Lở miệng là tình trạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó khiến các bé cực kỳ khó chịu. Mặc dù bệnh này không nguy hiểm nhưng rất dễ tái phát. Vì vậy, các bố mẹ hãy chú ý tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách điều trị cũng như cách phòng tránh bệnh để có thể chăm sóc con mình tốt nhất.
1. Nguyên nhân bé bị lở miệng
Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị lở miệng. Thông thường do các nguyên nhân chính sau đây:
- Nhiễm trùng tai mũi họng, bệnh viêm họng hoặc mũi - hầu có thể gây lở miệng ở trẻ. Bé bị lở miệng cũng có thể do virus herpes với triệu chứng như lở miệng do nhiệt.
- Nếu trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng hay thủy đậu thì virus này không chỉ gây ra các nốt phỏng ở da mà còn có thể gây các nốt loét ở niêm mạc miệng.
- Bé bị nhiễm khuẩn, buộc phải dùng kháng sinh. Điều này có thể làm bé bị lở miệng vì một số loại kháng sinh, chống viêm có nguồn gốc từ acid niflumique, gây nóng rát khiến vòm miệng và lưỡi xuất hiện những ổ loét.
- Bé bị lở miệng có thể do thiếu dinh dưỡng (thiếu vitamin A, C, B2, PP, B6, B12, kẽm, protein...) hoặc dinh dưỡng không đúng cách khiến sức đề kháng của cơ thể bé giảm sút, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh.
- Chấn thương cũng có thể khiến bé bị lở miệng.
Dù là nguyên nhân gì gây loét miệng thì cũng làm cho trẻ đau, rát, khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nên các bố mẹ phải thật cẩn thận trong cách chăm sóc con mình.
2. Nhận biết bé bị lở miệng
Dựa vào các dấu hiệu sau đây, các mẹ có thể biết được bé bị lở miệng hay không:
- Lở miệng thường nằm giữa lợi và môi, ngay phần đầu hoặc vành lưỡi, vòm miệng, cuống họng… Các vết lở miệng, nhiệt miệng có đường kính dưới khoảng 1 cm, có trường hợp từ 1 - 3 cm. Vết thương có màu vàng tươi được bao quanh vùng viêm tấy có màu đỏ, đặc biệt ở bên trong má.
- Những vùng nhỏ niêm mạc nhô lên, trắng tươi, làm đau ở bất kỳ chỗ nào trên lưỡi, trên nướu hoặc lớp niêm mạc lót khoang miệng.
- Những đốm trắng giống như rộp bên trong miệng, đôi khi đi kèm sốt.
- Bé bị lở miệng thường có biểu hiện bỏ bú, bỏ ăn.
3. Chăm sóc và điều trị
Bé bị lở miệng thường có nguyên nhân lành tính và sẽ tự khỏi sau khoảng 1 - 2 tuần. Vấn đề quan trọng là các mẹ nên chăm sóc con đúng cách để các bé mau chóng bình phục:
- Tiếp tục cho bé bú, uống nước nhiều hơn.
- Có thể cho bé uống paracetamol dạng nước nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ.
- Nếu bé đang trong giai đoạn ăn dặm, các mẹ hãy chú ý cho bé ăn thức ăn hóa lỏng để dễ nuốt như cháo đường, cháo trứng, sữa chua, bánh flan, sữa nguội,… giúp bé đỡ đau hơn, đồng thời bổ sung thêm vitamin cho bé. Hãy cho bé hút bằng một cái ống hút, nếu bé thích.
- Tránh cho trẻ ăn bất cứ thức ăn mặn hay chua nào vì như vậy sẽ làm bé đau rất, nên cho bé ăn nhạt.
- Không để trẻ cắn phải môi hay má. Như vậy có thể dẫn tới tổn thương lớp niêm mạc lót miệng và môi, và đôi khi dẫn tới lở loét.
- Đưa bé đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, kiểm tra sức khỏe và điều trị đúng cách, kịp thời.
4. Phòng bệnh và biến chứng
Để bé không bị lở miệng hoặc tránh các biến chứng có thể xảy ra, các mẹ nên thực hiện theo hướng dẫn sau:
- Để phòng bệnh, các mẹ phải luôn giữ vệ sinh cá nhân cho bé, đặc biệt là bàn tay.
- Nên chú ý theo sát con, kể cả lúc bé vui chơi, tránh để bé ngậm mút đồ chơi, vật dụng cá nhân bẩn gây nhiễm khuẩn, dễ khiến bé bị lở miệng.
- Thiết lập thói quen tốt cho bé trong sinh hoạt hàng ngày như nghỉ ngơi có giờ giấc, không để bé thức khuya, cho bé ăn uống đúng giờ và không ăn quá no.
- Cho bé ăn với chế độ ăn phong phú , đầy đủ chất dinh dưỡng. Nên ăn những thức ăn có tính mát có tác dụng giải nhiệt như rau xanh, dưa chuột, cam, trà xanh, cà rốt, lê….
Với những thông tin chia sẻ ở trên, Yeutre.vn hy vọng có thể cung cấp những kiến thức cơ bản về tình trạng bé bị lở miệng cho các bậc phụ huynh. Từ đó, bố mẹ có thể chăm sóc cho trẻ một cách tốt nhất, nhằm rút ngắn tối đa số ngày bệnh để trẻ nhanh chóng phục hồi và bắt kịp nhịp tăng trưởng. Hãy đồng hành với Yeutre.vn để biết thêm nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé nhé!
Mỹ Tiên tổng hợp