Ảnh Diệp Đức Minh
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời bà Đào Thị Ánh như sau:
Về tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 85; Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm số 38/2013/QH13; Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được sửa đổi bổ sung tại Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT; Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT thì mức đóng BHXH, BHYT, BHTN hiện nay là 32,5% tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng.
Trong đó, đóng BHXH bắt buộc là 26%, người lao động đóng 8%; người sử dụng lao động đóng bằng 18%; đóng BHYT 4,5%, người lao động đóng 1,5%, người sử dụng lao động đóng 3%; đóng BHTN 2%, người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1%.
Như vậy, đối với người cùng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thì tổng mức đóng bằng 32,5%, trong đó người sử dụng lao động đóng 22% người lao động đóng 10,5%.
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Khoản 1 Điều 14 Luật BHYT số 25/2008/QH12; Khoản 1 Điều 58 Luật Việc làm, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật BHXH số 58/2014/QH13, Khoản 2 Điều 14 Luật BHYT số 25/2008/QH12; Khoản 2 Điều 58 Luật Việc làm, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN là mức lương và các khoản phụ cấp lương; từ ngày 1/1/2018, là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo Chinhphu.vn