khuẩn như: 

  • E.coli (vi khuẩn gây bệnh đường ruột)
  • Streptococcus pneumoniae (khuẩn phế cầu có thể gây viêm màng não ở trẻ)
  • Haemophilus influenzae (một loại trực cầu khuẩn có thể gây viêm phế quản)
  • Klebsiella (một loại trực khuẩn có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng huyết, viêm cột sống dính khớp, viêm mô mềm)
  • Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh có thể gây viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm họng và nhiều vấn đề sức khỏe khác). Và một số khuẩn khác.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể bị nhiễm trùng máu do bị khuẩn tụ cầu vàng hay liên cầu khuẩn nhóm A xâm nhập vào máu qua vết thương hở, hoặc vi khuẩn Neisseria meningitides (gây viêm não mô cầu) qua đường hô hấp hay salmonella (trực khuẩn hình que) đi vào máu qua đường ruột.

Bệnh nhiễm trùng máu thường gặp ở nhóm trẻ từ 2-36 tháng tuổi khi hệ thống miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện. Nó đặc biệt dễ gặp hơn ở những trẻ chưa được tiêm vaccine đầy đủ, hay trẻ có tổn thương ngoài da như viêm da, mụn nhọt, áp xe, viêm phổi, tiêu chảy hay viêm màng não mủ.

banner ads

Nguy cơ bị bệnh sẽ giảm dần khi trẻ lên 2 tuổi và hầu như rất thấp khi trẻ được 3 tuổi vì lúc này hệ miễn dịch của con đã đủ mạnh để chống lại hầu hết các tình trạng nhiễm trùng máu. 

Em bé khóc
Bệnh nhiễm trùng máu thường gặp ở nhóm trẻ từ 2-36 tháng tuổi. Ảnh Internet 

2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ

Việc phát hiện tình trạng nhiễm trùng máu sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa quyết định sự sống chết của trẻ. Bạn hoặc người chăm sóc trẻ trực tiếp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu nghi ngờ con bị nhiễm trùng và tình trạng không cải thiện hoặc ngày càng nặng hơn. Trẻ bị nhiễm trùng máu đã có thể bị các loại nhiễm trùng khác trước đó như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi , nhiễm trùng da hoặc xương.

Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ có thể bao gồm sự kết hợp của bất cứ các dấu hiệu và triệu chứng nào dưới đây:

  • Sốt cao hoặc hạ thân nhiệt (trẻ sơ sinh thường bị hạ thân nhiệt)
  • Tim đập nhanh
  • Thở nhanh
  • Cảm thấy lạnh hoặc bị lạnh bàn chân và tay
  • Da nhợt nhạt
  • Hoảng hốt, chóng mặt hoặc mất phương hướng
  • Khó thở
  • Đau đớn hoặc khó chịu dữ dội
  • Buồn nôn và ói mửa 
Trẻ bị sốt
Trẻ bị nhiễm trùng máu thường sốt cao hoặc hạ thân nhiệt. Ảnh Internet 

Bạn nên lưu ý rằng những triệu chứng trên khi xuất hiện đơn lẻ thường là biểu hiện khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi con bị ốm và hầu hết trường hợp trẻ không phải bị nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, nếu bạn thấy trẻ có hơn 2 triệu chứng trên xuất hiện cùng lúc hoặc trẻ có vẻ ốm yếu hơn bình thường thì bạn nên đưa con đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám.

Đối với những trường hợp sau, bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được can thiệp ngay lập tức:

  • Da trẻ lạnh, nhợt nhạt hoặc phát triển màu sắc hay những đốm bất thường
  • Trẻ không có phản ứng hoặc khó thở
  • Tã của trẻ khô trong hơn 12 giờ

3. Nhiễm trùng máu ở trẻ được chẩn đoán và điều trị như thế nào

3.1. Chẩn đoán bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ

Khi trẻ bị sốt bác sỹ sẽ kiểm tra kỹ càng xem trẻ có bị mắc các bệnh phổ biến như viêm tai, viêm họng, hay viêm phổi,…hay không. Nếu trẻ không mắc các bệnh này, có khả năng con bị nhiễm trùng máu. Lúc này trẻ sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân chính xác gây bệnh cho trẻ. Các xét nghiệm có thể gồm:

  • Xét nghiệm dịch tủy sống (để kiểm tra trẻ có bị viêm màng não hay không)
  • Xét nghiệm máu (để kiểm tra trẻ có bị nhiễm trùng máu hay không)
  • Xét nghiệm nước tiểu (để kiểm tra trẻ có bị nhiễm trùng đường tiểu hay không)

Tất cả những loại trên đều là xét nghiệm xâm lấn có thể làm cho cả bạn và trẻ lo lắng và căng thẳng. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của căn bệnh đủ lớn nên các bác sỹ mới chỉ định thực hiện cho trẻ.

Mặc dù chỉ có 2-3% trẻ bị sốt mà không kèm theo triệu chứng nào khác thực sự bị nhiễm trùng máu nhưng nếu không được phát hiện kịp thời, những trẻ nằm trong phần trăm hiếm hoi đó có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. 

Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu là bước kiểm tra cần thiết xem trẻ có bị nhiễm trùng máu hay không. Ảnh Internet 

3.2. Điều trị bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ như thế nào

Trẻ bị nhiễm trùng máu hoặc thậm chí nghi ngờ nhiễm trùng máu sẽ được điều trị trong bệnh viện. Thông thường trẻ sẽ phải ở phòng chăm sóc đặc biệt. Việc điều trị bệnh nhiễm trùng này mang tính khẩn cấp vì nó liên quan đến sự sống còn của trẻ, vì vậy trẻ sẽ được truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch để chống lại tình trạng nhiễm trùng. Nhiều thủ tục khác có thể cần thiết để hỗ trợ quá trình trị bệnh bao gồm:

  • Truyền dịch
  • Dùng thuốc đặc trị cho tim và huyết áp
  • Dùng các loại thuốc khác để giúp trẻ được bình tĩnh và dễ chịu hơn
  • Dùng máy trợ thở cho trẻ

Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ có thể được cải thiện trong vòng một tuần điều trị hoặc hơn sau đó tùy vào tình trạng của con mà bác sỹ sẽ đưa ra liệu trình tiếp theo, có khả năng trẻ được xuất viện và vẫn uống kháng sinh tại nhà. Tuy nhiên bạn cần đảm bảo cho trẻ tiếp tục uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sỹ và cần đưa con đến bệnh viện theo đúng hẹn để được kiểm tra. 

Trẻ và bác sỹ
Tình trạng bệnh của trẻ sẽ cải thiện trong vòng 1 tuần nếu điều trị tích cực. Ảnh Internet 

4. Cha mẹ có thể làm gì để phòng ngừa bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ

Vì nhiễm trùng máu có thể bắt nguồn từ những loại nhiễm trùng khác ngoài da hay trong cơ thể, nên các cha mẹ hãy thực hiện những việc sau để giúp phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này cho trẻ:

  • Tuân thủ nghiêm ngặt các bước chăm sóc đối với các tình trạng bệnh mãn tính của trẻ.
  • Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm phòng .
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân (cho cả bạn và trẻ cũng như những người hay tiếp xúc với trẻ) bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, giữ vết thương của trẻ sạch cho đến khi lành.
  • Giữ gìn vệ sinh nhà ở.
  • Nắm rõ các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm trùng máu.
  • Tham khảo ý kiến bác sỹ nhi khoa để được tư vấn về các bước bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
  • Hành động nhanh chóng: đây là việc cực kỳ quan trọng. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng máu hoặc nhận thấy một tình trạng nhiễm trùng ở trẻ không cải thiện hay ngày càng tệ hơn, bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức. 
Vaccine
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm phòng. Ảnh Internet 

Bệnh nhiễm trùng máu ở trẻ em tuy không quá phổ biến nhưng cũng không phải quá hiếm gặp. Đôi khi bệnh bắt nguồn chỉ từ một vết thương nhỏ hay một vài vùng da bị viêm nhẹ. Vì vậy trong quá trình chăm sóc trẻ, bạn cần quan sát & theo dõi thật kỹ tình trạng sức khỏe cũng như những biểu hiện khác thường của trẻ dù nhỏ, để có thể can thiệp kịp thời và bảo vệ con bạn nhé.

Theo Healthy Children & Baby Centre

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI