Nhiều phụ nữ độc thân đã chọn cách trữ trứng khi chưa có điều kiện làm mẹ
PV: Thưa bác sĩ, những đối tượng nào đủ điều kiện lưu trữ trứng?
TS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Hiện Bệnh viện Từ Dũ đã có ngân hàng nhận trữ trứng cho tất cả phụ nữ độc thân hay đã lập gia đình; đặc biệt là những chị em không may mắc bệnh ung thư (UT) cần phải lưu trữ trứng trước khi điều trị. Tất nhiên, phụ nữ UT muốn trữ trứng sẽ được chọn lọc kỹ. Đơn cử, ở bệnh nhân bị UT vú, nội mạc tử cung thì bác sĩ sẽ không thực hiện kỹ thuật chích thuốc kích thích noãn phát triển để hút trứng. Nguyên do, trong quá trình kích thích buồng trứng, nồng độ nội tiết tố nữ tăng lên rất nhiều nên những bệnh UT có liên quan đến nội tiết tố sẽ trở nặng hơn. Ngoài ra, với người bệnh UT có liên quan đến tình trạng rối loạn đông máu, quá trình làm thủ thuật sẽ khiến bệnh nhân bị xuất huyết nội, nguy hiểm tính mạng. Những bệnh nhân bị UT giai đoạn cuối hay mắc bệnh UT mà y học chưa can thiệp được cũng không nên trữ trứng.
* Trước khi trữ trứng, khách hàng cần làm những xét nghiệm gì? Độ tuổi nào trữ trứng sẽ tốt nhất?
- Ngoài việc xét nghiệm các bệnh lý di truyền, bệnh lây qua đường tình dục…, khách hàng sẽ được xét nghiệm để xem buồng trứng có khả năng dự trữ hay không. Khi đủ các điều kiện này, bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật chọc hút trứng.
Trước đây, y học khuyến cáo chỉ chọc hút trứng dự trữ cho phụ nữ dưới 45 tuổi. Theo hướng dẫn mới của y khoa, không hạn chế lứa tuổi mà cần đánh giá sức khỏe của từng cá nhân xem có khả năng mang thai được không. Tuy nhiên, về mặt sinh lý bình thường, dự trữ buồng trứng ở phụ nữ từ 35 tuổi trở lên đã giảm nhiều nên lượng trứng kích thích được lấy ra ít hơn so với những người trẻ. Đặc biệt, phần lớn buồng trứng dự trữ của phụ nữ trên 45 tuổi giảm mạnh và hầu như khó còn trứng đạt chuẩn để trữ. Tốt nhất, chị em nên trữ trứng trước 35 tuổi, nếu không có điều kiện thì nên thực hiện trước 45 tuổi.
* Nếu phụ nữ trữ trứng ở độ tuổi 20, mang thai ở tuổi 40, thì trứng có còn tốt hay không? Liệu trẻ sinh ra có mắc các bệnh nguy hiểm?
- Nếu phụ nữ trữ trứng ở độ tuổi 20, đến 40 tuổi mới mang thai, trứng được rã sau vài chục năm vẫn là chất lượng trứng ở độ tuổi 20. Do đó, thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thai phụ lớn tuổi, vốn gây ra các bệnh: Down, bất thường nhiễm sắc thể 13, 18… Tuy nhiên, thai phụ lớn tuổi mang thai lại có nguy cơ khác như: tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non…
* Chi phí cho việc trữ trứng hiện nay là bao nhiêu và khả năng lưu trữ trứng kéo dài bao lâu?
- Vì các bước thực hiện giống như thụ tinh trong ống nghiệm nên chi phí rất cao, khoảng 40 - 50 triệu đồng (riêng phí thuốc để kích thích buồng trứng là 30-40 triệu đồng). Sau mỗi năm, tùy vào số lượng trứng, phí gia hạn phải đóng để tiếp tục lưu trữ là dưới năm triệu đồng/năm. Trứng có thể được trữ không giới hạn thời gian, và chưa có ghi nhận bất thường nào nếu để quá lâu. Bệnh viện Từ Dũ đã cải tiến kỹ thuật trữ đông nên tỷ lệ trứng sống sau khi rã đông đạt 70% so với 40% trước đây; còn phôi sau rã đông đạt hơn 90%.
* Hiện bệnh viện đã trữ trứng đông lạnh cho khoảng bao nhiêu khách hàng?
- Ngân hàng của bệnh viện trữ phần lớn cho những cặp vợ chồng chờ làm thụ tinh trong ống nghiệm; riêng những trường hợp gửi trứng chủ động để “gia hạn” thời gian sinh con thì rất ít. Nguyên nhân: nhiều người e ngại khi siêu âm theo dõi noãn phát triển, chọc hút trứng đều thực hiện qua ngả âm đạo sẽ “mất cái ngàn vàng” nên họ từ chối lưu trữ. Theo tôi, phụ nữ đã có gia đình nên sinh con trước 35 tuổi vì càng lớn tuổi thì chất lượng và số lượng càng giảm. Nếu muốn trữ thì trữ phôi, vì chất lượng phôi sau rã đông sẽ cao.
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Theo PN