Ảnh mang tính minh họa: Internet
Mới sáu tháng tuổi, nhưng bé Nguyễn Thị Thanh V., con chị Trần Thị Thanh Th., ở Bình Trị Đông (H.Bình Chánh, TP.HCM), đã vướng phải căn bệnh “người lớn” - u buồng trứng (UBT). Trong lần tình cờ siêu âm bụng, bác sĩ (BS) phát hiện bé V. bị nang buồng trứng phải 25mm, dạng nang được yêu cầu theo dõi và tái khám. Chị Th. hoang mang: tại sao con còn nhỏ đã bị u nang buồng trứng? U lành hay u ác? Cần mổ không? Nếu mổ thì có ảnh hưởng gì đến khả năng làm mẹ của bé về sau hay không?
Tại sao trẻ em cũng bị u buồng trứng?
BS Trương Đình Khải, Giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết UBT không chỉ xuất hiện ở phụ nữ trưởng thành mà còn gặp ở trẻ em. Ở người lớn, những trường hợp UBT là ung thư thì phần lớn là bướu ác biểu mô; còn ở trẻ em, ung thư buồng trứng (UTBT) cũng dạng biểu mô nhưng thường gặp hơn cả là loại u tế bào mầm ác. Cho đến nay, nguyên nhân gây u ác buồng trứng ở trẻ vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, ở trẻ em, thường UTBT có nguồn gốc từ tế bào mầm (GCT - gonadal germ cell tumors), đáp ứng rất tốt với điều trị.
Ở giai đoạn đầu của UBT, trẻ không có triệu chứng đặc biệt, chỉ hay đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, sờ vào sẽ dễ dàng phát hiện u do trẻ có thành bụng mỏng. Hầu hết, các trường hợp được phát hiện qua siêu âm khi nhập viện với lý do đau bụng đột ngột kèm theo nôn ói và cảm giác như có khối u ở hạ vị.
Một số trường hợp trẻ có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều, dậy thì sớm, nam hóa, trẻ có thể đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn. Đặc biệt, một số trường hợp u nang quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng thì có thể xuất hiện một số triệu chứng tưởng chừng như không liên quan đến bệnh như tiểu rắt, tiểu khó (chèn ép bọng đái), tiêu bón (chèn ép trực tràng), phù hai chi dưới (chèn ép hệ tĩnh mạch)…
Trở lại trường hợp của bé Thanh V., các BS kết luận đây là UBT dạng nang sinh lý, không phải là u thực thể. Sau ba tháng theo dõi (định kỳ tái khám hàng tháng), các kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ dấu sinh học theo dõi ung thư bình thường, không tăng. Vì là một nang lành tính nên nang này đã tự biến mất trên siêu âm mà không cần BS phải can thiệp.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tương tự bé Thanh V. là bé Lê Thị Hằng Ng. - biểu hiện bệnh cảnh tương tự, nhưng ở dạng đặc u quái, dù là thành phần đặc ít ỏi không dễ “nhìn thấy” trên siêu âm. Sau ba lần theo dõi mà u vẫn tồn tại, các BS buộc phải phẫu thuật.
Theo BS Khải, có khoảng 2/3 trường hợp là u quái, tuy không gây xâm lấn nhưng nếu không được can thiệp sớm và đúng thì rất có thể sẽ xảy ra biến chứng xoắn làm hoại tử cơ quan này. Khi đó, việc phải cắt bỏ cả buồng trứng lẫn vòi trứng là không thể tránh khỏi. Trẻ sẽ mất khả năng làm mẹ về sau.
Ảnh minh họa - Shutterstock
Khi nào cần phải mổ?
Đó là câu hỏi của khá nhiều phụ huynh có con bị UBT. Ai cũng biết, nếu không được can thiệp đúng và kịp thời, UBT có thể gây các biến chứng như: xoắn u nang, nhất là đối với các u nang lớn có cuống; vỡ u nang, do u quá lớn kèm xuất huyết bên trong u; chèn ép các tạng xung quanh.
Tuy nhiên, BS Khải cho biết, không phải trường hợp nào cũng mổ và không phải lúc nào cũng mổ nội soi. Như trường hợp của bé Trần Thị Phương A., 14 tuổi. Bé nhập viện vì bụng to như có thai mấy tháng, sờ vào cứng và lớn rất nhanh. Kết quả siêu âm cho thấy khối u hạ vị của bé khá lớn (12cm). Xét nghiệm kết luận AFP tăng, beta-hCG bình thường, CA 125 tăng. Thân nhân bé nằng nặc yêu cầu được phẫu thuật và đề nghị mổ nội soi dù các BS Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tư vấn là không thể mổ.
Trên CT, khối u của bé A. dính một phần vào trực tràng, kèm dịch ổ bụng, nghi ngờ u đã vỡ và bị một lớp “mỡ chài” che phủ ngang chỗ vỡ (mạc nối lớn). Ngoài ra, khi mổ cắt khối u, khả năng còn sót về đại thể hoặc có di căn xa - nếu có ác tính là rất lớn nên buộc phải sinh thiết để có cơ sở điều trị. Kết quả sinh thiết cho thấy bé Phương A. bị UTBT giai đoạn trễ, phải hóa trị bốn sáu chu kỳ, để khối u khu trú lại sau đó mới tiến hành mổ mở và chỉ cắt một phần phụ có mang bướu và phần “mỡ chài” phủ xuống. Bảo tồn tử cung và buồng trứng, bảo vệ tương lai cho bé.
Trước năm 1995, nếu trẻ có UBT - nhất là u ác, thường bị cắt bỏ toàn bộ buồng trứng và tử cung. Bé gái sẽ không còn khả năng sinh sản, nội tiết cũng bị rối loạn, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và tình cảm. Những năm gần đây, phương pháp bảo tồn được áp dụng do các BS nhận thấy UBT ở trẻ em đáp ứng tốt với hóa trị.
Nếu là u lành, các BS chỉ cắt bỏ khối u. Nếu là u ác tính thì cũng chỉ cắt bên buồng trứng bị bệnh, sau đó cho dùng thuốc để hạn chế tái phát và di căn xa. Tuy nhiên, đó là với những u ác tính buồng trứng dạng u mầm (trường hợp của bé Phương A.), còn với những trường hợp UBT dạng carcinôm tuyến giai đoạn trễ, thì buộc phải cắt tử cung và hai phần phụ.
Hiện nay, ngoài phương pháp mổ mở thì mổ nội soi đang có ưu thế vì ít xâm lấn, dễ dàng quan sát toàn bộ ổ bụng và buồng trứng bên kia, ít gây tổn thương cho mô buồng trứng hơn khi bóc tách. Tuy nhiên, theo BS Khải thì đến tận bây giờ, tại một số bệnh viện của Hoa Kỳ vẫn có ý kiến chưa đồng thuận áp dụng phẫu thuật nội soi đối với UBT. Lý do vì các chuyên gia e ngại làm rơi vãi tế bào ung thư.
Thiên Nga
Vì tính chất nguy hiểm của UBT nên khi thấy trẻ đau bụng dữ dội, liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, kèm theo sốt và nôn, đôi khi có thể choáng vì đau; bụng to bất thường, sờ thấy có một khối ở vùng bụng kèm đau thì cần phải nhập viện gấp. Ngoài thăm khám lâm sàng, BS sẽ siêu âm vùng bụng, chậu, xét nghiệm dấu ấn ung thư, xét nghiệm giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch (rất quan trọng để xác định mô tế bào và tính chất lành ác).
U ác tính, nếu phát hiện và điều trị muộn, sẽ gây xâm lấn vùng chậu và di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi và não. Tuy vậy, việc điều trị hiện đã có nhiều tiến bộ, vừa bảo đảm được tính mạng vừa duy trì hoạt động nội tiết và khả năng sinh con khi bé gái trưởng thành.
Theo PNO