Đã đến những tuần cuối cùng của giai đoạn giữa thai kỳ và mẹ sẽ cảm thấy rất hồi hộp với những gì đang chờ mình phía trước. Tuy nhiên, trước hết hãy cùng xem thai nhi 26 tuần đã bằng chừng nào và phát triển ra sao mẹ nhé!
Sự phát triển của thai nhi 26 tuần tuổi
Ở tuần thai thứ 26, bé dài khoảng 36cm và nặng khoảng 900g từ đầu đến gót chân, tương đương với chiều dài của một cây xà lách cỡ lớn của Mỹ. Mạng lưới các dây thần kinh trong tai của bé đã phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn trước rất nhiều.
Bây giờ bé có thể nghe thấy cả giọng nói của bố lẫn mẹ khi cả hai cùng trò chuyện với nhau. Bé nuốt vào và nhả ra một lượng nhỏ nước ối, một hoạt động điều tiết cần thiết cho sự phát triển của phổi. Chất béo lúc này càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi 26 tuần tuổi. Nếu bạn đang mang thai bé trai, trong tuần này tinh hoàn của bé sẽ bắt đầu đi vào trong bìu - một chuyến đi dự tính kéo dài từ 2-3 tháng.
Những thay đổi trong cuộc sống của mẹ bầu khi thai nhi 26 tuần tuổi
Bạn đang vội vã và cố gắng để có mặt đầy đủ trong các đợt khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ song song với rất nhiều công việc chuẩn bị khác như mua cũi, sắm đồ sơ sinh? Điều đó rất tốt nhưng hãy nhớ dành thời gian cho mình để tiếp tục chăm chút cho những bữa ăn dinh dưỡng và nghỉ ngơi thật nhiều nhé!
Khoảng thời gian này, huyết áp của bạn có thể tăng nhẹ, mặc dù có thể nó vẫn còn thấp hơn so với trước khi bạn có thai. Thông thường, huyết áp giảm xuống khi càng về cuối tam cá nguyệt đầu tiên và nó có xu hướng thấp nhất trong khoảng 22 đến 24 tuần.
Đến lúc này, bạn cũng nên bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về chứng tiền sản giật, một tình trạng nghiêm trọng do huyết áp tăng và thường xuất hiện sau 37 tuần thai. Tuy thời gian phổ biến là vậy nhưng tiền sản giật vẫn có thể xuất hiện sớm hơn khi thai nhi 26 tuần tuổi.
Hãy gọi cho bác sĩ nếu bạn bị sưng phù hoặc xuất hiện bọng xung quanh mắt, bàn tay sưng nhẹ, bàn chân sưng phù đột ngột hoặc tăng cân nhanh chóng (hơn 900g trong một tuần) . Với tiền sản giật nặng hơn, bạn có thể gặp các triệu chứng khác như đau đầu nặng và kéo dài, thay đổi thị lực (bao gồm cả nhìn mờ và nhìn mộtvật thành hai, nhìn thấy những đốm sáng hoặc đèn nhấp nháy, nhạy cảm với ánh sáng, hoặc tạm thời mất thị lực), đau dữ dội hoặc đau ở phần bụng trên và nôn mửa.
Thêm vào đó, trọng lượng của thai nhi đang lớn có thể gây nhiều áp lực hơn cho cơ bắp của bạn và tăng sức ép lên các khớp. Đó là lý do tại sao bạn có thể cảm thấy rất mệt mỏi vào cuối ngày. Để khắc phục, bạn cần phải được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đồng thời tránh gây áp lực lên vùng lừng. Đi, đứng, hoặc ngồi trong thời gian dài, cũng như uốn người và nâng hạ toàn thân đột ngột đều có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt và rất dễ ngã nhé!
Yeutre.vn (Tổng hợp)