Nhiều trẻ bị liệt tay nhưng bố mẹ không phát hiện

Thấy con trai ít cử động tay phải, đưa bé đi khám, chị Trần Hoa tá hỏa khi bác sĩ cho biết bé bị liệt do tổn thương thần kinh hoạt động tay.

banner ads

Người mẹ trẻ nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong thời gian mang thai, chị siêu âm thai kỳ đầy đủ và bé không bị phát hiện dị tật bất thường nào. "Con tôi chào đời với cơ thể lành lặn. Mãi đến khi cháu 18 tháng tôi mới phát hiện tay phải của cháu gần như bất động".

Phát hoảng, đưa con đi khám, người mẹ nhận được kết quả chẩn đoán cho thấy bé bị đứt đám rối thần kinh chỉ huy hoạt động của tay. Nguyên nhân được phỏng đoán do sự chèn ép lúc bé chào đời. Việc phẫu thuật điều trị được tiến hành nhưng khả năng phục hồi chức ăn là không cao.

40507-liet-day-than-kinh-8378-1450944203.jpg

Phát hiện muộn dễ khiến trẻ bị tật cả đời. Ảnh: Thiên Chương

Một trường hợp khác ở Gia Lai, bé trai được bố mẹ phát hiện tay cử động yếu khi cháu đã 26 tháng. Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) trong tình trạng liệt yếu vai và tay trái. Kết quả kiểm tra cho thấy đám rối thần kinh của tay bị đứt nghiêm trọng. Do nhập viện quá muộn nên các bác sĩ chỉ có thể ghép thần kinh vùng vai để cánh tay linh động hơn chứ không thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Theo bác sĩ Lê Hữu Khánh trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận từ 5-6 trường hợp tương tự và điều đáng tiếc là nhiều trẻ đến muộn phải chịu cảnh yếu liệt cánh tay suốt đời.

Còn theo bác sĩ Đặng Khải Minh, người trực tiếp phẫu thuật các trường hợp liệt cánh tay do tổn thương đám rối thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, nguyên nhân tổn thương đám rối thần kinh cánh tay khiến tay trẻ sơ sinh bị liệt do sự chèn ép hay kéo dãn vùng vai và cánh tay trong lúc sinh.

Tỷ lệ trẻ bị tật chiếm 1-5 bé trên 1.000 em ra đời còn sống, thường gặp ở những cháu được sinh thường, nặng cân mà khung chậu của sản phụ nhỏ. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sự yếu liệt một phần hay cả cánh tay ở bên có thần kinh bị tổn thương.

"Đa số trường hợp sẽ tự phục hồi sau một thời gian, tuy nhiên có những trường hợp không thể phục hồi và bệnh nhân sẽ bị liệt suốt đời nếu không được điều trị sớm. Trên thực tế, không ít trẻ chấp nhận yếu liệt tay suốt đời do nhập viện quá trễ so với thời gian vàng để có thể chữa lành là 12 tháng tuổi”, bác sĩ Minh nói.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cùng với các chuyên gia phẫu thuật bàn tay và chi trên thuộc Viện Bàn tay của Paris (Pháp), các bác sĩ đã phẫu thuật điều trị thành công cho khoảng 100 trường hợp. Tuy nhiên những trường hợp nhập viện muộn, kết quả thường không cao, chính vì thế, các bác sĩ vẫn khuyên phụ huynh cẩn trọng để phát hiện bệnh càng sớm càng tốt.

Để sớm phát hiện, bác sĩ Minh khuyên phụ huynh nên kiểm tra phản ứng của tay bé ngay sau sinh. Cách thử đơn giản nhất là cầm cánh tay bé kéo giơ lên, nếu thấy cánh tay rơi xuống không kiểm soát hoặc không có hiện tượng gồng kéo thì phải báo bác sĩ. Một cách khác, bố mẹ cho thể thử phản ứng cầm nắm để biết tay của bé có hoạt động hay không.

"Trẻ sinh thường và sinh khó, trẻ sinh nặng cân phải kéo hút khi sinh là đối tượng cần phải được theo dõi kỹ các phản ứng của tay", bác sĩ Minh khuyến cáo.

Theo ngoisao

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI