1. Buồn tiểu liên tục
Khi mang thai, do hormone hCG tăng gây áp lực lên bàng quang khiến mẹ cảm thấy buồn tiểu nhiều hơn bình thường. Ngoài ra còn do lượng glucose quá cao, vượt mức gây nên tình trạng tồn đọng trong máu không được chuyển hóa hết, khiến thận phản ứng lại bằng cách xả vào nước tiểu. Đây là một triệu chứng khó nhận biết vì tiểu nhiều là hiện tượng rất bình thường xảy ra với hầu hết thai phụ. Chính vì thế, mẹ sẽ thường bỏ qua vấn đề này.
2. Thường xuyên khát nước
Khi lượng đường trong máu cao dẫn đến việc mẹ phải đi tiểu nhiều hơn và việc thường xuyên buồn tiểu khiến cơ thể bị mất nước, cần bổ sung nước là đều tất yếu. Cứ như thế, khi có dấu hiệu tiểu đường thai kỳ mẹ sẽ có cảm giác khô miệng và muốn uống nước nhiều hơn bình thuờng.
3. Luôn cảm thấy đói và ăn không kiểm soát
Khi mang thai khẩu phần ăn của mẹ cũng nhiều hơn bình thường, do cần phải đáp ứng nhu cầu cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Nhưng nếu mẹ luôn ở trong trạng thái đói, thèm ăn dù chỉ vừa mới ăn cách đây không lâu thì mẹ cần cẩn thận, vì đó có thể là một trong những triệu chứng của tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân là do khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy bị ức chế nên không thể chuyển hóa glucose thành năng lượng khiến cơ thể mẹ luôn ở trong tình trạng thèm ăn, các cơn đói bụng cứ dai dẳng suốt ngày.
4. Mệt mỏi đến kiệt sức
Mệt mỏi khi mang thai là chuyện bình thường. Tuy nhiên nếu mẹ mệt đến mức bị kiệt sức và mật độ xảy ra dồn dập, thì đó có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ hay thiếu sắt.
5. Mờ mắt trong khoảng thời gian ngắn
Bởi lượng glucose trong máu tăng đột ngột khiến cơ thể mẹ chưa kịp thích nghi gây nên hiện tượng bị mờ mắt. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ mất đi, khi cơ thể mẹ bắt đầu thích nghi được với sự gia tăng của lượng đường trong máu.
Khi có các triệu chứng trên, mẹ cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra lượng đường trong máu. Lượng đường huyết (BSL) được đo bằng millimoles trên một lít máu. BSL đo được ở mức 4-6mmol/lít và 2 giờ sau khi ăn là 4-7mmol/lít thì được xem là bình thường.
Kiểm tra lượng đường huyết để biết chính xác mẹ có mắc bệnh - Ảnh internetLưu ý : tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, dẫn đến tăng lượng đường huyết trong thời kỳ mang thai và sẽ dần mất đi sau khi sinh. Theo nghiên cứu, có khoảng 2 – 5% trên tổng số thai phụ mắc bệnh tiểu đường và 25 – 30% trong số này sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 sau này. Vì vậy sau khi sinh bé được 12 tuần, các thai phụ cần đến các cơ sở chuyên khoa để xét nghiệm lại xem mình có bị tiểu đường hay không.
Hy vọng với các triệu chứng tiểu đường thai kỳ Yeutre.vn vừa đề cập ở trên, sẽ giúp cho mẹ phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, mẹ cần duy trì một chế độ ăn uống, luyện tập khoa học và cần thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết, giúp mẹ quản lý thai kỳ được tốt nhất.
Bùi Phường tổng hợp