Bà Lê Thị Bình Minh - Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Bình Minh - Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết luật hộ tịch mới có nhiều quy định sửa đổi tiến bộ, thuận lợi hơn cho người dân trong các thủ tục, giấy tờ thiết thân với người dân sẽ bắt đầu được thực hiện kể từ ngày 1-1-2016.
Kết hôn với người nước ngoài: chỉ cần đến quận huyện
Luật hộ tịch mới phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương, cơ sở với quy định UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (trong đó có đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài).
Việc giao cho cấp quận, huyện giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố ngước ngoài sẽ tránh tình trạng hồ sơ kết hôn dồn hết về Sở Tư pháp gây ùn ứ.
Về thủ tục đăng ký kết hôn, luật mới cũng đã bỏ khâu phỏng vấn giúp cho thời gian thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài giảm chỉ còn khoảng 15 ngày (giảm 1/2 so với trước).
Một số thủ tục hộ tịch còn lại được giao cho UBND cấp xã. Quy định này nhằm phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tiến tới mục tiêu lâu dài là phân cấp triệt để thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho chính quyền cơ sở khi điều kiện cho phép.
Cấp mã số định danh cho công dân khi khai sinh
Một điểm mới của Luật hộ tịch có ý nghĩa lớn nữa là việc đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân cho người được khai sinh.
Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được quản lý trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với người dưới 14 tuổi, số định danh cá nhân được ghi vào giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước công dân của người đó khi đủ tuổi được cấp thẻ căn cước công dân.
Đó là quy định mang tính cách mạng trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư. Có thể lúc đầu làm còn lúng túng, chưa đồng bộ được trên toàn quốc.
Sau khi thí điểm ở 4 tỉnh thành, đến lượt tất cả tỉnh thành thực hiện, kết nối thì quốc gia có đủ kho cơ sở dữ liệu, đó là tài sản khổng lồ của quốc gia.
Theo hướng dẫn, nếu đầy đủ các giấy tờ, thủ tục luật định thì việc cấp giấy khai sinh tại UBND cấp xã diễn ra trong khoảng 5-10 phút.
Cơ sở dữ liệu là tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính tại bất cứ nơi đâu trên toàn quốc.
Vấn đề thứ ba quan trọng không kém là luật Hộ tịch có những cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục trong đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, đã đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch.
Giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch, nếu việc nào không quy định thời hạn thì phải giải quyết ngay trong ngày. Cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn: nộp trực tiếp, qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép.
Từ 1-1-2016, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài sẽ do cấp quận huyện thực hiện. Trong ảnh: đông người chờ làm thủ tục đăng ký hộ tịch tại Sở Tư pháp TP.HCM - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ
Có thể làm khai sinh, kết hôn tại nơi tạm trú
Luật hộ tịch cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống.
Luật hộ tịch còn có quy định đậm chất nhân văn như: miễn giảm lệ phí đối với gia đình có công cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật… Những trường hợp trẻ có cha mẹ ốm, khuyết tật, bị tù giam thì cán bộ hộ tịch cấp xã sẽ cấp giấy đăng ký khai sinh lưu động.
Trường hợp người chết không có người thân thích, hoặc người thân thích không có điều kiện để khai tử thì được khai tử lưu động. Hai bên nam nữ cùng thướng trú địa bàn cấp xã mà ốm, khuyết tật, không tự đi đăng ký kết hôn thì được giải quyết kết hôn lưu động.
TP.HCM đã sẵn sàng để áp dụng luật mớiTheo bà Lê Thị Bình Minh, vẫn còn một số khó khăn thi triển khai thi hành luật hộ tịch mới, nhất là về thể chế. Để hướng dẫn Luật hộ tịch, đã có Nghị định 123 và Thông tư 15 được ban hành cuối năm 2015.
Do ban hành khá sát thời điểm phải thi hành luật, thông tư lại chứa nhiều quy định về thủ tục, biểu mẫu để thực hiện nên cũng gây không ít khó khăn.
Tuy nhiên Sở Tư pháp TP.HCM đã chủ động chuẩn bị nhiều bước để tạo cơ sở thi hành luật đúng thời gian như tổ chức tuyên truyền cho người dân, hướng dẫn tập huấn cho cán bộ...
Ngoài ra, TP cũng đảm bảo về kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đầu tư phát triển công nghệ thông tin bảo đảm thông suốt cho việc thi hành Luật hộ tịch của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo TTO