Để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng ta cần hiểu lý do tại sao trẻ lại biếng ăn và việc bỏ đói có thực sự hiệu quả như nhiều mẹ hiện nay đang áp dụng.
Trẻ biếng ăn thường khóc lóc mỗi khi ăn
Nguyên nhân trẻ biếng ăn
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng biếng ăn ở trẻ, dưới đây là một vài nguyên nhân phổ biến mà chúng ta dễ dàng bắt gặp:
- Thức ăn không phù hợp với khẩu vị của trẻ: Nhiều bà mẹ nghĩ rằng, chỉ có thịt bò, heo, bồ câu, gà… mới tốt cho trẻ và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nên không hề sáng tạo hay thay đổi thực đơn cho trẻ. Đó là lí do trẻ cảm thấy sợ các loại thực phẩm đó sau một thời gian dài sử dụng. Từ đó, dẫn tới tình trạng lười ăn ở trẻ.
- Ép trẻ ăn theo chế độ cứng nhắc: Ngay từ nhỏ, trẻ đã bị cha mẹ nhồi nhét việc ăn uống nên trẻ chán và sợ ăn, thậm chí trở thành phản xạ tự nhiên mỗi khi đến giờ ăn. Vì vậy, nếu cha mẹ cho trẻ ăn, tốt nhất không nên nhồi nhét. Ở mỗi giai đoạn, trẻ có thể ăn ít hay nhiều tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Nếu trẻ ăn không hết suất cơm mẹ làm thì mẹ cũng nên vui vẻ dừng lại và động viên trẻ trong những lần sau.
- Do bệnh lý: Có thể trẻ biếng ăn do cơ thể bị nhiễm ký sinh trùng; nhiễm trùng hoặc virus, sâu răng, loại khuẩn đường ruột.
- Do sinh lý: Trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn ít đi trong vài tuần và cha mẹ quá lo lắng, thúc ép trẻ ăn. Đây chỉ là tình trạng biếng ăn tạm thời. Chuyển qua giai đoạn mới trẻ sẽ ăn trở lại bình thường.
Cho trẻ nhịn đói không hẳn đã tốt
Để đối phó với tình trạng biếng ăn, một số cha mẹ áp dụng phương châm: “cho trẻ nhịn đói”. Tuy nhiên, cách làm này chưa hẳn đã tốt vì nó có thể tiếp tay cho sự biếng ăn ở trẻ.
Cũng theo chuyên gia dinh dưỡng, việc bỏ đói đôi khi lại làm bé “vui vẻ” trong khi mẹ càng lo lắng. Bởi mỗi giờ ăn cố định, dạ dày trẻ đều tiết ra sẵn dịch vị để tiêu hóa thức ăn, nếu bé không ăn đúng bữa có thể khiến sự tiết dịch của dạ dày bị đảo lộn, gây rối loạn tiêu hóa và càng khiến cho bé biếng ăn hơn.
Cha mẹ nên tạo không khí ăn uống vui vẻ để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ
Ngoài ra, một số trẻ có thể do ham vui, ham chơi mà quên giờ ăn, quên đói nên không tha thiết với đồ ăn. Kết quả là giờ ăn uống bị đảo lộn, quen với việc bỏ bữa, sau này, mẹ muốn đưa trẻ vào quy củ ăn uống cũng rất khó.
Cách tốt nhất là cha mẹ vẫn nên cho trẻ ăn đúng giờ, ăn ít hay nhiều không quan trọng bằng việc ăn đủ chất và đúng giờ giấc. Việc hình thành thói quen ăn uống sẽ giúp trẻ có ý thức hơn trong việc tập trung ăn. Nếu trẻ ăn quá ít mẹ cũng đừng quá lo lắng, từ từ nâng lượng thức ăn của trẻ lên hoặc thay thế cơm, cháo bằng bún, phở, bánh mì để thay đổi khẩu vị cho trẻ.
Mẹ cần học cách chấp nhận việc ăn ít của trẻ và tạo không khí vui vẻ khi ăn uống để tránh tình trạng căng thẳng và sợ ăn của trẻ ngày càng tăng. Ngoài ra , mẹ cũng nên đưa trẻ tới các chuyên gia dinh dưỡng để kết hợp điều trị bệnh biếng ăn của bé giúp trẻ khắc phục tình trạng này nhanh hơn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)