Cá chép đưa ông Táo về trời
Theo tín ngưỡng dân gian, mỗi gia đình đều có 3 vị Thần trông coi bếp thường gọi là Táo quân. Trong đó có 2 ông Táo và một bà Táo. Bổn phận của họ là trông coi bếp lửa của mỗi gia đình. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép về trời để trình tấu những chuyện đã xảy ra dưới hạ giới trong suốt năm qua. Trong 7 ngày, tức đến đêm giao thừa, các Táo sẽ trở lại hạ giới để tiếp tục bổn phận của mình.
1. Dán giấy đỏ trừ tà khí
Một số gia đình chọn cách dán giấy đỏ hoặc hình vẽ ông Táo trên tủ bếp trong 7 ngày chờ Táo về
Xưa kia, trong suốt 7 ngày Táo quân đi vắng, nhà nhà đều dựng cây nêu để xua trừ ma quỷ. Tuy nhiên, theo thời gian và sự biến đổi của xã hội, tục này đến nay chỉ còn trong trí nhớ của người dân Việt. Thay vào đó, một số gia đình chọn cách dán giấy đỏ hoặc hình vẽ ông Táo trên tủ bếp. Việc làm này phần vì ý niệm xua trừ tà khí, phần có ý chào đón các Táo trở về phòng khi chủ nhà quá bận vào đêm giao thừa.
2. Dọn dẹp nhà cửa đón năng lượng mới
Cuối năm dọn dẹp cửa nhà là cách để loại trừ năng lượng cũ và khí xấu để đón nguồn năng lượng mới và sinh khí mới
Sau khi chu tất mọi việc trong bếp, cả nhà sẽ bắt đầu xúm nhau vào dọn dẹp và lau chùi nhà cửa. Đây không chỉ là việc vệ sinh thông thường mà còn mang nặng ý nghĩa tâm linh. Người xưa tin rằng cuối năm dọn dẹp cửa nhà là cách để loại trừ năng lượng cũ và khí xấu để đón nguồn năng lượng mới và sinh khí mới. Trong các khâu dọn dẹp, người nhà sẽ đặc biệt chú ý lau dọn các vật phẩm phong thủy từ tam vị Phúc, Lộc, Thọ cho đến các con Tỳ Hưu, Thiềm Thừ hay đá quý.
3. Làm tiệc tất niên trong gia đình
Ngày tất niên được chọn lấy một ngày bất kỳ trong 7 ngày nhà vắng các Táo. Vào đúng 11 giờ trưa ngày chọn làm lễ tất niên, gia chủ sẽ đốt nến trước tam vị Phúc, Lộc, Thọ hoặc nếu nhà thờ ông Địa sẽ thắp hương trước bàn thờ để làm lễ. Nghi thức này có ý nghĩa cầu mong vạn sự tốt lành và như ý trong năm mới.
Trong bữa cơm tất niên, từ người lớn đến trẻ nhỏ trong nhà đều ăn mặc chỉn chu, trang trọng
Theo lệ, bữa tất niên đòi hỏi các thành viên trong gia đình tề tựu đủ đầy, không vắng mặt một ai. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh hiện tại, nhiều người không thể về bên gia đình trong mâm cơm họp mặt cuối năm này. Nhưng ít nhất họ sẽ được báo ngày làm lễ và hướng về gia đình.
Xưa, trong bữa cơm tất niên, từ người lớn đến trẻ nhỏ trong nhà đều ăn mặc chỉn chu, trang trọng. Nếu là phụ nữ phải đeo cả trang sức lộng lẫy và luôn tươi cười để như một điềm may lại đến với cả nhà trong năm mới.
4. Nhận lộc đêm giao thừa
Hái lộc đêm giao thừa để cầu bình an trong năm mới
Thời khắc giao thừa được xem là giờ linh thiêng của đất trời. Hoa mai, hoa cúc, hoa đào… trồng trong nhà nếu nở đúng vào thời điểm này cũng được xem là một điềm may mắn lớn cho gia chủ trong năm mới. Để đón lộc may, các gia đình phải mở cửa chính trước khi thời khắc giao thừa điểm và bật toàn bộ đèn để căn nhà ngập tràn sức sống mới.
Khi thời khắc giao thừa đến, con cái sẽ chúc bố mẹ những lời chúc tốt đẹp và cùng nhau lên chùa hái lộc đầu năm.
Ở nhiều nơi, những ai làm ăn đều chọn đêm Giao thừa để xuất hành với mong ước mọi chuyện sẽ gặp nhiều thuận lợi trong năm mới.
Yeutre.vn (Tổng hợp)