Nuôi con một mình sau ly hôn - 12 điều bạn cần làm để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn

Nuôi con một mình sau ly hôn là một thử thách cam go đối với các bậc cha mẹ đặc biệt là về mặt tinh thần. Việc duy trì được cuộc sống tốt đẹp sau cuộc chia tay không phải là dễ dàng vì tất cả mọi người đều bị tổn thương và mất mát. Đối với những đứa trẻ thì việc này lại càng khó khăn hơn. Vậy làm thế nào để giúp trẻ cảm thấy tốt hơn sau khi ly hôn, chúng ta hãy cùng tham khảo 12 điều lưu ý dưới đây nhé. 

banner ads

Nuôi dạy trẻ sau ly hôn
Nuôi con một mình sau ly hon là một thử thách với các bậc cha mẹ. Ảnh Internet 

1. Hãy đặt trẻ ở vị trí ưu tiên hàng đầu

Việc đặt trẻ ở vị trí ưu tiên là bước quan trọng và hiển nhiên nhất. Bạn nên xem nhu cầu và cảm xúc của trẻ là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Trẻ cũng cần được biết rằng con có thể tin tưởng bạn về việc chăm sóc cho cả hai trong thời gian sắp tới.

Bạn cũng cần khẳng định với trẻ là con luôn được yêu thương. Việc cha mẹ ly hôn không phải là lỗi của trẻ và nó sẽ không ảnh hưởng đến tình yêu của bạn dành cho trẻ.

2. Hãy duy trì việc đối thoại mở

Bạn hãy để trẻ bày tỏ mối quan tâm của mình nhưng không áp đặt suy nghĩ của bạn vào. Một điều rất quan trọng là bạn không nên để trẻ cảm thấy mình đang ở giữa bất kỳ cuộc xung đột nào của cha mẹ hay chứng kiến những cuộc tranh cãi giữa hai bạn. Bạn cũng đừng đưa ra lời chê bai hay những bình luận tiêu cực về đối phương hay yêu cầu trẻ “báo cáo” lại cho bạn biết về những gì đối phương nói với trẻ. Sự hợp tác và đồng thuận trong các ý kiến và quyết định liên quan đến trẻ là tốt nhất và sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của con. 

Mẹ nói chuyện với trẻ
Bố mẹ nên duy trì việc đối thoại mở với trẻ. Ảnh Internet 

3. Hãy xây dựng các ranh giới

Mặc dù đúng là mọi trẻ em đều cần các ranh giới, nhưng con bạn cần chúng hơn bao giờ hết trong thời gian này. Trẻ sẽ cần cảm giác ổn định và cảm nhận được nó một cách rõ ràng. Các quy tắc công bằng và nhất quán sẽ giúp cảm xúc của con được cải thiện một cách tích cực hơn.

4. Hãy lưu tâm đến cảm giác tội lỗi của bạn

Mặc dù việc ly hôn có ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ về mọi mặt, nhưng bạn hãy cố gắng đừng để cảm giác tội lỗi thao túng mình. Vì nó sẽ dễ dẫn tới việc bạn cho phép trẻ được hưởng các đặc quyền một cách thái quá để bù đắp lại nỗi đau do cuộc ly hôn của hai bạn gây ra. Tuy nhiên việc này sẽ làm suy yếu cảm giác ổn định của trẻ và có thể gây ra những hệ lụy lâu dài mà bạn khó sửa chữa được. 

Gia đình buồn phiền
Đừng để cảm giác tội lỗi thao túng bạn, điều này sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Ảnh Internet 

5. Hãy thực hiện quy trình thăm nom một cách rõ ràng

Thời gian đầu sau ly hôn , bạn và đối phương có thể không muốn chạm mặt nhau nhưng không nên vì vậy mà gây tác động đến việc thăm nom đối với trẻ. Bạn hãy cố gắng thu xếp những cuộc gặp gỡ một cách vui vẻ và hòa bình cho trẻ và đối tác. Thay vì tỏ thái độ khó chịu đối với vợ/ chồng cũ của mình nếu gặp trực tiếp, bạn hãy để đối phương đón trẻ ở trường, ở nhà người thân, hay ở một địa điểm nào đó dưới sự giám sát của người mà bạn tin tưởng, trong khi bạn quan sát từ xa.

Trong trường hợp trẻ không muốn đến thăm cha/ mẹ, lựa chọn đầu tiên bạn nên làm đó là cho trẻ thảo luận trực tiếp vấn đề với “người kia”. Nếu trẻ không muốn một cuộc gặp trực tiếp, hãy sắp xếp cho con gặp một bên thứ ba như giáo sỹ, nhà trị liệu tâm lý hoặc chuyên viên hòa giải.

6. Hãy để trẻ được thể hiện sự thất vọng của mình và chia sẻ nó với con

Khi trẻ tỏ ra thất vọng về việc ly hôn của bố mẹ hoặc về bất cứ vấn đề gì sau này, bạn hãy thể hiện sự đồng cảm và an ủi con. Điều này sẽ giúp trẻ tin tưởng bạn và sẵn sàng tâm sự với bạn nhiều hơn khi con gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống. 

Mẹ ôm con gái
Nếu trẻ thể hiện sự thất vọng hãy chia sẻ và an ủi con. Ảnh Internet

7. Hãy xem xét việc áp dụng trị liệu tâm lý cho trẻ

Nếu trẻ đã chứng kiến bạo lực hoặc lạm dụng trong cuộc hôn nhân của bạn, chúng có thể cần trị liệu tâm lý liên tục.

8. Hãy đặc biệt lưu ý đến trẻ nhỏ và trẻ tuổi thiếu niên

Trẻ nhỏ là đối tượng gặp khó khăn lớn nhất trong cuộc ly hôn của cha mẹ, đặc biệt khi bạn – người chăm sóc chính – bắt buộc phải quay lại làm việc sau ly hôn.

Trẻ đang bước vào tuổi thiếu niên là đối tượng gặp khó khăn thứ hai vì đây là độ tuổi trẻ phát triển mạnh về tâm sinh lý và rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực. 

Mẹ đọc sách cùng bé
Nếu con bạn đang còn quá nhỏ, bạn cần đặc biệt lưu ý đến trẻ. Ảnh Internet 

9. Đừng “người lớn hóa” con bạn

Mặc dù bản thân bạn cũng cảm thấy khó khăn và cần chỗ dựa sau ly hôn nhưng hãy chống lại cám dỗ về việc kéo trẻ vào những rắc rối về tài chính, các mối quan hệ hay các vấn đề người lớn khác nếu có. Vì chúng sẽ khiến trẻ lo lắng và cảm thấy như chính trẻ phải chăm sóc bạn.

10. Hãy đừng làm trẻ lớn bị quá tải

Bạn hãy cố gắng đừng đặt quá nhiều trách nhiệm lên vai trẻ lớn về việc chăm sóc em của chúng. Một số việc có thể phù hợp với trẻ nhưng quá nhiều trách nhiệm sẽ khiến con đánh mất tuổi thơ của mình. 

Hai chị em
Bạn cần tránh làm cho trẻ lớn bị cảm thấy quá tải. Ảnh Internet 

11. Hãy đừng ngại yêu cầu sự giúp đỡ

Bạn hãy liên lạc với gia đình, bạn bè và các hội nhóm tại địa phương để được trợ giúp về vấn đề vận chuyển (nếu bạn chuyển nhà), chăm sóc trẻ và làm công việc nhà. Điều này cũng sẽ giúp giảm bớt một số gánh nặng cho trẻ lớn.

12. Hãy hòa giải ngay từ đầu

Có nhiều bằng chứng chứng minh rằng việc hòa giải tạo ra sự hài lòng hơn với quá trình ly hôn, với kết quả ly hôn, mối quan hệ với người phối ngẫu tốt hơn sau ly hôn và quan trọng nhất là nhu cầu của con cái được đáp ứng. 

Bố mẹ hòa giải
Việc hòa giải của bố mẹ làm cho tình trạng của trẻ trở nên tốt hơn. Ảnh Internet 

Nuôi con một mình sau ly hôn chắc chắn là một việc cực kì khó khăn, đặc biệt là khoảng thời gian hai năm đầu tiên. Sau tất cả những thỏa thuận và quyết định về nuôi & chăm sóc con, phân chia tài sản, hỗ trợ nuôi con & duy trì các mối quan hệ như thế nào sau ly hôn, bạn có thể đã sẵn sàng để tiếp tục cuộc sống của mình. Và phần khó nhất là làm sao để những đứa trẻ của bạn thích nghi được cuộc sống mới với càng ít va chạm và tổn thương càng tốt.

Bạn hãy lưu ý rằng những quyết định mà bạn và đối tác đưa ra bây giờ về việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ sẽ có tác động sâu rộng, thường xuyên và suốt đời đối với chúng. Thái độ của bạn là yếu tố quan trọng quyết định gia đình bạn sẽ vượt qua khoảng thời gian khó khăn sau ly hôn như thế nào. Do vậy hãy cố gắng giữ tinh thần hài hước và tiếp cận trải nghiệm mới với một tâm trí cởi mở, vì việc này sẽ giúp bạn cũng như trẻ giảm bớt căng thẳng và có thể đối diện với cuộc sống một cách tích cực hơn, lạc quan hơn.

Theo Liaise Divorce Solutions & Parents

Lily Nguyễn tổng hợp

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI