1. Thời gian thụ thai
Thời gian thụ thai tốt nhất trong tháng thường rơi vào ngày rụng trứng, khoảng ngày 14 - 16 của chu kỳ kinh nguyệt, đối với chị em có chu kỳ kinh nguyệt đều. Khao khát làm mẹ khiến rất nhiều chị em nôn nóng phải thụ thai ngay. Tuy nhiên, việc thụ thai vô cùng quan trọng, bởi nó liên quan đến sức khỏe không chỉ riêng mẹ bầu, mà còn là sự an toàn của thai nhi sau này. Vì vậy, muốn có thai kỳ khỏe mạnh phát triển hoàn hảo, thì các cặp đôi cần lưu ý về cả thời điểm, cũng như có chiến lược kỹ càng.
2. Thời điểm thụ thai
Nếu vợ chồng bạn đang rất mong con, rất nôn nóng, nhưng phải thật bình tĩnh, đừng “vội quá mất khôn”. Bởi, việc chọn thời điểm thụ thai là vô cùng quan trọng. Thời điểm thụ thai sẽ quyết định một phần đến sự hình thành và phát triển của thai nhi sau này.
3. 10 thời điểm "cấm" thụ thai - nếu các cặp vợ chồng muốn có thai kỳ an toàn và em bé khỏe mạnh
Bên cạnh những thời gian vàng hay thời điểm vàng để thụ thai, đương nhiên cũng có những khoảng thời gian và thời điểm được cho là bất lợi và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có 10 thời điểm chị em không nên thụ thai để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mẹ và bé. Chị em cần tuyệt đối tuân thủ, nếu không muốn xảy ra điều đáng tiếc. 10 thời điểm cần lưu ý đó cụ thể như dưới đây.
3.1 Sức khỏe yếu
Sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định xem khi nào là thời gian hai bạn nên thụ thai và khi nào là không nên. Đối với phụ nữ, người mang bầu thì sức khỏe lại càng quan trọng hơn.
Nếu chị em phụ nữ có sức khỏe đang yếu, đang mắc các bệnh bệnh mãn tính có khả năng ảnh hưởng đến kế hoạch có thai như tiểu đường, động kinh, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh tuyến giáp, hen suyễn, bệnh tim mạch,..thì việc thụ thai cần phải cân nhắc và rất thận trọng.
Nếu đang điều trị các bệnh trên, cần được bác sĩ điều trị đánh giá lại tình trạng sức khỏe trước khi có thai, hoặc điều trị cho thể trạng sức khoẻ tốt hơn rồi mới nên quyết định có thai. Vì trong thời gian trị bệnh, người phụ nữ phải uống nhiều loại thuốc, trong đó có những thuốc sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, có thể làm cho thai nhi bị dị tật, ốm yếu…. cho nên, trước khi muốn có con, các cặp vợ chồng hãy chuẩn bị sức khoẻ thật tốt.
Ngoài ra, nếu gia đình, họ hàng gần, bị dị tật hoặc mắc các bệnh về di truyền, các cặp vợ chồng hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn và có hướng xử trí thích hợp trước khi có thai, để thai nhi được phát triển mạnh khỏe nhất.
3.2 Tiếp xúc với môi trường độc hại
Nếu chị em thậm chí là cả chồng đang có thời gian làm việc trong môi trường ô nhiễm không an toàn, phải tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại như: môi trường nhiễm Cytomegalo virus, Rubella, kim loại nặng, thủy ngân, dung môi hữu cơ, những hóa chất trong thuốc trừ sâu... thì không nên mang thai lúc này.
Bởi, khi bà mẹ mang thai tiếp xúc với hóa chất rất dễ làm cho thai nhi bị dị tật, thể trạng cơ thể yếu, hoặc gây sinh non, sẩy thai… Nếu có quyết định mang thai, bạn nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn cẩn thận.
3.3 Sau khi ngừng thuốc tránh thai là thời gian thụ thai cấm tuyệt đối
Phụ nữ không nên có thai ngay sau khi ngừng thuốc tránh thai, vì trong thời gian dùng thuốc tránh thai, cơ thể phụ nữ có sự thay đổi về hormone.
Dù sau khi ngừng thuốc, việc tránh thai không còn hiệu quả nhưng những sự thay đổi do thuốc tránh thai gây ra vẫn có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Chính vì vậy, sau khi ngừng thuốc tránh thai khoảng 3 tháng thì bạn hãy nên có thai.
3.4. Sau khi tháo vòng tránh thai
Vòng tránh thai được đặt vào tử cung với thời gian dài hay ngắn đều có thể ảnh hưởng đến tử cung của người phụ nữ. Nếu có thai ngay sau khi tháo vòng tránh thai, sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của thai nhi.
Nếu muốn có thai thì thời điểm sau 2 - 3 tháng tháo vòng tránh thai để tử cung ổn định sẽ là thời điểm tốt hơn cho phụ nữ.
3.5 Sau khi sẩy thai, đẻ non
Sau khi sẩy thai và đẻ non thì tử cung của người phụ nữ bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu có thai ngay sau thời điểm tử cung chưa được phục hồi thì rất dễ có thể dẫn đến tiếp tục để xảy ra tình trạng giống như lần trước.
Bởi sau khi bị sẩy thai, đẻ non, cơ thể người phụ nữ rất yếu do mất nhiều máu, tinh thần hay buồn rầu, lo lắng, bị suy sụp nghiêm trọng…
3.6 Không thụ thai khi thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng
Khi thời tiết rơi vào cuối đông, rồi đến đầu xuân được xem là thời điểm thích hợp nhất để hai vợ chồng bạn lên kế hoạch cho chuyện có con. Đây là khoảng thời gian tinh trùng đông về số lượng, chuẩn về chất lượng. Đồng thời, sức khỏe của phụ nữ cũng ổn định hơn vào thời gian này.
Trời quá lạnh rất dễ làm bạn mắc các bệnh về hô hấp. Trời quá nóng, chuyện ăn uống, hấp thu dinh dưỡng kém cũng hoàn toàn không tốt cho chuyện mang thai.
3.7 Sau chụp X-quang
Lượng chiếu xạ dùng trong chụp Xquang dù không nhiều, song nó cũng có khả năng ảnh hưởng đến tế bào sinh dục trong cơ thể, cụ thể là làm đột biến nhiễm sắc thể của trứng.
Vì vậy, ít nhất phải 4 tuần sau khi thực hiện chụp Xquang, bạn mới nên tính đến chuyện thụ thai.
3.8 Khi đi du lịch
Không ít cặp đôi cho rằng, khi đi du lịch cả hai sẽ có nhiều cảm xúc thăng hoa nhất là trong thời gian đi trăng mật sau đám cưới, việc thụ thai sẽ đến nhanh chóng và dễ dàng. Không ai lưu ý nhiều đến việc liệu thực sự đây có phải là thời điểm tốt nhất để thụ thai hay không. Các nghiên cứu lại cho rằng thời điểm khi đi du lịch hoặc trăng mật không phải là thời gian lý tưởng để thụ thai.
Trong thời gian đi du lịch, vợ chồng thường phải đi lại nhiều, tiêu hao năng lượng, hơn nữa lại có sự thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thiếu ngủ, chế độ dinh dưỡng trong ngày cũng thay đổi.
Điều này không những ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng và trứng, còn có nhiều tác động tới tử cung, dẫn đến những hậu quả không mong muốn trong quá trình mang thai như lưu sản, sảy thai. Do đó, trong khi đi du lịch không nên thụ thai.
3.9 Khi đang căng thẳng cũng liệt vào danh sách thời gian thụ thai nên tránh
Bạn đang căng thẳng trong công việc, đang phải thức khuya dậy sớm với rất nhiều việc phải làm, hai vợ chồng đang bất đồng trong nhiều chuyện… khiến tâm lý bạn căng thẳng thậm chí là stress nặng, hãy đừng nghĩ đến chuyện thụ thai lúc này.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng stress là nguyên nhân khiến mẹ khó đậu thai, thậm chí còn khiến mẹ bầu bị sảy thai nữa. Nếu muốn thụ thai, tốt hơn cả mẹ hãy tạo tâm lý thật thoải mái.
3.10 Sau khi tiêm vacxin
Các chị em luôn được khuyên rằng, nên có kế hoạch mang bầu trước từ 3 - 6 tháng. Thời gian chuẩn bị dành để tiêm vacxin như rubella, thủy đậu hay cúm…, cũng như tập trung chăm sóc sức khỏe cho thật tốt.
Chị em cũng cần lưu ý, sau khi tiêm những loại vacxin này thì cần kiêng có bầu từ 3 - 6 tháng để không bị ảnh hưởng đến thai nhi.
Đến đây, chúng ta đều đã thấy rõ ràng hơn thời gian thụ thai và thời điểm thụ thai đều cần đến những khoảng thời gian vàng. Để thai nhi phát triển bình thường và khỏe mạnh, thì phụ nữ cần cân nhắc kỹ thời gian thụ thai lẫn thời điểm, vì có những thời điểm sẽ không tốt cho cả mẹ và con. Vì vậy, muốn có thai kỳ khỏe mạnh, phát triển hoàn hảo thì các cặp đôi cần có chiến lược kỹ càng. Các chuyên gia luôn khuyên chị em nên có kế hoạch bầu bí trước từ 3 - 6 tháng, chuẩn bị sức khỏe thật tốt, cũng như tiêm phòng đầy đủ các bệnh để ngăn ngừa rủi ro trước hết là cho thai kỳ, sau đó là sức khỏe của mẹ và bé về sau.
Việt Thư tổng hợp