Chị Xuân (P12, Gò Vấp, Tp.HCM) có con bị câm điếc chia sẻ: Bé Thu - con chị - lúc mới sinh và những tháng đầu sau sinh ngủ rất ngon. Trong nhà ai làm gì ồn ào đến mức nào cũng không làm bé giật mình thức giấc. Khi ấy cả nhà ai cũng khen cháu ngủ tốt.
Ở giai đoạn một tuổi hơn, bé Thu vẫn không thể ê a bập bẹ như những đứa trẻ khác nhưng gia đình lại nghĩ do bé chậm nói nên không để ý. Mãi đến khi bé lên 3, đi nhà trẻ vẫn không thấy bé phản ứng gì với âm thanh và cũng không thể mở miệng nói những từ đơn giản như ba, mẹ thì cả nhà mới tá hỏa đưa con đi khám.
Bác sĩ kết luận bé bị câm điếc bẩm sinh. Chị Xuân còn tiếc nuối hơn nữa khi bác sĩ chia sẻ rằng nếu phát hiện sớm trước 1 tuổi, con chị đã có thể được điều trị tốt.
Thế nào là câm điếc?
Điếc sớm sẽ dẫn đến câm. Một khi điếc bẩm sinh, trẻ không thể tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh từ môi trường bên ngoài và từ đó dẫn đến câm.
Nguyên nhân của câm điếc
Nguyên nhân của điếc bẩm sinh là do di truyền hoặc do trẻ bị tổn thương cơ quan thính giác ngay từ lúc còn là bào thai, khiến vừa sinh ra đã bị giảm thính lực.
Câm điếc do di truyền
Người có gen lặn ở thể đồng hợp tử lấy người mang gen lặn thì con sinh ra sẽ bị câm điếc.
Ở Mỹ, các nhà di truyền học đã tìm thấy gen PDS gây điếc bẩm sinh. Gen này nằm trên nhiễm sắc thể thường, di truyền do gen trội hay gen lặn đều có thể dẫn đến điếc.
Theo đó, bố hoặc mẹ mang gen trội hoặc gen lặn câm điếc có thể con mắc câm điếc bẩm sinh.
- Người có gen di truyền câm điếc là gen lặn dị hợp tử lập gia đình với người bình thường thì con sinh ra sẽ bình thường. Đứa trẻ này tuy không điếc nhưng mang gen lặn ở thể dị hợp tử.
- Nếu gen lặn ở thể dị hợp tử này đều có ở hai vợ chồng thì con sinh ra có trẻ bị, có thể không bị.
- Nếu một người có gen lặn ở thể đồng hợp tử kết hôn với người mang gen lặn thì con sinh ra sẽ bị câm điếc.
- Con cháu của người câm điếc do mắc phải (tức không do gen di truyền) lấy người bình thường hoặc người mang gen lặn dị hợp tử thì con không bị câm điếc.
Câm điếc do mắc phải
Khi người mẹ mang thai dùng thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid như: streptomycin, kanamycin, dihydrostreptomycin, neomycin,... có thể gây nhiễm độc với ốc tai (ống màng cuộn xoắn nằm ở tai trong có liên quan với việc tiếp nhận âm thanh), hoặc do tai biến khi sinh đẻ...
Phát hiện điếc từ lúc trẻ 1 tuổi giúp điều trị hiệu quả hơn
Việc phát hiện sớm điếc bẩm sinh rất có ý nghĩa trong việc điều trị.
Bác sĩ Lê Trần Quang Minh - phó giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM - cho biết việc phát hiện sớm điếc bẩm sinh rất có ý nghĩa trong việc điều trị.
Do đó, bản thân cha mẹ và người thân phải là người giúp bé phát hiện sớm những dấu hiệu đặt trưng nhất của bệnh khi bé dưới 1 tuổi.
Sau sinh 2 - 3 ngày, người thân tiến hành kiểm tra thính giác của trẻ bằng các dụng cụ âm thanh có sẵn từ các vật dụng nhà bếp hoặc đồ chơi phát ra tiếng động. Nếu nghe bình thường trẻ sẽ giật mình phản xạ chớp mắt, hoặc cử động tay chân...
Với trẻ từ vài tháng đến 1 tuổi, nếu nghe bình thường trẻ đã biết chú ý, nhìn, quay đầu khi ai đó gọi tên mình, thậm chí đáp lại bằng tiếng ê a gì đó. Nếu tiếng động phát ra từ các đồ chơi hoặc khi nghe các âm thanh quá to khi đang ngủ, trẻ sẽ giật mình, thức giấc và khóc.
Nếu phát hiện trẻ không có các phản xạ nghe, nói nêu trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng.
Phương pháp điều trị trẻ điếc bẩm sinh
Hiện nay, trẻ đươc 1 tuổi đã được điều trị điếc bẩm sinh bằng phương pháp phục hồi chức năng nghe và huấn luyện nghe, nói.
Với trẻ điếc nhẹ, có thể tập cho nghe tiếng nói to và đọc môi để bắt chước nói theo.
Với trẻ bị điếc trung bình và trung bình - nặng, sẽ được chỉ định đeo máy trợ thính.
Với trẻ bị điếc nặng hay điếc đặc sẽ thực hiện cấy điện cực ốc tai đơn kênh hoặc đa kênh (trước 2 tuổi là tốt nhất) và luyện tập cho trẻ nghe và nói. Qua cách điều trị tích cực này, trẻ sẽ có khả năng giao tiếp và đi học được.
Cha mẹ cần biết để trắc nghiệm chứng câm điếc ở con
5 tháng tuổi, trẻ đã biết quay đầu về phía có tiếng động.
6 tháng tuổi, trẻ có thể bập bẹ muốn nói.
7-9 tháng, trẻ cầm được vật gì đều có thể đập vào nhau để phát ra tiếng động và rất thích các đồ chơi có tiếng động như quả lắc, chuông, trống... Biết phát âm 2 tiếng đơn giản (bà bà, má má...), biết vỗ tay hoan hô.
10-12 tháng, trẻ hiểu được lời nói đơn giản, phát được 2 âm khó hơn (bố ơi, mẹ đâu?...), nhắc lại được những câu người lớn dạy (tất nhiên phát âm không rõ).
18 tháng tuổi, trẻ nói được câu ngắn, ban ngày biết gọi đi tiểu tiện. Trẻ 24 tháng nói một số câu dài và nói nhiều, có thể hát được bài hát ngắn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)