“Hàng ngày ngoài giờ học, Nam thường sang nhà hàng xóm chơi với các bạn và đợi mẹ đi làm về. Anh Dũng, con bác hàng xóm rất hay bày trò cho Nam và các bạn chơi. Nam rất quý anh Dũng. Một hôm, chỉ có hai anh em ở nhà. Dũng nói muốn chơi một trò chơi. Dũng muốn Nam sờ vào chỗ kín của anh ta còn anh ta sẽ sờ vào chỗ kín của Nam. Dũng nói đây sẽ là một bí mật đặc biệt giữa hai người” – Đây là nội dung trong “Tình huống 2″ của sách bài tập thực hành kĩ năng sống đang gây xôn xao.
Trang sách được chia sẻ chóng mặt trên diễn đàn mạng – (Nguồn: Facebook Dung Dinh).
Ngay sau khi được chia sẻ, dù chưa biết câu hỏi hay bài học phía sau tình huống trên là gì, tuy nhiên nhiều người hết sức bất bình và tỏ ra lo ngại trước chương trình giáo dục kĩ năng sống này. “Tình huống vậy cũng đưa vào sách giáo dục nữa. Bó tay luôn!”, một người dùng mạng bình luận.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số thành viên mạng cho rằng nhìn nhận một cách tích cực thì những tình huống đặt ra là thiết thực, và điều quan trọng là nếu giáo viên khéo léo trong cách dạy thì sẽ giúp trẻ có được kinh nghiệm tránh xa người xấu.
“Tình huống này có thể xảy ra với bất cứ trẻ nhỏ, quan trọng là giáo viên sẽ dạy trẻ nhỏ phải làm gì trong tình huống này. Nếu là giáo tiên tốt, họ sẽ dạy trẻ không tiếp tục “trò chơi” và nói chuyện xảy ra với ba mẹ. Đứa trẻ trong tình huống này nên học cách tránh xa người xấu. Mình nghĩ là tình huống trên nên có trong sách”, nickname G.H bày tỏ quan điểm.
Qua tìm hiểu, được biết đây là sách Bài tập thực hành kỹ năng sống do Lưu Thu Thủy (chủ biên) và Trần Thị Thái Hà, Đào Văn Vi là đồng tác giả biên soạn. Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm ấn hành.
Bìa sách Bài tập thực hành kĩ năng sống cho học sinh lớp 4 có nội dung gây xôn xao.
Tình huống kể trên cùng với vài tình huống khác nằm trong Chủ đề: Kĩ năng tự bảo vệ mình, trong đó có bài tập về “Tình huống an toàn và không an toàn”. Theo đó, các học sinh phải đọc hết các tình huống và nhận định tình huống nào là không an toàn, các nhân vật trong tình huống đó có thể gặp nguy cơ gì, cần phải làm gì?
.
Đây là bài tập nhận định những tình huống an toàn và không an toàn.
Ngoài tình huống “Dũng muốn Nam sờ vào chỗ kín”, sách kĩ năng này còn có những tình huống khác như gặp người lạ mặt rủ đi chơi game, người đàn ông lạ trên xe máy…
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin ông đã trực tiếp kiểm tra vụ việc.
“Nội dung này nằm trong bài tập kỹ năng tự bảo vệ mình. Bài tập nêu ra tình huống an toàn và không an toàn, đây là bài tập để các em tự nhận biết. Nếu thông tin được đăng tải lên mạng xã hội từ trước đó mà không có câu hỏi trên sẽ khiến mọi người lầm tưởng. Đây chỉ là câu hỏi giúp trẻ em trước những tình huống có thể bị bắt cóc hoặc bị xâm hại tình dục…”, ông Cường nêu rõ.
Trong sách bài tập thực hành kĩ năng này còn có bài tập đóng vai thực hành cách ứng xử cần thiết khi học sinh cảm thấy sợ hãi do có người muốn đụng chạm hay xâm hại tình dục.
Có 6 hướng dẫn cần thiết cho các em khi nhận dạng các tình huống có nguy cơ.
Chúng tôi đã thử đưa bài tập này cho em Quốc Huy, học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở TP. HCM thì em cho biết có thể nhận dạng được đâu là tình huống an toàn và không an toàn. “Tình huống 4,2,1 là tình huống nguy hiểm, còn tình huống 3,5 thì em thấy bình thường. Bác sĩ khám bệnh thường không cho người nhà vào do… đứng đông đúc, nóng lắm. Còn bố hôn lên trán con để chúc ngủ ngon thì có gì đâu ạ? Các tình huống khác thì mẹ em có dặn đi theo người lạ dễ bị bắt cóc, tình huống sờ vào chỗ kín theo em không những nguy hiểm mà còn rất… kỳ cục. Nếu em là nhân vật Nam, em sẽ nghỉ chơi anh Dũng đó và méc với bố mẹ!”, em Huy thật thà trả lời.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Hải Yến (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trẻ nhỏ bây giờ nhiều khi thiếu kĩ năng tự bảo vệ mình nhưng luôn ngại ngùng với các bài tập thực tế. “Bản thân tôi có 2 con nhỏ, tôi đã dạy các cháu những bài học cơ bản như tránh tiếp xúc với người lạ hay khi họ dụ dỗ cho bánh kẹo rồi rủ đi đâu thì tuyệt đối không được đi, trong trường hợp cần thiết phải chạy ngay đến những người lớn có mặt ở đó nhờ sự giúp đỡ. Tôi luôn căn dặn con mình không được nghe theo bất kỳ ai dụ dỗ ngoài trường học, trong xóm, thậm chí ở nhà cũng không được mở cửa cho ai vào, kể cả bác hàng xóm thân thuộc với gia đình. Đây là những tình huống hoàn toàn có thể xảy ra với con trẻ. Tuy nhiên, dạy thế nào để con hiểu thật sâu sắc và không cảm thấy tò mò hơn mới là điều quan trọng”, chị Yến cho hay.
Theo Trí Thức Trẻ