Vắc-xin dịch vụ 6 trong 1: Đắt hơn vàng!

Do “cháy hàng” nên tại một số phòng khám hay dịch vụ “tiêm chủng tại gia”, giá của một mũi vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa từ hơn 700.000đ bị “hét” lên 3-4 triệu đồng/mũi.

banner ads

Tăng giá từng ngày

Suốt bốn tháng qua, chị Nguyễn Thị Yến (P.Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chạy ngược xuôi để đăng ký mũi vắc-xin tổng hợp 6 trong 1, nhưng đều thất bại. Theo bạn bè giới thiệu, chị được một y tá chuyên tiêm phòng tại nhà thông báo mức giá cao gần gấp bốn lần thông thường: 2,5 triệu đồng/mũi. Chị chần chừ vì tiếc tiền và hai tuần sau liên hệ lại thì cô y tá đã từ chối, bởi toàn bộ vắc-xin đã có người đăng ký. Sau cùng, chị Yến đành chấp nhận mua vắc-xin 6 trong 1 tại một phòng khám gia đình thuộc Q.Ba Đình với mức “cắt cổ”: 3,2 triệu đồng/mũi cộng tiền khám 600.000đ. Như vậy, tổng số tiền cho một lần tiêm 6 trong 1 lên tới 3,8 triệu đồng.

Nguồn ảnh: internet.

Thường xuyên theo dõi “diễn biến” của vắc-xin trẻ em, chị Hoàng Kim Ngân (P.Khâm Thiên, Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết, giá vắc-xin dịch vụ đang tăng từng ngày. Dù các trung tâm y tế dự phòng, các phòng tiêm chủng liên tục thông báo hết vắc-xin, nhưng nhiều y tá, nhân viên y tế vẫn cất trữ một lượng thuốc nhất định. Càng khan hiếm, giá vắc-xin càng tăng, nhưng không phải ai cũng có thể mua.

Chị Võ Biên Thùy (Q.Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra mệt mỏi vì không tìm được mối tiêm vắc-xin cho con. “Trước đây mình từng nhờ người quen đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ, nhưng thời điểm này thì năm triệu cũng không thể mua được thuốc”.

Chị cũng bức xúc: “2g kém 15 ngày 10/7, Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng (131 Lò Đúc, Hà Nội) thông báo có thuốc trên website, nhưng khi tôi có mặt vào 2g thì đã không còn số. Liệu có nhanh như vậy không, hay do các trung tâm “ghim” lại một lượng hàng nhất định để tuồn ra bên ngoài, đẩy giá vắc-xin lên cao?”.

Trong vai một gia đình có nhu cầu mua vắc-xin, chúng tôi thử gọi tới nhiều số máy được cho là của nhân viên y tế phường, từng cung cấp vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 (Pentaxim) và 6 trong 1 (Infanrix Hexa) tại Hà Nội, nhưng không ai bắt máy. Tại BV Vinmec (Hà Nội), đơn vị trước đây nhận đăng ký tiêm vắc-xin trọn gói cho trẻ em, nhân viên tư vấn cũng cho hay, hiện BV không còn vắc-xin 5 trong 1 và 6 trong 1. Gói tiêm vắc-xin trọn gói của BV hiện tại hơn 11 triệu đồng và không có bốn mũi tiêm tổng hợp. Dự kiến, khi có thuốc, gói vắc-xin này có giá khoảng 16 triệu đồng.

Nói không với “vắc-xin phường” Quinvaxem

Trong khi vắc-xin 5 trong 1 và vắc-xin 6 trong 1 cháy hàng thì tại các trung tâm tiêm chủng, trạm y tế phường, xã, vắc-xin Quinvaxem vẫn được tiêm chủng miễn phí và đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, do tâm lý lo ngại phản ứng của vắc-xin Quinvaxem sau tiêm, không ít bậc phụ huynh vẫn từ chối. Chị Võ Biên Thùy cho biết, nếu không đăng ký được vắc-xin dịch vụ, chị sẽ không cho con tiêm nhắc lại bằng vắc-xin này. “Ba mũi tiêm dịch vụ đã có khả năng phòng bệnh tới hơn 90% nên tôi không “đánh liều” tính mạng của con để tiêm “vắc-xin phường”, chị Thùy nói.

Cùng quan điểm với chị Thùy, chị Nguyễn Thu Hiền (Q.Hà Đông, Hà Nội) cũng kiên quyết chờ vắc-xin 6 trong 1 đến khi nào có. Con gái chị Hiền đã bốn tháng tuổi nhưng vẫn chưa tiêm bất cứ mũi nào để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và bại liệt…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, vắc-xin Quinvaxem luôn đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng của người dân. Bốn tháng qua, Hà Nội đã tổ chức tiêm 13 ngàn mũi vắc-xin này. Ông Cảm khuyến cáo: “Phụ huynh không nên chờ vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 mà nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. Dịch sởi bùng phát năm 2014 là một ví dụ điển hình, không ít bà mẹ đã phải rơi nước mắt khi chưa tiêm chủng đầy đủ cho con”.

Ông Cảm phủ nhận quan điểm của nhiều bà mẹ khi cho rằng đã tiêm vắc-xin dịch vụ thì không thể quay lại tiêm vắc-xin Quinvaxem. Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim chứa các thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib. Vắc-xin Quinvaxem khác Pentaxim ở thành phần thay viêm gan B cho bại liệt. Do vậy, trẻ có thể tiếp tục tiêm vắc-xin Quinvaxem và kết hợp uống vắc-xin bại liệt (OPV) tại các trung tâm y tế. Việc tiêm vắc-xin phải đúng và đủ số lượng, bởi ở nhiều trẻ, ba mũi tiêm 6 trong 1 vẫn chưa đủ lượng kháng thể cần thiết để ngừa bệnh.

Ông Cảm cảnh báo về tình trạng tiêm vắc-xin “tại gia” hiện nay: “Tiêm vắc-xin tại nhà là hành vi bị Bộ Y tế nghiêm cấm do ẩn họa nhiều nguy hiểm. Bất cứ loại vắc-xin nào cũng có nguy cơ gây sốc, nên nếu không xử lý kịp, sẽ ảnh hưởng tới tính mạng trẻ”.

Theo PN

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI