1. Không nên lái xe trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối
Không phải thời điểm nào trong thai kỳ cũng tốt cho mẹ bầu lái xe. Ba tháng đầu và ba tháng cuối là lúc mẹ bầu nên hạn chế. Bởi khi lái xe mẹ bầu phải luôn ngồi trong tư thế thẳng và gò bó khiến tử cung bị chèn ép, máu lưu thông khó khăn...
Thời điểm an toàn để mẹ bầu lái xe ô tô là tuần thai 14 đến 28.
Chưa kể các biểu hiện của ốm nghén như mệt mỏi, buồn ngủ trong ba tháng đầu cũng có thể khiến mẹ bầu lái xe không tập trung, dễ gây tai nạn.
Ba tháng cuối thì bụng cồng kềnh khiến động tác bị vướng, ít linh hoạt. Lúc này các va chạm như phanh xe cũng dễ tác động đến bụng và gây tổn thương cho thai nhi. Chân mẹ bầu cũng dễ bị chuột rút hơn vào ba tháng cuối, do vậy sẽ không an toàn khi đi xe phải thắng bằng chân.
Từ tuần 14 đến tuần 28 là thời kỳ ổn định để mẹ bầu lái xe. Nhưng nếu mẹ bấu có các triệu chứng bất thường như hay nhức đầu, chóng mặt hoặc bị chuột rút thì cũng không nên lái xe nhé.
2. Lái xe chậm, không giận dữ
Mẹ bầu nên lái xe chậm rãi và không nên tức giận khi đang lái xe. Sự tức giận có thể khiến mẹ không xử lý tốt được các tình huống và có thể gây ra tai nạn giao thông.
Nếu có bất cứ sự cố gì xảy ra khi lái xe tốt nhất mẹ bầu nên đến bệnh viện để được khám xét kỹ để tránh các rủi ro khi phát hiện chậm trễ.
3. Trong xe không nên để nước hoa, đồ vật cứng
Nước hoa có thể là tác nhân gây ra dị ứng mùi ở mẹ bầu. Một số mẹ bầu bị dị ứng mùi có thể cảm thấy buồn nôn. Hơn nữa methanol là thành phần có trong nước hoa cũng không tốt cho mẹ bầu. Vì vậy không nên đặt nước hoa hay túi thơm vào xe hơi. Hãy đặt vỏ cam quýt trong xe để khử mùi hôi đồng thời giúp mẹ bầu dễ chịu hơn.
Một số các đồ vật cứng cũng không nên đặt trong xe nhằm hạn chế nguy cơ tổn thương cho mẹ bầu khi có sự cố xảy ra.
4. Không lái xe đường dài
Ngồi xe lâu khiến cho khả năng sẩy thai hay vỡ nước ối dễ xảy ra nhất là vào các tháng cuối. Việc ngồi liên tục trong một tư thế còn có thể khiến cho chân bị sưng phù. Tốt nhất mẹ bầu nên nghỉ giữa chặng nhiều lần để vận động tay chân nếu nhất thiết phải đi một quãng đường dài.
5. Tránh lái xe mới mua
Xe mới mua có một số mùi khác và một số khí độc như formaldehyde, carbon monoxide… Do đó nó không tốt cho mẹ và bé. Nếu bất đắc dĩ thì mẹ bầu nên mở cửa sổ hay mở mui để thông gió.
6. Chú ý đến dây an toàn
Mẹ bầu chú ý thắt dây an toàn đúng cách.
Chiếc bụng bự khiến một số mẹ bầu không sử dụng dây an toàn khi lái xe, điều này khiến nguy cơ bị tổn thương cao hơn. Do đó thắt dây an toàn khi lái xe là cần thiết. Mẹ bầu cần chú ý thắt dây an toàn đúng cách, tạo cảm giác dễ chịu khi ngồi lái xe.
Khi thắt dây an toàn mẹ bầu nên thắt ở phía trên bụng không nên chèn lên vòng bụng và không nên thắt dây quá chặt. Mẹ nên cởi bỏ bớt những quần áo lùng nhùng để dây an toàn được sát vào người. Nên kéo dây băng qua đùi và ép chiều dẹp của dây vào bụng dưới, càng thấp càng tốt, nên gần với phần hông, còn phần trên của dây nên di chuyển về một bên dọc hông mẹ bầu để tránh chèn ép lên thai nhi.
7. Đi giày thoải mái
Giày thể thao hay giày đế bằng thoải mái là lựa chọn ưu tiên cho mẹ bầu khi lái xe ôtô. Vì nó không chỉ tránh được chứng tê phù ở mẹ bầu mà còn giúp me bầu cử động chân linh hoạt hơn khi thao tác lái xe. Mẹ cũng nên chú ý đừng để nhiệt độ trong và ngoài xe chênh lệch quá lớn có thể gây ra bệnh cảm. Tốt nhất nên mở cửa để đón gió tự nhiên nếu thời tiết tốt.
8. Điều chỉnh vị trí ngồi thoải mái
Vị trí ngồi khi mẹ bầu lái xe rất quan trọng. Mẹ nên chú ý sao cho khoảng cách giữa bụng và tay lái càng xa càng tốt. Nên hạ ghế ngả về phía sau một chút và điều chỉnh gương chiếu hậu để tầm nhìn thuận lợi và chân vẫn chạm dễ dàng vào phanh và côn.
Nếu có túi khí mẹ bầu nên ngồi thẳng lưng với khoảng cách từ bụng đến túi khí là 40 cm. Tốt nhất mẹ bầu nên có túi khí cả ở đằng trước và hai bên để giảm các va chạm vào bụng khi có sự có xảy ra.
Loại xe thấp và không dùng nhiều lực ở phần lưng khi vào số sẽ giúp mẹ dễ điều chỉnh tư thế ngồi thoải mái hơn. Nếu mẹ bầu bị đau lưng thì nên đặt một chiếc gối mềm hay đơn giản là cuộn một chiếc khăn để kê lưng giúp chúng bớt đau hay chịu tác động lực nhé.
9. Lên lịch trình thuận tiện
Lên một lịch trình tốt có thể giúp mẹ bầu bớt vất vả hơn cũng như bớt các rủi ro khi di chuyển bằng ôtô. Mẹ nên tránh các thời điểm kẹt xe và nên đi vào những lúc nắng ráo. Nếu thời tiết quá oi bức hãy đi vào lúc sáng sớm hay chiều muộn. Ngoài ra, nếu đi một hành trình dài thì nên lên danh sách các điểm dừng chân nghỉ ngơi và khách sạn… dọc đường để chủ động giữ gìn sức khỏe.
10. Không nên cố cầm lái
Mẹ bầu không nên cố cầm lái nếu cảm thấy cơ thể hoặc tinh thần không ở trong trạng thái tốt nhất. Nếu di chuyển một quãng đường dài nên có các mốc nghỉ ngơi để vận động, tăng lưu lượng máu đến chân tránh gây sưng phù… Đặc biệt nếu phải đi những quãng đường xa hơn 4 tiếng đồng hồ mẹ bầu nên để người thân chở đi.
11. Trang bị những thông tin cần thiết
Những thông tin cần biết về tình trạng sức khỏe mẹ bầu và thai nhi sẽ giúp ích rất nhiều cho bác sĩ nếu xảy ra sự cố trên đường đi khiến mẹ phải nhập viện. Theo đó, mẹ bầu nên mang theo nhật ký mang thai, thông tin y tế và quan trọng nhất là các số liên lạc khi khẩn cấp.
12. Nhớ mang theo nước uống
Một ít đồ ăn vặt giúp mẹ bầu lấy lại năng lượng.
Mẹ bầu nên mang theo nước và một ít đồ ăn nhẹ trong xe như hoa quả, hạt ngũ cốc… Chúng sẽ giúp mẹ bổ sung năng lượng và lấy lại sự tỉnh táo sau những lúc nghỉ ngơi để tiếp tục hành trình nhé.
13. Là một tài xế cẩn thận
Lái xe cẩn thận là lời khuyên đáng được ghi nhớ hơn mẹ bầu. Mẹ bầu không nên lái ở các đoạn đường hay dằn xóc, cũng không nên lái quá nhanh, tuân thủ tín hiệu cảnh báo. Và ngay khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi hay tinh thần không được tốt hãy nhường tay lái cho người khác.
Yeutre.vn (Tổng hợp)