Tưởng con tự kỷ hóa ra câm điếc bẩm sinh

Thấy con không chịu nói, lại cứ khép mình không giao tiếp, nhiều phụ huynh mang trẻ đi chữa tự kỷ mới biết thực ra vì bé không thể nghe.

banner ads

Đưa con trai 16 tháng tuổi từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TP HCM tìm bác sĩ tâm lý, chị Hạnh cho các bác sĩ biết cả nhà lo lắng khi bé vẫn thường khóc rất to nhưng cạy miệng không thèm nói tiếng nào, hỏi gì cũng im, dạy mãi tiếng "ba" mà bé không tập trung, cứ quay chỗ khác. Người mẹ nghĩ con mình tự kỷ, tuy nhiên sau khi thăm khám và dùng một số trắc nghiệm, các bác sĩ xác định nguyên nhân khiến bé không thể nói được vì không nghe được những tiếng người lớn dạy.

41040-oc-tai-1351675401-500x0-8217-1451461083.jpg

Cấy ốc tai điện tử là giải pháp duy nhất giúp các bé điếc bẩm sinh có thể nghe được. Ảnh: Thiên Chương

Một trường hợp khác, đôi vợ chồng ở Củ Chi (TP HCM) cũng lo lắng mang con đến nhờ bác sĩ tư vấn bởi đã gần 2 tuổi mà bé vẫn chỉ biết khóc quấy lúc nóng sốt mọc răng, còn lại ai nói gì bé cũng ngơ ngác hoặc quay sang hướng khác. Bệnh nhi sau đó cũng được xác định điếc bẩm sinh.

Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), tình trạng trẻ bị điếc nhưng bố mẹ tưởng bé bị tự kỷ hay nghĩ các bé thụ động và chậm nói là không hiếm bởi những trẻ điếc thường rất thụ động.

Theo thống kê, lượng trẻ bị điếc bẩm sinh chiếm khoảng 5%. Trong số ấy, nhiều trẻ bị điếc hoàn toàn dẫn đến câm. Có hai lý do chính gây điếc hoặc nghe kém ở trẻ em là điếc bẩm sinh do bất thường trong quá trình phát triển của bào thai (thường do mẹ bị nhiễm Rubella khi mang thai). Ngoài ra trẻ bị điếc bẩm sinh còn do mắc các bệnh lý sinh non, nhẹ cân, vàng da, nhiễm trùng tai, viêm màng não hoặc chấn thương tai gây vỡ sàn sọ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị điếc bẩm sinh

Ở nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi bé thường ít hoặc không cử động, không khóc hay phản ứng với những tiếng động lớn bất ngờ, không quay đầu theo hướng có giọng nói, không bị đánh thức dậy bởi âm thanh lớn, không thường bắt chước tạo ra âm thanh, không thể xoa dịu chỉ bằng giọng nói

Trẻ từ 6 tới 12 tháng bị điếc thường không chỉ ra được người thân hay đối tượng khi hỏi, không bập bẹ hay ậm ừ, không hiểu một số từ đơn giản, không có phản ứng với âm thanh và không có phản ứng khi nghe gọi tên mình.

Ở trẻ lớn hơn một tuổi, các bệnh nhi thường là không quay chính xác về hướng có tiếng gọi ngay từ lần gọi đầu, không phản ứng với các âm thanh hay không thể định vị nguồn của âm thanh, không bắt đầu bằng việc bắt chước và sử dụng các từ đơn giản với người thân trong nhà và với đồ vật quanh mình, không phát ra âm thanh hay sử dụng ngôn ngữ như các trẻ khác cùng lứa tuổi...

"Trẻ điếc thường tạo cho mình một thế giới riêng giống như kiểu tự kỷ hoặc rất ngoan ngoãn, chính vì thế đây là nguyên nhân khiến nhiều cha mẹ nghĩ con mình bị tự kỷ hoặc thụ động chứ không biết con bị điếc", một chuyên gia tai mũi họng nói.

Hướng chữa trị

Việc chữa trị bệnh điếc ở trẻ tùy thuộc vào giai đoạn mắc bệnh. Ở trường hợp bé bị điếc hoặc nghe kém trong giai đoạn mới sinh thì nhiều khả năng bé sẽ không nói được nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ, việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp cải thiện được chức năng nghe và quan trọng hơn cả là ngăn tình trạng bé bị câm do không nghe dẫn đến không thể học nói và giao tiếp. Cấy ốc tai điện tử hiện là phương pháp hữu hiệu nhất giúp trẻ bị điếc bẩm sinh có thể nghe được. Với thiết bị này, sau khi cấy, các bé có thể nghe thấy ngay các âm thanh tuy nhiên phải mất khoảng 6 tháng tập luyện. Hiện một ốc tai loại rẻ nhất là 15.000 USD, loại đắt nhất lên đến 21.000 USD, điều này khiến nhiều gia đình không có đủ điều kiện để chữa trị.

Trước khi có phương pháp cấy đinh ốc điện tử, để giao tiếp, trẻ điếc bẩm sinh chỉ được dạy phương pháp nhìn khẩu hình người khác để đoán nghĩa chứ không thể nghe và nói.

Theo ngoisao

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI