Viêm đường hô hấp, trẻ dễ mắc chứng thận hư

Ở trẻ em, hội chứng thận hư tiên phát làm tổn thương cầu thận. Nếu trẻ mắc viêm đường hô hấp dễ bị thận hư.

banner ads

Ở trẻ em, hội chứng thận hư tiên phát làm tổn thương cầu thận. Nếu trẻ mắc viêm đường hô hấp dễ bị thận hư. Bệnh còn làm tổn thương nhiều cơ quan khác, hậu quả là trẻ không thể phát triển khỏe mạnh bình thường, dễ chết yểu. Mùa đông - xuân trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp nên có nguy cơ cao mắc bệnh thận hư.

46357-than-hu.jpg

Phù mặt trong hội chứng thận hư.

Ở trẻ em, hội chứng thận hư (HCTH) thường xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính và trên cơ địa dị ứng. Bệnh gây tổn thương cầu thận mạn tính ở trẻ em. Tại Việt Nam, tuổi mắc bệnh trung bình là 8,7 tuổi; trẻ trai có tỷ lệ mắc bệnh gấp đôi so với trẻ gái.

Dấu hiệu trẻ mắc bệnh

Trẻ em bị HCTH thường có các triệu chứng: phù toàn thân với đặc điểm là phù trắng, phù mềm, ấn lõm, không đau. Lúc đầu trẻ bị phù đột ngột từ mặt lan xuống toàn thân. Có khi trẻ còn bị phù đa màng: màng bụng, màng phổi, màng tim, màng não. Đôi khi trẻ có đau bụng, có thể do căng màng bụng khi dịch báng quá nhiều gây đau hoặc do tắc mạch mạc treo, do rối loạn tiêu hóa, viêm phúc mạc...

Đến bệnh viện khám bệnh, trẻ phải làm các xét nghiệm để xác định bệnh. Xét nghiệm nước tiểu thấy protein niệu trên 100mg/kg/24 giờ; có trụ thấu quang. Xét nghiệm máu có thể thấy giảm protein toàn phần dưới 40g/l. Làm điện di protein máu thấy albumin máu giảm dưới 25g/l; chất alpha2 globulin và bêta globulin tăng, gama globulin giảm nhiều vào giai đoạn muộn của bệnh. Điện di miễn dịch thấy IgM tăng cao và IgG giảm nhiều. Lipid máu và cholesterol máu tăng. Hồng cầu giảm, bạch cầu và tiểu cầu có thể tăng. Điện giải đồ có thể thấy giảm Na, K, Ca.

Bệnh gây nhiều biến chứng

HCTH thường gây ra một số biến chứng nặng gồm: nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc, viêm phổi, viêm mô tế bào, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết. Nếu trẻ bị HCTH thường chậm phát triển, dễ bị suy dinh dưỡng, loãng xương, hay bị co giật do hạ canxi máu, thiếu máu, bướu tuyến giáp, thuyên tắc mạch mạc treo, tắc mạch ở phổi, ở các chi, bị những cơn đau bụng do phù mạc treo, phù tụy, viêm phúc mạc...

Ngoài ra, trong quá trình điều trị, một số biến chứng cũng có thể xảy ra. Khi dùng thuốc corticoid liều mạnh và kéo dài sẽ gây rối loạn nước và điện giải; rối loạn nội tiết và chuyển hóa; loét dạ dày, ảnh hưởng nhiều cơ quan. Nếu dùng thuốc ức chế miễn dịch và ức chế tế bào ung thư có thể gây suy tủy, ung thư máu, nhiễm khuẩn, viêm bàng quang, chảy máu, rụng tóc... Bệnh nhi phải dùng thuốc lợi tiểu để chống phù có thể gây rối loạn điện giải như giảm Na, K máu, giảm thể tích máu tuần hoàn gây trụy tim mạch, suy thận.

46356-nnht.jpg

Trẻ mắc hội chứng thận hư cần ăn nhạt.

Những lưu ý khi điều trị cho trẻ bị HCTH

Trong điều trị, bệnh nhi cần được nghỉ ngơi, điều trị triệu chứng phù với chế độ ăn nhạt, chỉ khoảng 2-3g muối/ngày; chỉ uống ít nước dưới 15ml/kg/ngày. Bệnh nhi rất cần được ăn nhiều đạm: từ 2-4g/kg/ngày. Trẻ cũng cần bổ sung các vitamin C và nhóm vitamin B. Giữ vệ sinh thân thể, mùa đông xuân cần giữ ấm cho trẻ bệnh bằng chế độ ăn uống đầy đủ và mặc quần áo ấm, quàng khăn, đội mũ giữ ấm vùng đầu, cổ, ngực.

Vì HCTH ở em rất hay tái phát nên bệnh nhi cần được theo dõi sát trong nhiều năm. Để thực hiện việc này, đòi hỏi cha mẹ và bệnh nhi cần tuân thủ chế độ điều trị nội trú ở bệnh viện cũng như việc điều trị ngoại trú một cách nghiêm túc. Bệnh nhi cần được theo dõi các chỉ số phát triển như chiều cao, cân nặng, huyết áp và các kết quả xét nghiệm giúp theo dõi bệnh như tốc độ máu lắng, protein niệu...

Việc phòng bệnh rất quan trọng

Nhiều trường hợp HCTH thường xảy ra sau khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp hoặc các bệnh nhiễm khuẩn khác, nên các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ, học tập và nghỉ ngơi hợp lý để tránh các bệnh nhiễm khuẩn. Luôn luôn vệ sinh nhà ở, lớp học tốt để tránh những nguy cơ nhiễm khuẩn qua hô hấp do ô nhiễm không khí, nhiễm khuẩn da, niêm mạc... Mùa đông xuân, cha mẹ cần cho trẻ mặc quần áo ấm, đội mũ, quàng khăn giữ ấm cho trẻ, nhất là vùng ngực cổ để phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng. Thường xuyên cho trẻ đeo khẩu trang khi đi đường hay đến nơi đông người như chợ, lễ hội, đình đám... để tránh hít phải khói, bụi, vi khuẩn. Khi trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn, cần điều trị tích cực.

BSCKI. Trịnh Anh Thư

Theo SKĐS

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI