Hoàng đế La Mã Caesar (phải) và Giáo Hoàng Gregory XIII (trái). Ảnh: Dennis Simanaitis
Theo Live Science, Caesar đã nghe theo lời khuyên của nhà thiên văn Sosigenes, học được từ Ai Cập rằng các năm Mặt Trời chính xác có 365,25 ngày. Do đó cứ mỗi 4 năm lại có một năm nhuận, thêm một ngày.
Lịch Julian mới này đã được sử dụng trong suốt Đế chế La Mã và các nhà thờ Kitô giáo khác nhau. Tuy nhiên, khi đó, tháng hai là tháng cuối cùng trong năm.
Ban đầu, để có được một sự chuyển đổi thích hợp từ lịch La Mã (có 355 ngày, về cơ bản giống âm lịch) sang lịch Julian, chuyển các tháng và các ngày lễ về các mùa bình thường trước đây, 90 ngày đã được thêm vào năm 46 trước Công Nguyên. Caesar đã chia 90 ngày đó làm 3 tháng tạm thời. Một tháng được đưa vào giữa tháng 2 và tháng 3, hai tháng còn lại (Nhuận trước và nhuận sau) được thêm vào sau tháng 11. Kết quả là năm đó có 15 tháng – 445 ngày và được gọi là "Năm lộn xộn" (Annus Confusionus).
Caesar thậm chí còn lấy tên mình (Julius) đặt lại cho tháng thứ 5, July (trước đó tháng này tên là Quintilis).
Lịch Julian đã được rất nhiều nước sử dụng sau đó. Tuy nhiên, nó có một sự sai lệch 0,0078 ngày (khoảng 11 phút 14 giây) dài hơn so với thời gian một năm Mặt Trời. Để điều chỉnh, cứ mỗi 128 năm, dương lịch phải lùi lại 1 ngày. Điều này đã làm cho phương pháp tính ngày lễ Phục Sinh không chính xác.
Kết quả là, vào năm 1582, do quá nhiều sự bù trừ tạo ra nhiều năm nhuận, lịch Julian đã lệch so với năm Mặt Trời 10 ngày. Đây là thời điểm đức Giáo hoàng Gregory XIII, với sự tư vấn của nhà toán học và thiên văn học Christopher Clavius, đã tạo ra lịch Gregorian dùng tới ngày nay.
Đầu tiên, để bắt kịp đúng thời gian một năm Mặt Trời, 10 ngày kể từ sau ngày thứ Năm, 4/10/1582 đã được loại bỏ. Ngày tiếp sau hôm đó được tính là thứ Sáu, 15/10/1582. Sắc lệnh này đã làm cho nhiều người cảm thấy họ bị mất 10 ngày trong cuộc đời. Đã những cuộc bạo động trên khắp các đường phố khắp châu Âu, các công nhân đòi lương của mình trong 10 ngày không làm việc đó. Rất may là sau đó mọi việc đều lắng xuống.
Tiếp theo, để bám theo chặt chẽ hơn thời gian một năm Mặt Trời, các "năm thế kỷ" (năm chuyển giữa hai thế kỷ) đã được tính không phải năm nhuận, dù chúng là các năm nhuận nếu theo lịch Julian cũ. Chỉ có ngoại lệ đó là các năm thế kỷ chia hết cho 400, như năm 2000. Các năm 1700, 1800, 1900 đều không được tính là năm nhuận.
Tuy nhiên, một số nơi không theo lịch Gregorian cho tới mãi về sau. Các thuộc địa của Mỹ cho tới năm 1752 mới bắt đầu tính thời gian theo lịch này. Hiện nay, ngày sinh của Washington được tính là ngày 22/2. Nhưng tổng thống Mỹ đầu tiên sinh năm 1732. Do đó, ngày sinh của ông theo lịch cũ là 11/2/1732.
Nga tới năm 1918 mới chấp thuận lịch mới, Hy Lạp thậm chí tới tận 1923.
Lịch Gregorian ưu việt hơn lịch Julian rất nhiều. Trong một năm chỉ nhanh hơn chu kỳ Trái Đất quay quanh Mặt Trời 26 giây, tức là phải tới năm 5300 mới cần loại bỏ một ngày thừa ra.
Theo VNE