Những bí quyết giúp mẹ tập cho bé ngồi vững vàng

Trong giai đoạn đầu đời của bé, niềm thích thú nhất đối với bố mẹ đó chính là được chứng kiến những lần đầu tiên của bé. Và ngày bé biết ngồi cũng là một trong những bước ngoặc nhỏ mà bấy lâu bạn vẫn luôn mong đợi.

banner ads

16868-tap-ngoi-1.jpg

Một đứa trẻ khi đã được 6-8 tháng tuổi sẽ bắt đầu tập ngồi.

Thông thường, một đứa trẻ khi đã được 6-8 tháng tuổi sẽ bắt đầu tập ngồi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con số chung chung và vẫn luôn có những trường hợp bé biết ngồi sớm hơn hoặc trễ hơn mốc thời gian này.

Mỗi mốc phát triển của trẻ đều theo thứ tự nhất định. Ngay khi cổ của bé đã cứng cáp, có khả năng nâng đỡ được khối lượng của đầu và đã lật thành thạo, bé sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn học ngồi. Tuy mỗi đứa trẻ sẽ có những bước phát triển riêng nhưng nếu được tập bé sẽ biết ngồi vững hơn.

1. Bồi dưỡng sức mạnh các cơ

Để nâng cơ thể ngồi vững, bé cần phải huy động đến toàn bộ các cơ quan trọng: cơ vùng lưng, cơ hai bên sườn, cơ bụng và cơ đùi. Để những cơ này có thể đảm đương nhiệm vụ của mình, bạn cần giúp bé rèn luyện cùng lúc tất cả. Hãy giữ bé ngồi trên một quả bóng phòng tập loại vừa và từ từ lăn bóng về phía trước khoảng 10cm. Cứ thế bạn tiếp tục lăn về sau và hai bên trái phải. Chính vì phải luôn giữ toàn thân được thăng bằng trên một mặt phẳng nghiêng nên bé sẽ tự điều khiển cho lưng mình được thẳng và ngả về phía sau. Sau khi làm quen với bài tập này ít lâu, các cơ của bé sẽ sẵn sàng để nâng bé ngồi vững hơn.

2. Tập ngồi từ tư thế bò

16872-tap-ngoi-5.jpg

Từ tư thế bò, bé sẽ từ từ tập ngồi.

Đặt bé nằm sấp và giúp bé chống hai tay lên để chuyển sang tư thế bò quỳ gối. Từ tư thế này, từ từ đưa hai tay bé về phía đầu gối và lần lượt đưa từng chân về tư thế ngồi. Lưu ý dùng một tay để đỡ bụng bé phòng trường hợp ngã. Để bé được thành thạo, mỗi ngày, hãy chọn cho bé ba thời điểm thích hợp trong ngày để lặp lại bài tập này. Mỗi lần có thể lặp lại từ 5-6 lần như vậy. Điều quan trọng của bài tập này là giúp bé có thể đặt chân ngồi bằng cách nghiêng người sang một bên và nghiêng tiếp tục về phía bên kia trong lúc từ từ đưa hai tay về đầu gối. Sau mỗi 2 phút ngồi từ tư thế này, hãy bắt đầu lại từ đầu. Lặp lại từ 2-3 lần mỗi ngày.

3. Nương theo thế ngồi của mẹ

16870-tap-ngoi-3.jpg

Khi ngồi trên người bạn, bé sẽ giữ được thăng bằng bằng chính sự vận động tự thân.

Với chức năng bảo vệ của mình, hiện nay, các loại ghế ngồi dành cho trẻ sơ sinh đã khiến các bé “sinh lười” vì chẳng cần phải nỗ lực quá nhiều vẫn có thể ngồi được. Chính vì vậy, các cơ không có điều kiện rèn luyện để có thể đảm nhiệm chức năng của mình. Kết quả là các bé sẽ biết ngồi chậm hơn và khó có được kỹ năng giữ thăng bằng cơ thể. Nhưng bạn thì khác, bạn có thể giúp bé ngồi vững một cách thông minh hơn. Khi ngồi trên người bạn, bé sẽ giữ được thăng bằng bằng chính sự vận động tự thân và nếu chẳng may bé chao đảo đã có mẹ luôn ở bên phải không nào?

4. Để bé tự ngồi một mình

16871-t.jpg

Khi không có ai đỡ bé dậy, bé sẽ phải tự mình sử dụng các cơ để có thể ngồi vững mà không bị ngã.

Hãy đặt bé ở tư thế ngồi và dằn xung quanh những chiếc gối hoặc những chú gấu bông. Khi không có ai đỡ bé dậy, bé sẽ phải tự mình sử dụng các cơ để có thể ngồi vững mà không bị ngã. Đây là một phản xạ tự vệ rất bản năng mà bất cứ bé nào cũng có. Tất nhiên, khi cho bé ngồi, bạn vẫn phải luôn để mắt đến để đỡ ngay khi bé ngã. Từ những kinh nghiệm có được sau những lần ngã như vậy, bé sẽ biết mình phải bắt đầu từ đâu.

5. Kích thích vận động bằng đồ chơi

16869-tap-ngoi-2.jpg

Đồ chơi sẽ kích thích bé tập ngồi.

Nếu bé đã biết trườn, hãy dùng món đồ chơi bé yêu thích để kích thích bé rướn người, ưỡn ra sau. Từ tư thế này bé sẽ dần học được cách chuyển vị trí các chân và tay để đón lấy món đồ chơi bé muốn một cách rất tự nhiên. Bài tập này có thể được áp dụng cho mọi giai đoạn từ tập lẫy, tập bò, đến tập đứng, tập đi. Điều cần nhớ với bài tập này là hãy cho bé được nghỉ ngơi và chơi đồ chơi mình yêu thích khi bé đã bắt đầu "cáu". Dù sao đây cũng là một bài tập và sự nóng vội bao giờ cũng sẽ phản tác dụng.

Với 5 bài tập ngồi cơ bản và phổ biến này, hy vọng bé nhà bạn sẽ sớm biết ngồi để có thể “hóng hớt” chuyện cùng mẹ trong tất cả những sinh hoạt thường ngày!

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI