1. Bé sơ sinh hay bị nấc cụt có sao không?
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh là bệnh thường gặp nhưng nó sẽ trở nên dễ giải quyết khi bố mẹ có sự cố công tìm hiểu và áp dụng các cách cải thiện phù hợp đối với con mình.
1.1. Nấc cụt ở trẻ sơ sinh
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh đặc biệt là giai đoạn con 0 - 12 tháng là tình trạng xảy ra rất phổ biến. Theo các chuyên gia, hiện tượng nấc cụt xảy ra do sự co thắt không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành và liên sườn, tiếp đó là sự đóng kín đột ngột của thanh môn, làm tạo ra tiếng "nấc". Nấc cụt thường có tần số từ 4 đến 60 lần trong 1 phút. Nó có thể kéo dài khoảng vài phút và 2,3 lần trong ngày.
Người lớn thường hay khó chịu khi bị nấc cụt nên nghĩ trẻ nhỏ cũng vậy. Tuy nhiên, bé sơ sinh nấc cụt thông thường không có gì đáng lo. Thậm chí thai nhi còn trong bụng mẹ từ tuần thứ 14 trở đi đã có thể bị nấc cụt do uống nước ối và để chuẩn bị vận hành hệ hô hấp khi bé chào đời. Những điều mẹ chưa biết về tiếng nấc cụt của thai nhi trong bụng được xem như lời nhắn nhủ ngọt ngào, để biết em bé trong bụng đang khỏe mạnh. Cũng vậy, đa phần trẻ sơ sinh có bị nấc cụt vẫn có thể ngủ ngon giấc và ít khi gây ảnh hưởng đến nhịp thở của con. Thực tế mọi em bé đều có khả năng bị nấc cụt. Bé sẽ bị nấc nhiều nhất khi ở giai đoạn sơ sinh sau đó giảm dần theo theo độ lớn của mình.
1.2. Nguyên nhân gây nấc cụt
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nấc cụt ở trẻ sơ sinh. Để làm rõ câu hỏi bé sơ sinh hay bị nấc cụt có sao không, Yeutre.vn đã tổng hợp một số nguyên nhân điển hình dưới đây:
- Cho bé bú sữa quá no
Khi mẹ cho bé bú sữa quá no sẽ làm dạ dày giãn to ra, đồng thời dẫn đến sự giãn nở đột ngột của khoang bụng làm co thắt cơ hoành, từ đó dẫn đến bé bị nấc cụt.
- Nuốt nhiều khí vào bụng
Khi mẹ cho bé bú bằng bình sữa, bé sẽ nuốt quá nhiều không khí vì lượng sữa trong bình chảy nhanh hơn so với sữa mẹ. Việc nuốt không khí quá nhiều làm dạ dày bé giãn to ra. Đồng thời, khi cho con trẻ bú bằng bình sữa quá lớn, lượng không khí nuốt cùng quá nhiều dẫn đến bé dễ nổi quạu và nấc cụt.
- Trào ngược dạ dày thực quản
Tình trạng trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh là biểu hiện thức ăn đi ngược lại từ dạ dày lên thực quản. Tình rạng trào ngược xảy ra khi bé sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện vòng thực quản dưới. Việc trào ngược thức ăn và axit bên trong dạ dày sẽ dẫn đến các tế bào thần kinh bị tác động, làm rung cơ hoành và dấn đến tình trạng bé bị nấc cụt.
- Hen suyễn
Khi bé bị hen suyễn, sẽ làm viêm các ống phế quản phổi gây ra sự hạn chế luồng khí vào phổi. Khi lượng không khí cung cấp bị thiếu sẽ làm trẻ bị thở khò khè, thở dốc tác động làm co thắt cơ hoành, tạo ra tiếng nấc ở bé.
- Sự thay đổi của nhiệt độ môi trường
Khi nhiệt độ môi trường đột ngột giảm xuống, các cơ của bé sẽ chủ động co lại bao gồm cơ hoành. Đồng thời, khi nhiệt độ thấp không khí vào phổi sẽ làm trẻ dễ bị lạnh dẫn đến nấc cụt. Nên bố mẹ phải để ý, luôn giữ ấm cho bé khi thời tiết thay đổi.
- Hít phải khí ô nhiễm từ môi trường ngoài
Vì là trẻ sơ sinh nên các cơ quan trong hệ hô hấp của con phát triển chưa được hoàn thiện. Khi bé hít phải mùi ô nhiễm, mùi quá nồng, khói bụi sẽ dễ làm bé ho. Khi ho mạnh sẽ làm cơ hoành bị rung hoặc tổn thương làm bé nấc cụt.
- Bé bị dị ứng
Protein trong sữa hoặc sữa mẹ có thể làm trẻ bị dị ứng, gây ra sự viêm thực quản cho bé. Đây là nguyên nhân làm trẻ nấc cụt. Lưu ý, sữa mẹ làm bé bị dị ứng có thể là do thức ăn mẹ ăn không phù hợp, mẹ cần điều chỉnh để không gây hại cho bé.
2. Làm thế nào để cắt cơn nấc cụt ở trẻ sơ sinh?
Tuy nấc cụt ở trẻ sơ sinh là bình thường, không gây hại và để bé sẽ tự khỏi nhưng nếu bị nấc lâu sẽ làm bé khó chịu, mệt mỏi, đương nhiên sẽ làm các bố mẹ lo lắng. Nếu bé nhà bố mẹ cũng như thế, mẹ có thể thực hiện những cách sau đây giúp con "dứt điểm" cơn nấc cụt.
2.1 Cách phòng ngừa nấc cụt
Khi đã nắm được một số nguyên nhân khiến bé sơ sinh hay bị nấc cụt thì việc tìm cách phòng ngừa tốt nhất để tránh tình trạng nấc cụt cho con là rất cần thiết.
Như đã nói ở trên, khâu cho bé bú rất quan trọng trong việc có làm bé bị nấc cụt không. Nên mẹ cần chú ý, khi cho bé ăn, cần cẩn thận liều lượng không nên cho bé bú quá nhiều sữa và cũng không được để bé quá đói, vì như vậy không những gây nấc cụt còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạ dày của bé. Thay vào đó, mẹ hãy chia nhỏ cữ ăn trong thời gian ngắn, giúp bé không bị nấc cụt và hấp thu tốt hơn.
- Trong lúc cho con bú, để hạn chế con bị tình trạng thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản, mẹ nên đặt con đúng tư thế trước khi cho bú, để sữa đi đúng từng giai đoạn vào hệ tiêu hóa. Trường hợp nếu bé đã có thể ngồi, mẹ hãy để bé ngồi đùng tay đỡ lưng bé và cho bé uống sữa. Cách này giúp sữa đi thẳng xuống dạ dày và hạn chế tối đa lượng không khí vào cơ thể.
- Khi bé bú bạn nên chuẩn bị tư thế sẵn sàng, vệ sinh núm vú sạch sẽ để lúc bé bú không bị ngắt quãng, trẻ không nuốt phải không khí thì sẽ không bị nấc cụt và nổi cáu.
- Với các bé bú bình, tình trạng hay gặp là con ngủ quên khi đang bú bình. Mẹ nên nhẹ nhàng lấy bình ra khi con đã ngủ, vì lượng sữa trong bình sẽ chảy nhiều hơn so với khi bé bú sữa mẹ. Điều này dễ dẫn đến việc bé có thể bị nấc cụt hoặc sặc sữa.
- Trong lúc ăn nghe nhạc cũng dễ làm bé phân tâm. Do đó, mẹ phải đặt núm vú sao cho vừa khít với miệng bé, tránh làm bé phân tâm bỏ núm vú ra sẽ làm không khí lọt vào gây nấc cụt. Ngoài ra, sau khi bú xong, hãy bế bé trong tư thế đầu cao khoảng 10 phút.
2.2 Cách chữa nấc cụt nhanh nhất cho trẻ sơ sinh
- Cho bé uống nước
Đây là cách trị nấc cụt hiệu quả được nhiều mẹ bỉm sử dụng nhất. Với các bé 5-6 tháng, bạn hãy lấy nước đun sôi để nguội và lấy thìa bón cho bé. Nếu các bé đã ở giai đoạn ăn dặm tốt trên 6 tháng, bạn có thể cho bé uống từ từ hết khoảng 100ml nước. Đa số cách này đều rất hiệu quả đối với các bé.
- Dùng động tác massage lưng cho bé
Một trong những phương pháp hữu hiệu, giúp con dễ chịu hết nấc cụt là massage cho bé. Để con ngồi hoặc nằm trên bụng mẹ, dùng tay massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn đều quanh lưng bé. Cách massage sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu, giúp cơ hoành căng ra và hết nấc cụt.
- Cho bé ăn một ít đường
Đối với trẻ sơ sinh trên 6 tháng và ngậm núm vú giả, bạn hãy vệ sinh thật sạch sẽ núm vú giả, thoa lên núm vú giả một ít siro cho trẻ sơ sinh và cho bé ngậm. Với cách này mẹ có thể yên tâm rằng, sau đó cơn nấc cụt sẽ ngưng quấy rối con.
- Chơi với bé
Khi bé bị nấc cụt bạn hãy cố gắng làm trò để bé phân tâm bằng những trò vận động nhẹ nhàng hay nhử đồ chơi cho bé thích thú. Bạn có thể chọc bé bằng cách chơi ú òa, phương pháp này cũng rất hiệu quả.
- Dùng ngón tay bịt lỗ tai của bé
Bạn hãy sử dụng hai ngón tay bịt hai bên phần lỗ tai của bé. Giữ như thế khoảng 30 giây rồi buông ra. Một cách khác nữa, bạn hãy gãi lên mang tai hoặc môi của con. Hãy đếm đủ khoảng 50 cái cơn nấc sẽ hết. Nếu con nảy khóc thì tiếng khóc làm giãn dây thần kinh thực quản, dẫn tới cắt được các tác động lên cơ hoành và sẽ giúp xua tan tiếng nấc khó chịu.
- Vỗ lưng cho bé
Cách này thực hiện khá đơn giản. Bạn chỉ cần, bế bé sao cho đầu bé ngẩn cao, chụm bàn tay lại và vỗ nhẹ nhàng theo nhịp vào lưng bé. Phương pháp này giúp bé tránh trào ngược khi bú xong, vừa giúp ợ hơi tốt cho tiêu hóa của bé.
3. Điều gì không nên làm khi con bị nấc cụt?
Một số bố mẹ lầm tưởng rằng trẻ con nấc cụt cũng giống người lớn, nên cố gắng áp dụng cách chữa của người lớn cho bé sơ sinh. Tuy nhiên, có nhiều cách không nên thử vì có thể gây ra tác hại nguy hiểm đến sức khỏe của bé.
- Hù bé giật mình, dọa bé
Khi người lớn bị nấc cụt, 1 âm thanh lớn bất ngờ làm ta giật mình có thể giúp hết nấc cục. Nhưng đối với trẻ sơ sinh thì khác, tránh hù dọa, quát nạt tạo ra âm thanh lớn tiếng sẽ làm cho bé bị giật mình. Như thế sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, màng nhĩ và có khi còn làm tổn thương cột sống của trẻ.
- Ấn vào nhãn cầu mắt của bé
Khi còn sơ sinh, các cơ mắt chuyển động vẫn đang phát triển chưa hoàn thiện. Do đó, bé chưa biết cách để tự điều khiển mắt của mình nên bạn không được tự tiện ấn vào nhãn cầu mắt của con dù có nhẹ nhàng đến mấy.
- Cho con ăn kẹo bánh có vị chua
Đối với trẻ nhỏ kẹo bánh có vị chua không có tác dụng làm hết nấc cụt như đối với người lớn. Dù trẻ có hơn 12 tháng, mẹ cũng không nên cho con ăn bánh kẹo có vị chua để chữa nấc cụt. Vì kẹo bánh có vị chua không trị được nấc cụt mà còn chứa nhiều axit gây hại cho dạ dày và sức khỏe của trẻ.
- Kéo xương hoặc lưỡi của bé
Các bộ phận trên cơ thể của trẻ sơ sinh rất mềm yếu. Nên bạn không được vì trẻ nấc cụt mà dùng cách mạnh bạo với con như với người lớn. Như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con sau này.
4. Khi nào cần đưa bé đến bác sĩ?
Tình trạng nấc cụt ở trẻ sơ sinh là phổ biến, tuy vậy tình trạng này không phải lúc nào cũng bình thường. Dù nói nấc cụt là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhưng bố mẹ cũng không được chủ quan. Nếu con nấc cụt và rơi vào những trường hợp sau bố mẹ cần đưa con đến bác sĩ ngay.
Khi bé bị nấc cụt kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày
Đối với trẻ sơ sinh hay trẻ lớn đều có thể sẽ bị cơn nấc cụt gây nhiễu trong vài phút hoặc cả vài giờ. Tuy nhiên, khi quan sát bé vẫn vui vẻ chơi đùa thì mẹ không cần lo quá. Nhưng bé nếu có dấu hiệu bất thường hoặc quấy khóc thì hãy để ý con có khó thở hoặc thở khò khè không. Nếu có hãy đưa bé đến bác sĩ ngay, để được chữa trị kịp thời.
- Bé nấc cụt khi ngủ hoặc bú
Nấc cụt là điều hay bị ở trẻ nhỏ. Nhưng, bé sơ sinh bị nấc cụt dài khi ngủ, chơi hay bú nhiều lần trong ngày thì mẹ nên đưa bé đến bác sĩ, để được kiểm tra thăm khám. Vì nếu nấc cụt mãn tính bé sẽ khó chịu, cản trở mọi hoạt động của bé.
- Khi bé bị trào ngược dạ dày thực quản
Nếu bé sơ sinh sau khi ăn luôn ói ra chất lỏng và nấc cụt triền miên thì đây có thể là biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày. Điều này sẽ làm con quấy khóc sau khi bú, dễ nổi cáu và cong lưng. Nếu mẹ thấy con có những triệu chứng trên, hãy đưa con đến bác sĩ để được khám, chữa kịp thời nhé.
Bé sơ sinh hay bị nấc cụt có sao không - đến đây hẳn sẽ không còn là câu hỏi đầy lo lắng của bố mẹ nữa. Yeutre.vn rất hy vọng bài chia sẻ này sẽ giúp bố mẹ bổ sung những thông tin hữu ích vào cẩm nang chăm sóc con, và tìm được cách giải quyết phù hợp cho tình trạng nấc cụt khi bé mắc phải nhé.
Ngọc Hân tổng hợp