12 thói quen không tốt của bố mẹ có thể làm hại con

Không biết cách từ chối con, thích chê bai phụ huynh khác, chìm trong thế giới ảo thay vì chăm sóc con, luôn muốn là người kiểm soát mọi suy nghĩ và sở thích của con… tất cả là những thói xấu mà không ít phụ huynh đang mắc phải.

banner ads

Làm cha mẹ không hề đơn giản nhất là khi chính bạn cũng phải đấu tranh rất nhiều với những thói quen không tốt của bản thân. Đôi khi bạn sẽ tự hỏi liệu có ai đó có thể giúp chỉ ra những khiếm khuyết của chính bản thân hay không? Song, không cần đến ai đó chỉ rõ, chỉ cần biết nhìn lại, bạn sẽ tự mình nhận ra những “lỗ hổng chết người” sau đây:

1. Bạn chưa từng từ chối

33078-thoi-quen-xau-cua-bo-me-2.jpg

Bất cứ khi nào con đòi hỏi, bạn cũng đều dễ dàng đáp ứng.

Dường như việc từ chối đòi hỏi của con là một điều rất khó khăn với bạn? Bất cứ khi nào bé yêu cầu được làm, được mua gì bạn cũng sẵn sàng làm ngay mà không chút do dự. Chính sự dễ dãi này của bạn sẽ hình thành thói quen đòi hỏi ở nơi trẻ thay vì chúng phải nỗ lực hành động để đạt được một phần thưởng nào đó. Ngoài ra, đối với những trẻ thường xuyên được đáp ứng với mọi đòi hỏi, một phần thưởng cho sự cố gắng của bản thân dường như không còn nhiều ý nghĩa.

2. Quá bảo thủ áp đặt con theo sở thích của bản thân

Khi không thích điều gì, không ưa món nào, không muốn đi đến nơi đâu… bạn cũng cương quyết không để con được làm, được ăn, được đến đó. Bạn có nhận thấy điều bất công đang tồn tại trong chính ngôi nhà của mình không? Nếu bé thích và muốn khám phá điều bạn không muốn hoặc điều khiến bạn sợ hãi liệu có gì không đúng? Hãy dành thời gian, cho con và cho chính mình cơ hội để được trải nghiệm những gì bé muốn làm. Đó cũng là cơ hội để bạn khám phá bản thân của chính mình.

3. Chọn bạn cho con

Dường như việc chọn bạn cho con được không ít bố mẹ xem như điều hiển nhiên. Bạn có thể tin chắc rằng, công lao nuôi dưỡng của bạn xứng đáng để bạn quyết định thay cho con người bạn cần chơi. Thực tâm, điều này có thể xuất phát từ tâm lý chung của rất nhiều bố mẹ khi ngoài gia đình, những đứa trẻ phải đối mặt với rất nhiều mối nguy hại từ các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, sự can thiệp sâu lại là việc làm tổn thương đến lòng tự trọng và ngăn cản tự do của các con. Hãy để trẻ được trải nghiệm tuổi thơ, tuổi trẻ của chính mình để có những bài học bổ ích nhất trên đường đời vì chính trẻ phải là người trải nghiệm và sống cuộc sống của chính mình. Nếu càng tiếp tục ngăn cản, trẻ càng có xu hướng tìm đến giá trị ngược để khẳng định ước muốn của bản thân.

4. Quay cuồng với thế giới ảo

33079-thoi-quen-xau-cua-bo-me-3.jpg

Đã đến lúc bạn nên bỏ điện thoại xuống, nhìn vào những thiếu thốn tình cảm thực sự của con.

Hình ảnh bố mẹ cắm đầu, cắm mặt hàng tiếng đồng hồ vào những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng đến độ bỏ bê con cái, thậm chí dẫn đến những cái chết thương tâm đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo ghê sợ về những hệ quả của những thú vui bên thế giới ảo. Đã đến lúc bạn nên bỏ điện thoại xuống, nhìn vào thực tế với những thiếu thốn tình cảm thực sự của con để biết điều gì cần làm trong lúc này. Đừng để cuộc sống thực của bạn trở nên dật dờ và vô cảm khi tình yêu thương không còn thời gian để sẻ chia.

5. Chụp ảnh tất cả mọi thứ

Không niềm vui thích nào cho bằng được chụp ảnh con và đăng trên các trang mạng xã hội như một cách truyền đi thông điệp yêu thương. Điều này sẽ không có gì sai nếu bố mẹ nào cũng biết điểm dừng và lường trước được những mối nguy từ việc khoe ảnh con quá nhiều. Hơn thế, trong lúc mải miết săn những tấm ảnh, bạn cũng đang bỏ lỡ rất nhiều khoảnh khắc chạy nhảy, vui đùa cùng con, điều vốn dĩ thật sự cần thiết để vun đắp tình yêu thương nơi tâm hồn trẻ.

6. Luôn muốn kiểm soát tất cả

Không ai muốn con mình chịu cảm giác thất bại hay bị tổn thương. Nhưng đau khổ, vấp ngã là một phần của cuộc sống để dạy con người ta trưởng thành hơn. Chính vì vậy, bạn đừng cố gắng kiểm soát tất cả những gì được xem là mối nguy với trẻ. Cuộc sống và những trải nghiệm sẽ dạy cho con bạn nhiều điều hơn những gì bạn có thể đem lại cho chúng khi bao bọc quá kỹ lưỡng.

7. Chê bai phụ huynh khác trước mặt con

Có thể bạn không ủng hộ cách chăm sóc con của một phụ huynh khác nhưng điều đó không cho phép bạn phán xét và dán mác cho họ bằng những từ ngữ không hay hoặc những định kiến hà khắc. Thay vì mệt mỏi vì những khó chịu tự rước vào mình, bạn hãy xem đó tấm gương phản chiếu cuộc sống hiện tại của chính bạn. Trong những người khác, kể cả người hành động không đúng hay người làm điều sai trái, bạn vẫn luôn đúc rút được cho mình những bài học bổ ích.

8. Làm bài tập hộ con

33077-thoi-quen-xau-cua-bo-me-1.jpg

Làm bài tập hộ con bao giờ cũng dễ dàng hơn.

Một vài lần đầu, bạn có thể khăng khăng không làm. Nhưng nếu không dằn lòng và muốn mọi viêc luôn diễn ra một cách dễ dãi bạn sẽ dễ xuôi theo ý muốn này của con. Chỉ cần một, hai lần bạn sẽ thấy mọi chuyện đơn giản hơn khi bạn cố gắng hướng dẫn và chỉ dạy cho con tự làm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ này, con bạn sẽ dần mất đi niềm yêu thích với việc học tập và trở nên ù lì trong tư duy trước các bài tập khó. Vì thế, đừng bao giờ ưa sự dễ dãi để chấp thuận làm bài tập thay con dù điều này khiến bạn trở nên nhàn rỗi hơn.

9. Luôn thiếu vắng những lời yêu thương trong gia đình

“Bố/ mẹ yêu con” là những từ ngữ thật đơn giản nhưng lại có sức mạnh lớn lao đối với mỗi đứa trẻ. Nếu không có thói quen thốt lên những lời yêu thương này, việc nói ra với các con những lời yêu thương sẽ dần trở nên khó khăn hơn với bạn theo thời gian. Chính vì vậy, hãy tập cho mình thói quen nói lời yêu thương khi bạn còn có thể.

10. Mớm lời cho con

Bố mẹ luôn có thói quen mớm lời cho con khi trẻ không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt ý muốn của bản thân. Thói quen này sẽ khiến trẻ không có cơ hội để nỗ lực hình thành những từ ngữ của chính mình.

11. Nói xấu những người mà bé yêu quý

Là người chồng/ vợ bạn đã ly hôn, là cô giáo hay anh chị của bạn… thì không vì bất cứ lý do nào bạn quyền cho phép bản thân nói xấu họ trước mặt con. Họ có thể mắc sai lầm ở một thời điểm nào đó và khiến bạn nổi giận nhưng con trẻ không đáng để nghe những từ ngữ tiêu cực từ chính miệng bạn nhất khi những điều đó để miêu tả về người mà bé có tình mến. Hãy để trẻ được nhìn thế giới trong con mắt của yêu thương hơn là thù hận.

12. Tự chê trách bản thân

33080-thoi-quen-xau-cua-bo-me-4.jpg

Đừng truyền cho trẻ những cảm xúc tiêu cực.

Những lời lẽ tiêu cực về việc chê bai bản thân sẽ không mang lại điều tốt đẹp cho trẻ. Ngược lại, chúng sẽ chỉ khiến tâm hồn trẻ thêm nặng trĩu vì những suy nghĩ tiêu cực từ nơi bạn. Hãy cho trẻ thấy nơi bạn ngập tràn niềm vui và tình yêu thương thay vì những cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ bi quan, hành động thiếu chín chắn. Hẳn bạn cũng không muốn con cái mình luôn sống trong u buồn, sợ hãi. Nếu thật vậy, hãy cho trẻ được nghe những từ ngữ tích cực hơn là những lời chê trách bản thân.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm:

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI