Ừ, mới nhớ ra, gần tết dương lịch, các bến xe “dù” của các nhà xe tư đã lác đác mọc lên. Tinh mơ, trên các bãi hoang, trong hẻm rộng, bên ngã ba ngã bảy đã có người đùm túm đồ đạc, tay xách nách mang cho một cuộc “đại hồi hương” sau cả năm xa xứ. Mươi năm trước, cảnh này chỉ có dịp tết ta, nhưng từ hồi kinh tế khó khăn, kỳ nghỉ tết càng lúc càng tới sớm và kéo dài với người đi làm thuê.
Công ăn việc làm vốn chẳng nhiều, vụ mùa sản xuất hàng tết đã kết thúc, lương tháng 13 cũng phát trước ngày Giáng sinh để anh em đi mua sắm. Ông chủ, thường cũng là họ hàng hoặc người cùng quê dặn đi dặn lại: Về ăn tết cứ thoải mái vào nhé, ra Giêng chưa có đơn hàng, vào sớm cũng chỉ ngồi xơi nước. Thôi thì cứ chơi qua tháng Ba, tháng Tư đi.
Cô công nhân dệt đang cố nhét thêm chiếc áo phao vào bao bố. Cô về sớm vì việc hết, chủ xưởng xin khất lương ba tháng, tới giáp tết sẽ gắng trả. Bạn bè cùng khu nhà trọ cầm cự lay lắt chờ, nhưng còn tới hai tháng nữa, chẳng lẽ cứ ngồi không mà ăn tiêu ở xứ đắt đỏ này, thôi thì về rồi tính sau vậy. Về ăn ké cơm mẹ, rau cháo trong vườn, đỡ tốn tiền thuê nhà, vé xe cũng chưa tăng gấp rưỡi, gấp đôi như lúc cận tết. Về sớm, thảnh thơi đi sắm đồ cho con. Tệp tiền tích cóp cả năm mỏng dính, nhưng phải có quà cho mẹ, mấy cái áo khoác sida này còn đẹp lắm, may mà cũng rẻ, chỉ tội cồng kềnh, nhà xe thế nào cũng nhăn nhó.
Còn chiếc xe đạp bốn bánh con bà chủ không dùng, mang về chắc con trai mừng lắm. May sao mà nhà xe vui vẻ tống hết xe đạp, mắc áo, nồi xoong, chăn màn… vào “bụng” xe. Về sớm cũng có cái hay, xe cộ còn rộng rãi, thư thả người ta mới dễ tính thế, chứ nghe nói tết năm trước có hai ông anh quê miền Trung phải chui vào cái hộp treo gầm xe này nằm suốt một ngày rưỡi để về nhà, ù tai cả tháng mới nghe người ta nói mình vừa liều vừa dại.
Ảnh minh họa
Về quê, là cảnh công nhân trẻ từ các khu công nghiệp đổ ra bến xe An Sương, xa lộ Hà Nội. Người, túi xách, xoong nồi, xô chậu lổn nhổn “mọc” lên bên đường. Nếu thêm chút gió lạnh se sắt nữa là cả nhóm người khoác áo lạnh và đồ đạc đều là những cục đen đen như nhau trong tiết trời u ám. Cảnh chờ xe này làm không ít người qua lại thấy mà muốn khóc, nhớ thương những tháng ngày xưa cũ.
Mới vài năm trước, khi chưa lấy chồng, sinh con, năm nào cũng hẹn hò bạn bè tới dọn đồ giúp để về ăn tết sớm, cũng chầu chực bên rìa đường để đợi xe, cũng đồ đạc lỉnh kỉnh như một đống ve chai thế này… Còn bây giờ, về thăm mẹ đã trở thành chuyện xa xỉ, tiền vé xe vé tàu cho cả một gia đình cộng chi phí này kia có khi là cả nửa năm làm lụng. Đành hẹn mãi năm sau, năm sau…
Về quê, ai mà chẳng ước chỉ mang vài bộ đồ diện tết cùng quà bánh trong một hai chiếc túi xách gọn gàng. Vì như thế có nghĩa còn đường trở lại, còn nơi làm việc giữ chân, còn nhà trọ để trú ngụ. Đằng này, về tết sớm là dọn hết cả cuộc sống phố thị mới vừa sắm sang đem theo, vì biết có ngày trở lại hay không. Là về với những tháng ngày thất nghiệp lê thê dằng dặc trước mắt, và con đường trở lại Sài Gòn sẽ diệu vợi trong hành trình tìm nơi ở mới, việc làm mới. Trong khi, cơ hội sinh nhai mỗi năm một ít đi…
Nhưng trong cái buồn lo vẫn không thể thiếu sự náo nức, xốn xang. Về sớm là được ở sớm, ở lâu bên mẹ cha, anh em, con cái. Về với vòng tay yêu thương gia đình, chồng vợ, để biết tự hào mình đã vượt thêm một năm gian khó mà lòng vẫn trong trẻo, nụ cười vẫn tươi. Hôm qua, cha gọi điện, nói làng bên đang xây nhà máy lớn lắm, nghe đâu sẽ tuyển cả vạn công nhân. Niềm tin, bỗng ấm áp như ngọn lửa nồng ba bác xe ôm vừa nhóm…
Theo PNCT