1. Cho con bú
Các bà mẹ thường do dự không biết cho con bú sữa mẹ hay bú sữa công thức sẽ tốt hơn.
Các bà mẹ thường do dự không biết cho con bú sữa mẹ hay bú sữa công thức sẽ tốt hơn. Nhiều người tin sữa mẹ giúp trẻ thông minh và khỏe mạnh hơn nhưng không ít bà mẹ khác lại nghĩ sữa công thức đầy đủ dưỡng chất và đảm bảo vệ sinh hơn.
Cũng xoay quanh chuyện cho con bú, một số cho rằng con bú mẹ sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi vóc dáng của mẹ. Số đông khác lại cho rằng đó là cách phục hồi vóc dáng nhanh nhất. Các bà mẹ hiện đại thì cho rằng con chỉ cần bú mẹ đến 6 tháng là đủ. Trong khi đó, những bà mẹ khác lại muốn con được bú mẹ đến một năm rưỡi. Nhiều người ngại cho con bú nơi công cộng nhưng số khác cho rằng điều đó là một nét đẹp của tình mẫu tử và không việc gì phải ngại khi con cần bú bất kể đó là nơi nào…
Rất nhiều những tranh luận như thế này vẫn cứ diễn ra qua nhiều thế hệ. Và lúc này, những lời khuyên mang tính khoa học sẽ giúp người mẹ tự biết mình nên làm gì tốt nhất cho con. Mặc dù vậy, không ít bà mẹ vẫn muốn bảo lưu quan niệm của mình.
2. Cho con ngủ
Nếu thử đặt lên bàn cân và so sánh cách mẹ Việt và mẹ Mỹ ru con ngủ sẽ thấy một sự chênh lệch đáng kể. Với mẹ Việt, chuyện ấp ủ ru con với những câu hò, ầu ơ đã trở thành một hình ảnh quen thuộc. Trong khi đó, các bà mẹ Mỹ lại tập cho con ngủ một mình từ khi còn đỏ hỏn. Chính vì vậy, chuyện con cái ngủ chung với bố mẹ là chuyện rất hiếm hoi.
Ngược lại, các bé Việt lại thường ngủ chung với bố mẹ. Sự khác biệt này xuất phát từ hai lối nghĩ khác nhau. Một bên thì nghĩ con cái cần được dạy sống tự lập ngay từ bé và đó cũng là cách để người mẹ có thêm thời gian cho những công việc khác ngoài gia đình. Một bên lại nghĩ con trẻ có những nhu cầu cần đến sự giúp đỡ của bố mẹ trong đêm và đó là lý do họ cần ở cạnh các con. Mặc dù có người đồng thuận hướng này, người lại đồng tình hướng khác nhưng tất cả đều mong muốn điều tốt đẹp nhất cho con. Tuy vậy, nhìn xa hơn chúng ta sẽ thấy điều gì tốt: sự mạnh mẽ hay ủy mị?
3. Đối phó với tiếng khóc của con
Một số bà mẹ sốt ruột khi nghe con khóc và ngay lập tức ẵm con lên để dỗ dành.
Người phương Tây thường có câu “Cry it out” nghĩa là cứ mặc cho con khóc. Đây cũng là một trong những cách nuôi dạy con gây tranh cãi nhiều nhất. Chẳng hạn, với việc cho con ngủ, không dễ gì các bé được đặt vào trong nôi là có thể nhắm mắt và ngủ ngay. Hầu hết đều khóc thét một lúc trước khi mệt quá và thiếp đi. Nhiều người dằn lòng để quyết tâm rèn cho con ngủ theo cách này. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, bé sẽ tỉnh giấc mà không ngủ lại được và điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Một số khác lại sốt ruột khi nghe con khóc và ngay lập tức ẵm con lên để dỗ dành vào giấc ngủ.
Theo các nhà khoa học, việc để cho một đứa trẻ khóc lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc và tính cách của trẻ. Tuy nhiên, nhiều người khác lại khuyên rằng, bạn không nên dỗ dành con ngay nếu trẻ khóc. Hãy cố thể hiện sự quan tâm bằng cách hỏi han trước khi muốn bỏ mặc trẻ với tiếng khóc.
4. Chuyện tiêm chủng
Ngày nay, việc tiêm phòng cho trẻ đã được mở rộng. Ý thức của các bậc cha mẹ về vấn đề này đã ngày càng nâng cao. Ai cũng muốn con lớn lên khỏe mạnh nhưng mỗi người lại có một cách suy nghĩ khác nhau. Nhiều người không thích đưa con đến các trạm y tế địa phương để tiêm phòng theo lịch tiêm phòng mở rộng của quốc gia vì nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan. Số khác lại nghĩ không cần thiết để phải ẵm bế con đi tiêm phòng dịch vụ ở những bệnh viện lớn vì hiệu quả mũi tiêm đều như nhau. Điều này không có nghĩa là người có điều kiện kinh tế tốt hơn sẽ chọn tiêm dịch vụ hay ngược lại, người không có điều kiện kinh tế thì chọn tiêm phòng tại cơ sở y tế địa phương. Căn bản đó là quan niệm và lựa chọn của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, dù có tranh luận thế nào thì việc tiêm phòng cho con vẫn phải đảm bảo đủ liều và đủ lượng nhé!
5. Cho con ăn dặm
Một số người muốn con tập ăn dặm theo phương pháp baby led weaning.
Nhiều mẹ chồng mâu thuẫn với con dâu chuyện cho con ăn dặm. Người lớn cho rằng con trẻ đòi ăn lúc nào nên cho ăn lúc đó bất kể đến tháng ăn dặm hay chưa. Còn các nàng dâu lại cho rằng, trẻ đủ 6 tháng mới bắt đầu tập cho ăn để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Các bà mẹ thường xay cháo và nấu chung với các thức ăn sau đó trộn đều thành tô bột cho các cháu ăn dặm. Ngược lại, con dâu lại muốn bé được ăn dặm theo phương pháp mới như baby led weaning, nghĩa là cầm nắm và đút từng miếng thức ăn lớn vào miệng ngay từ khi mới tập ăn. Quả thực chỉ riêng một gia đình đã có quá nhiều những tranh cãi xoay quanh vấn đề này. Và câu chuyện mâu thuẫn này vẫn còn tiếp tục.
6. Dạy con bằng đòn roi
Khi trẻ làm sai phải có hình phạt. Nhưng phạt thế nào cũng là điều khiến bố mẹ đau đầu. Nhiều người gán các bà mẹ Mỹ với hai từ “ủy mị” vì họ thường dùng lời nói hơn đòn roi mỗi lúc kỷ luật con cái. Trong khi đó, ở các nước phương Đông, việc dạy con lại thường gắn với chiếc roi và đó là cách mà họ gọi “yêu cho roi cho vọt”. Giữa hai phương pháp đối lập này đều có những ưu và khuyết điểm của mình. Điều cốt yếu vẫn là ở cha mẹ. Nếu cha mẹ rõ ràng với chính mình về một số nguyên tắc: lúc nào nên nói chuyện? Lúc nào cần đánh đòn? Đánh như thế nào để đủ răn đe? Nói như thế nào để trẻ thấm còn hơn đòn roi?... Chỉ khi bố mẹ hiểu việc mình làm là một phương thức giáo dục chứ không phải là một thời khắc trút giận thì cách làm nào cũng sẽ mang lại hiệu quả.
7. Khoảng cách sinh
Theo các chuyên gia, để một người phụ nữ có thời gian phục hồi sau sinh thật tốt và cũng tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nên sinh con cách nhau 5 năm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nuôi con của mình, nhiều bà mẹ lại khuyên các con dâu nên sinh gần nhau từ 2 đến 3 năm. Điều này được lý giải nôm na là do tiện bề chăm sóc con thơ, người mẹ về sau sẽ thảnh thơi và rảnh rang hơn để chăm lo cho sự nghiệp hoặc chuyện kinh tế gia đình. Mặc dầu vậy, khá nhiều những bộn bề và vất vả được chia bởi những bà mẹ sinh con dày.
Yeutre.vn (Tổng hợp)