Phong tục ngày Tết cổ truyền đặc sắc của người Việt

banner ads

1. Tại sao có nhiều phong tục trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam?

Tết Nguyên Đán (hay Tết cổ truyền) là dịp lễ lớn của nước ta. Một số nước như Trung Quốc, Singapore, Malaysia, cũng mừng đón Tết này.  Những ngày đầu năm mới Âm lịch rất được người dân coi trọng. Đây cũng là quãng thời gian để tiến hành nhiều tập tục, phong tục đặc sắc của người dân bản địa.

Phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam

Không ai biết những phong tục ngày Tết ở Việt Nam chính xác bắt đầu từ khi nào. Chỉ biết tiếp nối truyền thống, người dân xứ Việt ngàn đời vẫn giữ nguyên những tập tục cũ xưa mà ông bà truyền lại.

Một phần lý do những phong tục này được tiếp nối có lẽ vì ai cũng mong muốn sự may mắn, thuận hòa trong năm mới. Một phần nữa là do nhiều người muốn giữ lại nét văn hóa của ông cha, lưu giữ ký ức cội nguồn. Mặt khác, một số người cho rằng những tập tục này đã gắn liền Tết, làm nên Tết và vô hình chung đã trở thành Tết.

2. Những phong tục ngày Tết đặc sắc nhất

Tại mỗi khu vực nhất định ở Việt Nam, nhiều phong tục ngày Tết Nguyên Đán được tiến hành, cụ thể như dưới đây:

2.1. Phong tục ngày Tết miền Bắc

Tết Nguyên Đán không chỉ là lúc để người nhà sum vầy đoàn tụ mà còn là dịp để thực thi nhiều nghi thức, phong tục trịnh trọng nhằm cầu mong một năm mới đầy an lành, may mắn. Do đó, trong tâm tưởng của người miền Bắc thường rất coi trọng dịp Tết. Họ thường tiến hành các phong tục sau đây:

banner ads

2.1.1. Chơi hoa đào và chưng cây quất

Không biết từ lúc nào, đào đã trở thành loài hoa đặc biệt tượng trưng cho ngày Tết ở miền Bắc. Trong khí xuân se lạnh, những cánh hoa đào đỏ mỏng manh bung nở làm ấm cúng cả khoảng trời.

hoa đào
Hoa đào là loài hoa tượng trưng cho ngày Tết ở miền Bắc

Màu hồng đỏ mang lại sự tươi vui đồng thời có ý nghĩa xua đuổi tà ma, mang lại may mắn cho năm mới. Màu xanh từ lộc đâm chồi tạo ra sự sống mới mạnh mẽ, mang ý nghĩa tốt lành cho gia chủ.

Hiện nay, nhiều loại đào được lai tạo, trồng và chăm sóc với kỹ thuật mới cho hoa to, nhiều cánh, nở lâu và dáng cây đẹp hơn. Chính vì thế, nhiều người đã dành thời gian trước Tết đến tận vườn hoặc chợ để chọn đúng cành đào ưng ý.

Cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê cũng là loài cây được lựa chọn để chưng cho ngày Tết. Loại cây này tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn.

2.1.2. Thăm mộ tổ tiên

Một trong những phong tục ngày Tết Việt Nam ở miền Bắc được chú trọng nhất chính là thăm mộ tổ tiên. Theo người dân xứ này, đây là dịp quan trọng để tưởng nhớ ông bà. Chính vì vậy, bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 tháng chạp hàng năm, con cháu trong gia đình thường đi thăm, quét dọn mồ mả tổ tiên và thắp hương khấn vái.

Thăm mộ tổ tiên
Thăm mộ tổ tiên là một phong tục ngày Tết của người miền Bắc

Phong tục này thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất. Tại đây, họ cũng cúng mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết.

2.1.3. Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu ngày Tết bánh chưng xanh

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ / Cây nêu ngày Tết bánh chưng xanh” là một loạt các phong tục đặc trưng của ngày Tết tại miền Bắc . Mặc dù đến nay, câu nêu thường ít được biết đến nhưng những phong tục còn lại đều được lưu giữ nguyên vẹn.

gói bánh chưng
Người miền Bắc thường gói bánh chưng để đón Tết

Đối với người miền Bắc, bánh chưng xanh với nhân thịt mỡ, củ hành, đậu xanh đã trở thành một đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết. Đồng thời, câu đối đỏ với hình ảnh những ông đồ, mực tàu, bút lông, nghiên, giấy cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc khơi gợi không khí Tết trong lòng mỗi người con xứ Bắc.

2.1.4. Phong tục về những điều kiêng kỵ trong ngày Tết của người miền Bắc

Đối với người miền Bắc, ngày Tết vô cùng quan trọng nên cần kiêng kỵ rất nhiều điều. Trong đó, những việc làm và lời nói nhất định phải tránh là:

  • Những việc làm nên tránh gồm : Quét nhà hay đổ rác vào ngày đầu năm, treo những tranh “xui xẻo”, cho lửa , cho nước ngày Tết, cho người không may mắn xông nhà, làm vỡ chén đĩa…
  • Những lời không nên nói ngày đầu năm bao gồm : Tiên đoán chết chóc, xui rủi, cãi nhau, gây lộn…

Ngoài ra, còn rất nhiều điều khác mà người miền Bắc cho rằng nên tránh vào những ngày đầu năm mới. Người xưa cho rằng “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, do đó việc thực hiện kiêng kỵ nếu không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt thì họ vẫn duy trì.

2.2. Phong tục ngày Tết miền Trung

Miền Trung được xem là điểm giao thoa văn hóa cho cả miền Bắc và miền Nam. Do đó, việc bắt gặp một vài phong tục ngày Tết của họ gần giống như ở hai miền còn lại cũng không có gì lạ. Dù vậy, các nét đặc trưng về mặt phong tục ở khu vực này vẫn tồn tại, trong đó có nhiều điểm độc đáo. Đó là:

2.2.1. Đi chợ Tết – Phong tục ngày Tết đặc sắc của người miền Trung 

Đi chợ Tết
Đi chợ Tết – Phong tục ngày Tết đặc sắc của người miền Trung. Ảnh Internet 

Tại bất kỳ khu vực nào trên đất nước Việt Nam thì việc đi chợ Tết cũng là việc làm cần thiết để chuẩn bị mọi vật dụng, đồ ăn thức uống cho dịp lễ quan trọng này. Tuy nhiên, đây lại là phong tục giúp ngày Tết trở nên rộn rã, vui tươi hơn rất nhiều ở khu vực miền Trung.

Đi chợ Tết chính là một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người miền Trung. Người ta đi chợ không chỉ để mua đồ mà còn để ngắm hoa xuân, ngắm phố phường và hưởng trọn cái náo nhiệt vui vẻ của những ngày chuẩn bị cho năm mới.

2.2.2. Phong tục về những điều kiêng kỵ trong ngày Tết của người miền Trung

Phần lớn những điều cần kiêng kỵ về lời nói và hành động ở ngày Tết của người miền Bắc thì người miền Trung cũng áp dụng. Tuy nhiên, người dân tại khu vực này còn đặt ra những điều kiêng kỵ về món ăn, thực phẩm trong những ngày đầu năm mới.

Người dân miền Trung cho rằng không nên ăn các món được chế biến từ tôm trong dịp Tết. Lý do là vì tôm di chuyển bằng cách đi thụt lùi nên sợ nếu ăn tôm sẽ mang đến sự lụn bại trong cơ nghiệp, công việc làm ăn thất bại.

Những món ăn chế biến từ mực cũng không được người miền Trung sử dụng trong khoảng thời gian quan trọng này. Lý do là vì ông cha cho rằng “đen như mực” nên sợ ăn mực đầu năm khiến cả năm gặp điều xui rủi, không may mắn.

Bên cạnh đó, người miền Trung cho rằng nên kiêng trứng vịt lộn, thịt vịt trong những ngày đầu năm mới. Lý do là vì họ cho rằng việc sử dụng những loại thức ăn này sẽ dẫn đến gặp điều xui xẻo. Ngoài ra, một số nơi ở miền Trung, người dân còn kiêng mặc đồ màu trắng trong những ngày đầu năm mới.

2.3. Phong tục ngày Tết miền Nam

Từ miền Trung đi vào miền Nam, chúng ta đã thấy mai vàng nở rộ. Không khí sắc xuân vì thế cũng trở nên rực rỡ, đầy sắc màu hơn. Tại đây, người dân có khá nhiều phong tục  Tết Nguyên Đán độc đáo và vô cùng thú vị.

2.3.1. Đi mua mai vàng 

Hoa mai vàng
Hoa mai là loài hoa tượng trưng cho ngày Tết ở miền Nam. Ảnh Internet 

Nếu đào là loài hoa dành cho ngày Tết ở miền Bắc thì ở miền Nam loài hoa ấy lại là hoa mai. Màu vàng tươi sáng của loài hoa này là biểu trưng cho sự thành đạt, vinh hoa, phú quý. Những lộc non đâm chồi lại mang ý nghĩa cho sự sinh trưởng, phát triển nhanh chóng và tươi đẹp.

Trong những ngày gần Tết, các con đường hoa gần như không thể thiếu bóng dáng của các chậu mai vàng, từ nhỏ đến lớn với đủ kiểu tạo hình. Người dân ở đây thường chọn cây có nhiều nụ và lộc để hoa nở đúng lúc giao thừa hay sáng sớm mùng một.

2.3.2. Sắm sửa mâm ngũ quả

Thực ra, mâm ngũ quả là nét đặc sắc văn hóa ngày Tết của người dân trên khắp đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, theo lối nói chệch của người miền Nam thì mâm ngũ quả của họ thường là “Cầu vừa đủ xài”. 

Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả mang ý nghĩa "cầu vừa đủ xài". Ảnh Internet

Với mong muốn có một năm mới đầy may mắn và tài lộc, mâm ngũ quả mà người miền Nam sắm sửa thường có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, họ còn biến tấu hay thêm một số loại quả khác để mâm ngũ quả thêm đẹp mắt và ý nghĩa.

2.3.3. Bánh tét – Một nét phong tục ngày Tết của người miền Nam

Nếu bánh chưng là đặc trưng ngày Tết của người miền Bắc thì bánh Tét lại là nét văn hóa không thể thiếu của người miền Nam trong những ngày đầu năm mới. Những đòn bánh tét dài hình trụ với nhiều loại nhân, có thể là đậu xanh, thịt mỡ, cũng có thể chỉ là đậu xanh từ lâu đã trở thành món ăn gắn liền với ký ức nhiều thế hệ. 

Bánh tét
Bánh tét - Bánh tết của người miền Nam. Ảnh Internet

Bánh tét luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam. Cùng với đó, mọi người còn có thể thấy cả canh khổ qua, thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu… Mâm cơm tuy đơn giản nhưng lại có một ý nghĩa vô cùng tuyệt vời về sự no đủ, đoàn viên.

2.3.4. Phong tục về những điều kiêng kỵ trong ngày Tết của người miền Nam

Trong số 3 miền của tổ quốc thì miền Nam được xem là có lối sống thoải mái hơn. Do đó, những điều kiêng kỵ ngày Tết của người dân xứ này không nhiều bằng ở các khu vực khác. Tuy nhiên, một số việc làm, lời nói, món ăn vẫn được liệt kê vào danh sách không nên làm trong những ngày đầu năm mới. Đó là:

  • Không đi ra khỏi nhà quá giờ giao thừa vì sợ năm mới sẽ phải bôn ba khắp nơi làm ăn vất vả.
  • Không để mất chổi sau khi quét dọn vì sợ việc làm nông của gia đình trong năm mới sẽ thất bát, mất mùa. Để tránh khỏi điều xui rủi này, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn.
  • Không để khách nhịn đói ra về: Tập tục dọn cỗ đầu năm thiết đãi khách của người miền Nam đã có từ lâu đời. Khi có khách vào nhà trong những ngày Tết Nguyên Đán thì gia chủ sẽ mời khách ăn uống. Lúc này, khách cũng không được từ chối, kể cả đang no thì cũng phải nhấm nháp một chút. 
Gắp thức ăn
Ở miền Nam, nếu thăm nhà ai dịp Tết mà gia chủ mời nán lại dùng bữa, bạn nên ăn một chút. Ảnh Internet

Ngoài những phong tục riêng của từng vùng miền thì còn tồn tại nhiều phong tục chung mà gần như bất kỳ khu vực nào trên đất nước Việt Nam cũng đều có. Đó là phong tục cúng ông táo, trang trí, dọn dẹp nhà cửa, xông đất, chúc Tết đầu năm, mừng tuổi…

Phong tục ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam rất đa dạng. Tại một số vùng, những phong tục ấy có thể đã được giao thoa, tiếp thu, biến đổi nhằm phù hợp với nét văn hóa đặc trưng ở bản địa. Nhưng dù thế nào, đây cũng có thể coi là những “gia vị” không thể thiếu làm nên dịp Tết cổ truyền trong lòng mỗi người con dân xứ Việt.

Như Nguyễn Tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI