Mẹ hãy tham khảo những thông tin dưới đây để giúp cho bé tập ăn cơm dễ dàng, vui vẻ hơn.
Tập cho trẻ ăn cơm cần kiên trì và chịu khó.
1. Thời điểm “vàng”
- Sau 19 tháng tuổi, khi bé có ít nhất 16 răng sữa, mẹ có thể cho bé làm quen với việc ăn cơm nhão tán nhuyễn.
- Sau 24 tháng tuổi, bé có khoảng 20 răng thì có thể tập ăn cơm mềm.
Việc cho bé ăn cơm quá sớm hoặc quá muộn đều ảnh hưởng đến sự tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng của bé.
2. Cho bé ăn cơm mềm hơn cơm người lớn
Trẻ từ ăn cháo chuyển sang ăn cơm là một bước thay đổi lớn. Do vậy để tập cho trẻ quen dần, mới đầu tập cho trẻ ăn cơm mẹ nên nấu cơm thật nhuyễn, thật mềm. Để tiết kiệm thời gian và công sức, khi nấu cơm cho người lớn ăn mẹ có thể lấy ra một ít, xới cho từng hạt cơm rời nhau, cho vào một ít nước sôi và nấu trong vòng 5 - 10 phút.
3. Không bắt trẻ ăn cơm đột ngột
Để tập cho trẻ quen dần với cơm, đầu tiên mẹ nên cho trẻ ăn thử từ 1 - 2 muỗng cơm xem trẻ có thích thú với "món ăn" mới này không, trẻ có tiêu hóa tốt không. Khi nhận thấy tình trạng ăn uống và tiêu hóa của trẻ tốt lên, mỗi ngày mẹ bắt đầu tăng lên 1 muỗng cho đến khi lượng cơm vừa đủ với khẩu phần ăn của trẻ.
4. Bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng
Bữa cơm của trẻ nên đầy đủ 4 nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo, rau xanh trái cây.
Bữa cơm cho bé cần đầy đủ 4 nhóm chính: tinh bột (gạo, miến, mì, bánh mì, khoai…), chất đạm (cá, thịt, tôm, trứng, đậu hũ, các loại đậu…), chất béo (thịt, cá, dầu ăn…), rau và trái cây.
5. Chế biến phù hợp
Một khẩu phần ăn của trẻ nên có ít nhất 2 món: một món mặn (hoặc xào) và 1 món canh. Mới đầu tập cho trẻ ăn cơm mẹ nên nấu món mặn là những loại thực phẩm mềm mà thường ngày trẻ thích ăn nhất, xắt nhuyễn, nấu kỹ để trẻ tập nhai. Khi bé đã quen với việc nhai, mẹ nên thay đổi đa dạng các loại thực phẩm vừa giúp trẻ quen dần với những "món mới" vừa giúp trẻ có đủ dinh dưỡng cho cơ thể vận động và phát triển.
6. Chọn chén, tô màu sắc, hình dáng ngộ nghĩnh
Để thu hút sự hứng thú cho con trong việc ăn uống, bên cạnh thực đơn phong phú thì các mẹ cũng cần chú ý chọn chén, tô đựng cơm, thức ăn có chất liệu an toàn, hình con vật ngộ nghĩnh, màu sắc dễ thương để bé thích thú. Đối với muỗng, chọn loại vừa với miệng bé, không nhỏ quá cũng không lớn quá.
7. Cho bé tự xúc cơm ăn
Nên cho bé ngồi ăn chung với bữa cơm gia đình và tự xúc cơm ăn vì bé rất thích được tự lập. Các mẹ nên cho bé tự xúc những gì bé muốn, kể cả bốc thức ăn, ba mẹ ngồi bên cạnh khen, động viên cũng như hướng dẫn cho con cách ăn như thế nào cho gọn gàng.
8. Không cố gắng ép bé ăn những gì bé không thích
Luôn luôn ép con ăn theo ý mình là sai lầm của hầu hết những bà mẹ nuôi con nhỏ. Mẹ nên nhớ một nguyên tắc: không nên ép con ăn khi con không muốn ăn. Thay vào đó, để dụ trẻ ăn mẹ cần kiên trì dỗ dành trẻ bằng cách kể những câu chuyện mà trẻ thích nghe đi nghe lại rồi khéo léo lồng vào đó "tình huống đang diễn ra" như: ...nếu con không ăn cơm thì con gấu khổng lồ sẽ xuất hiện ăn hết phần ăn của con sau đó sẽ ăn thịt luôn cả mẹ lẫn con luôn...
Hãy cho con ăn những gì con thích.
9. Linh hoạt khi bé không thích ăn cơm, thịt
Sẽ có những lúc trẻ... chán cơm và muốn ăn món khác để thay đổi khẩu vị thì mẹ không nên từ chối. Chẳng hạn, khi bé thích ăn mì, nui mẹ có thể thêm vào đó quả trứng hay xúc xích để đảm bảo lượng đạm cung cấp cho cơ thể. Sau bữa ăn, bổ sung sữa, rau, trái cây... để đảm bảo cơ thể bé luôn nhận đủ 4 nhóm chất cần thiết.
10. Tránh tán cơm nhuyễn rồi chan nước canh vào
Các mẹ nghĩ rằng cách này sẽ giúp bé sẽ dễ ăn, nuốt, tuy nhiên đây là sai lầm mà nhiều bà mẹ hay mắc phải. Cách này khiến cho trẻ rất dễ ngán và không khuyến khích được cử động nhai ở trẻ.
Lưu ý: Bữa ăn chính của bé chỉ nên kéo dài khoảng 30-40 phút.
Yeutre.vn