Nhiều người nhờ mang thai hộ vì ngại đẻ

Không muốn mang thai vì sợ ảnh hưởng sắc đẹp, vóc dáng, mất cơ hội thăng tiến sự nghiệp nên nhiều phụ nữ xin bệnh viện tư vấn mang thai hộ.

banner ads

Nhiều người dân đang ngộ nhận về quy định mang thai hộ, theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Phát biểu tại hội thảo phổ biến nghị định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ, ngày 31/3, bác sĩ Tuyết nói rằng vì ngộ nhận nên không ít người dân liên hệ với bệnh viện nhờ tư vấn mang thai hộ, kể cả sợ sinh nở. "Những trường hợp nhờ tư vấn mang thai hộ do ngại sinh nở khiến bác sĩ trả lời mất nhiều thời gian", bà Tuyết cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhấn mạnh không phải trường hợp nào không muốn mang thai đều có thể tìm người mang thai hộ, mà phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ được thực hiện khi có xác nhận của tổ chức y tế về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

"Việc mang thai hộ phải xuất phát từ những chỉ định y khoa vì mục đích nhân đạo", tiến sĩ Quang nhấn mạnh. Những trường hợp được chỉ định bao gồm phụ nữ không có tử cung hoặc dị dạng tử cung bẩm sinh không thể mang thai hay bị cắt tử cung. Phụ nữ mắc các bệnh mà việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi như suy tim, suy gan. Người sảy thai nhiều lần, tử cung không thể giữ thai đến đủ tháng và thất bại nhiều lần với kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

15717-mang-thai-ho-8446-1427795414.jpg

Các chuyên viên phôi học thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: Lê Phương .

Luật cũng quy định vợ chồng chỉ được nhờ mang thai hộ khi không có con chung. Tiến sĩ Tuyết trăn trở, có đôi vợ chồng gọi điện đến bệnh viện chia sẻ họ có một con chung nhưng con bị hội chứng Down, sau khi sinh thì người vợ bị băng huyết bắt buộc phải cắt tử cung. Bây giờ nếu muốn có con thêm chỉ có con đường duy nhất mang thai hộ. "Trường hợp này nếu theo luật thì không giải quyết nhưng xét về mặt nhân bản thì có thể có cân nhắc ngoại lệ được hay không", bà Tuyết đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Bộ tư pháp, nhìn nhận đây là vấn đề được các nhà làm luật cân nhắc rất nhiều. Nếu quy định cho phép mang thai hộ ở những cặp vợ chồng chưa sinh được con bình thường thì đứa bé bị dị tật sẽ ngay lập tức sẽ được hiểu là không bình thường.

"Bố mẹ sinh con dù thế nào cũng là con, không thể vì đứa bé dị tật mà không được yêu thương như những đứa trẻ bình thường khác. Khi đã rơi vào hoàn cảnh bất hạnh, đứa bé cần phải được bảo vệ nhiều hơn, được hưởng các chế độ an sinh xã hội", ông Hải nhấn mạnh.

Luật quy định người mang thai hộ phải là thân thích, cùng hàng với vợ hoặc chồng, đã có con, được xác nhận đủ điều kiện của tổ chức y tế và chỉ được mang thai hộ một lần. Theo đại diện Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (TP HCM), nếu người mang thai hộ thực hiện xong ở cơ sở này sang cơ sở khác để thực hiện thì khó thể quản lý.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang cho biết các bệnh viện thực hiện mang thai hộ phải có hồ sơ báo cáo lên Bộ Y tế. Từ đó Bộ sẽ có danh sách quản lý chung để tránh tình trạng một người mang thai hộ nhiều lần tại nhiều cơ sở khác nhau. Hiện chính phủ đang xây dựng mã số định danh cho công dân. Một khi có mã số, các thông tin mang thai hộ của cá nhân sẽ được cập nhật và các cơ sở y tế có thể quản lý dựa vào đó.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện cả nước có 3 cơ sở đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, bao gồm bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phụ sản Trung ương Huế và Phụ sản Từ Dũ TP HCM.

Tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện những bước chuẩn bị để khi hoàn chỉnh quy trình, có thông tư hướng dẫn thì có thể đưa vào đời sống thực tiễn. Bệnh viện đã thành lập hội đồng khoa học kỹ thuật, thông qua những quy định cụ thể, thiết lập những quy trình cơ bản làm cơ sở cho các bác sĩ hiếm muộn sàng lọc trường hợp mang thai hộ và có thể tư vấn cho bệnh nhân.

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI