Ăn dặm cho bé như thế nào để bé nhận thêm nhiều dinh dưỡng và mẹ dễ thực hiện

Ăn dặm cho bé sao cho bé phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần là điều mẹ nào cũng mong muốn. Thế nhưng thực đơn ăn dặm cho bé phải luôn thay đổi liên tục và đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm cấn thiết để kích thích ăn bé ăn ngon, ăn nhiều. Việc này không phải dễ dàng thực hiện với tất cả các mẹ. Nếu mẹ thực sự đang gặp khó khăn trong việc chọn thực đơn vừa ngon, vừa bổ cho bé thì có thể bỏ túi ngay những gợi ý dưới đây nhé!

banner ads
thực đơn ăn dặm của bé phải đa dạng về nguyên liệu
Thực đơn ăn dặm cho bé cần đủ những dưỡng chất cần thiết - Ảnh Internet

1. Vì sao nên cho bé ăn dặm?

Cho bé ăn dặm là việc sớm muộn mẹ cần phải làm, và làm thật tốt để bé phát triển khỏe mạnh. Khi bé được 6 tháng tuổi, sữa mẹ không còn là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho bé. Từ đây, bé cần bổ sung thêm nhiều dưỡng chất cần thiết khác cho sự phát triển thể chất lẫn não bộ. Và những thực đơn ăn dặm cho bé chính là nguồn cung cấp những dưỡng chất đó!

Mẹ cần lưu ý thời điểm cho bé ăn dặm nhé, không cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn. Theo các chuyên gia, thời điểm tốt nhất cho để bắt đầu cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé đã phát triển tốt hơn, có thể xử lý được những thực phẩm phức tạp hơn sữa mẹ.

bố mẹ cần cho bé ăn dặm đúng thời điểm để tốt cho bé
Cho bé ăn dặm để bổ sung những dưỡng chất cần thiết bên cạnh sữa mẹ - Ảnh Internet

2. Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé ngon, bổ và giàu dinh dưỡng

Làm thế nào để thực đơn ăn dặm cho bé được thay đổi phong phú mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cần thiết? Đó luôn là vấn đề được các mẹ quan tâm. Với các gợi ý điển hình dưới đây, mẹ có thể tham khảo để làm giàu thực đơn cho bé. Hoặc dựa vào các gợi ý này, mẹ có thể linh động sáng tạo thêm để bé được bổ sung nhiều dưỡng chất hơn. 

2.1 Bí đỏ nghiền

  • Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ rồi luộc/hấp đến chín mềm.
  • Mẹ có thể nghiền qua 1 cái rây để loại bỏ phần xơ hoặc xay mịn.
  • Sau đó cho vào nồi, thêm nước (có thể dùng luôn nước luộc bí), khuấy đều rồi đun nhỏ lửa đến khi sôi lại là được.
  • Mẹ đợi nguội bớt rồi cho bé ăn, cháo bí đỏ vừa bổ lại thơm, ngọt dễ ăn nên bé sẽ rất thích đấy!
nấu bột bí đỏ nghiền cho bé ăn dặm dễ tiêu hóa
Bé sẽ rất thích món bí đỏ nghiền thơm ngon này đấy - Ảnh Internet

Mẹ cũng có thể thực hiện tương tự với khoai lang, khoai tây hoặc kết hợp cả 3 để thay đổi thực đơn giúp bé ngon miệng hơn. Mẹ cho bé ăn dặm với những loại rau củ này hoặc kết hợp với cháo trắng đều rất thơm ngon đấy!

2.2 Cải ngọt + đậu phụ non

  • Cải ngọt (hoặc các loại rau lá xanh như mồng tơi, rau ngót) rửa sạch, luộc chín mềm rồi cắt nhỏ, nghiền hoặc xay mịn.
  • Đậu phụ non chần qua nước sôi rồi nghiền nhỏ.
  • Trộn đều hỗn hợp rau với đậu phụ, có thể thêm nước luộc rau để đạt độ loãng phù hợp.
  • Đun hỗn hợp trên lửa nhỏ đến khi sôi vài phút thì tắt bếp, để nguội rồi cho bé thưởng thức.

Mẹ cũng có thể đun hỗn hợp với cháo trắng/ bột gạo tươi để tạo món cháo thơm ngon bổ dưỡng cho bé.

banner ads
cháo cải ngọt đậu phụ non cho bé
Cháo cải ngọt đậu phụ non cho bé - Ảnh Internet

2.3 Đậu Hà Lan nghiền sữa

  • Đậu Hà Lan rửa sạch, cho vào nồi luộc chín mềm.
  • Sau đó, mẹ cho vào máy xay xay thật mịn rồi lọc qua rây.
  • Tiếp đến, thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức vào phần đậu nghiền.
  • Trộn đều để được hỗn hợp thật sánh mịn và cho bé ăn.

Món ăn này vừa thơm ngon lại bổ dưỡng, rất tốt cho bé đấy!

món đậu hà lan nghiền sữa giàu dinh dưỡng cho bé
Đậu Hà Lan nghiền sữa cũng là món ăn dặm rất bổ dưỡng đấy - Ảnh Internet

2.4 Các món từ thịt động vật

Thịt động vật là nguồn cung cấp protein cần thiết cho bé. Khi bé đã quen với các loại rau củ, mẹ có thể kết hợp với các loại thịt động vật. Nên bắt đầu với một lượng rất ít để hệ tiêu hóa của bé có thể thích nghi và tiêu thụ thức ăn dễ dàng. Tuyệt đối không cho bé ăn quá nhiều cá, thịt 1 lúc. Đặc biệt, với các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt bò, cá thịt đỏ,... mẹ hãy đợi khi bé được 7 tháng trở lên và đã quen với việc ăn dặm, hãy cho bé ăn.

nên băm nhỏ thịt để nấu cháo cho bé
Nên dùng thịt tươi cho bé ăn dặm thay vì thịt đông lạnh - Ảnh Internet

Với thịt động vật, mẹ hãy chọn những loại tươi ngon, hạn chế dùng thịt đông mẹ nhé. Bởi khi rã đông, thịt không còn giữ đúng hàm lượng dinh dưỡng như ban đầu và cũng kém ngon hơn thịt tươi. Mẹ nên xay thật nhỏ để nấu cháo cho bé và tuyệt đối không dùng thêm bất cứ gia vị nào ngoài dầu ăn cho trẻ em. Để thịt hòa đều trong cháo/ bột cho bé ăn, mẹ có thể hòa một chút nước lạnh vào thịt đã xay/ băm nhuyễn, sau đó mới đổ vào nồi nấu, như thế thịt sẽ không bị vón cục. 

3. Lưu ý chọn thực phẩm ăn dặm cho bé

Khi bé đã quen dần với mùi vị thức ăn chính là lúc mẹ có nhiều lựa chọn hơn cho thực đơn ăn dặm cho bé rồi đấy! Nhưng mẹ lưu ý, tuyệt đối không thêm gia vị vào thức ăn của con, để tránh việc thận của bé phải làm việc quá sức.

Mẹ nên cho bé ăn theo nguyên tắc từ loãng đến đặc dần, từ ít đến nhiều, làm quen từng loại thực phẩm mới. Hãy bắt đầu với những thức ăn mềm, dễ tiêu, được xay/nghiền mịn, không lợn cợn để bé dễ dàng nuốt cũng như tiêu hóa. 

cho bé ăn thức ăn dặm từ loãng đến đặc dần
Cho bé ăn dặm bắt đầu từ cháo loãng đến đặc dần - Ảnh Internet

Những bữa ăn đầu tiên của bé nên bắt đầu bằng cháo trắng được nghiền, lọc qua rây thật mịn, hoặc bột gạo tươi, tăng dần từ loãng đến đặc. Sau khi đã quen với cháo trắng, mẹ có thể kết hợp các loại rau củ khác như bí đỏ, khoai tây, khoai lang, cà rốt, các loại rau xanh để cung cấp vitamin và chất xơ cho bé.

Khi bé được 7 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé làm quen với cá (cá thịt trắng rồi đến cá thịt đỏ), thịt nạc, ức gà, tôm, trứng... chỉ cần với một lượng nhỏ. Những thực phẩm này sẽ cung cấp protein cần thiết cho bé.

Từ 8 tháng tuổi mẹ có thể tăng độ hạt của cháo dần dần, cho bé tập làm quen với rau củ luộc để giúp bé tập cầm nắm, cũng như tập cho bé bắt đầu chuyển sang giai đoạn nhai. 

Ăn dặm cho bé không chỉ đơn giản là cung cấp cho bé thêm những món rau củ nghiền hay bột, cháo nghiền nhuyễn....Cho bé ăn dặm là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và rất khoa học của mẹ. Bên cạnh đó, từ những loại thực phẩm chính như rau củ, các loại thịt, đậu... mẹ thoải mái trổ tài nấu nướng cho bé, giúp bé mỗi ngày đều có cơ hội trải nghiệm vị thức ăn khác ngoài sữa mẹ, phát triển vị giác, thêm dinh dưỡng phong phú cho bé hơn. Chúc bé luôn ăn khỏe và mẹ luôn vui với việc ăn dặm nhé!

Tuyết Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI