Bệnh nhi tay chân miệng. Ảnh tư liệu TT.
Bác sĩ Hà Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết cụ thể có 15 trường hợp bệnh nhi tay chân miệng nặng (5 bé ở Cần Thơ, 6 bé ở Hậu Giang và 4 bé đến từ các tỉnh lân cận).
Điều đáng lo ngại là các em nhập viện đều trong tình trạng bệnh rất nặng, 10/15 em phải dùng Immunoglobulin (Gammaglobulin), 2 em có huyết áp cao phải dùng đến Milrinon và 5 em có rối loạn nhịp thở phải thở máy.
Đặc biệt, có một bé mắc bệnh tay chân miệng và sởi cùng lúc, rất phức tạp trong chẩn đoán nhưng do được điều trị tích cực nên đã ổn định sức khỏe.
Theo bác sĩ Tuấn, mặc dù trong hoàn cảnh bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp nhưng đa số các cháu được đưa vào bệnh viện trễ (bệnh ở giai đoạn 3).
Ban đầu các bé mắc bệnh, có trường hợp phụ huynh nghĩ là viêm hô hấp thông thường nên không theo dõi chặt diễn biến bệnh.
Bệnh nhi Dương Lý Thiên H. (25 tháng, ở Q.Ninh Kiều, Cần Thơ) trong lúc đang chơi đùa thì yếu chân không đi được và ngã, ngay sau đó bé co giật toàn thân, ngưng thở, gia đình đưa đến một bệnh viện tư nhân.
Tại đây, bé được đặt nội khí quản và bóp bóng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng độ III.
Sau ba ngày thở máy và điều trị tích cực với Gammaglobulin, Dobutamine hiện bé đã hồi phục. Gia đình cho biết bé đã bị sốt và có triệu chứng cảm, sổ mũi ba ngày trước nhưng gia đình chủ quan nghĩ bé bệnh thông thường nên không đưa đến bệnh viện.
* Tuần qua, từ ngày 6 đến 12-10, có bốn trường hợp bệnh nhi sốt xuất huyết nặng nhập viện Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang. Các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bị sốc nặng.
Bà con cần cảnh giác vừa phòng bệnh vừa theo dõi các cháu tại nhà khi mắc bệnh. Thời điểm nguy hiểm nhất là khi trẻ hết sốt, thường từ ngày thứ ba đến hết ngày thứ sáu của bệnh, trẻ có thể trở nặng và sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Các dấu hiệu trở nặng của bệnh như: nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu.
Trẻ hết sốt nếu có một trong các dấu hiệu trên phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Theo TTO