Cách thực hiện phương pháp cạo gió cũng khá đơn giản. Người cạo gió chỉ cần sử dụng một vật cứng, mỏng xoa với dầu hoặc rượu gừng, cạo lên da đến khi lên gió (vùng da ửng đỏ hoặc đỏ bầm) là được. Phương pháp đơn giản này giúp giảm ngay chứng cảm ở người bệnh mà không cần dùng đến thuốc tây. Chính vì vậy, nhiều bà bầu rất thích phương pháp này vì có thể điều trị các chứng cảm mà không cần phải uống thuốc.
Phụ nữ mang thai có nên cạo gió?
Tuy nhiên, theo Đông y, cạo gió làm nóng cơ thể, tăng cường lưu thông máu, kích thích huyệt đạo nên sẽ không thích hợp với bà bầu vì nó có nguy cơ xấu với thai nhi. Nguyên nhân khi cạo gió, người bệnh sẽ được cạo dọc hai bên cổ gáy, dọc xuống vai và kín hết vai, dọc hai bên cột sống rồi tỏa sang hai bên mạng sườn. Trong một số trường hợp thai nhi yếu, khi cạo gió vùng lưng, mạng sườn rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi và gây co bóp tử cung, nguy cơ động thai, sảy thai, sinh non.
Chưa kể sử dụng dầu cạo gió có thể thấm qua da ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi như gây dị dạng thai nhi, thai chết lưu. Vì các thành phần trong tinh dầu gió có chứa long não, tinh dầu bạc hà không hề tốt cho thai nhi.
Ngoài ra, khi cạo gió mạnh có thể làm vỡ các mạch máu, gây xuất huyết dưới da không tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Khi bị cảm, bà bầu nên làm gì?
Nếu bị cảm thông thường, bà bầu có thể sử dụng một số phương pháp trị bệnh theo dân gian như đắp rau dấp cá, nhọ nồi hoặc dùng tỏ xông mũi; nấu cháo hành tía tô để ra mồ hồi (không nên cho quá nhiều tía tô vì có thể gây co bóp tử cung); sắc một nắm lá tía tô để uống và ăn kèm cháo trứng gà..
Nếu cảm kéo dài không hết nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Yeutre.vn (Tổng hợp)