Muốn phá thai phải chứng minh bị cưỡng hiếp

Dự thảo luật Dân số đề xuất một trong những trường hợp được phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên là do bị hiếp dâm, đang gây nhiều tranh cãi.

banner ads

Dự thảo luật Dân số đang được lấy ý kiến góp ý, trong đó đề xuất quy định phá thai có điều kiện nhằm hạn chế tình trạng phá thai dễ dàng và lựa chọn giới tính thai nhi. Cụ thể dự thảo đưa ra 2 phương án liên quan đến việc phá thai. Thứ nhất, giữ nguyên như quy định hiện nay là phá thai theo nguyện vọng trừ trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thứ hai là phá thai trên 12 tuần tuổi với điều kiện là không vì mục đích lựa chọn giới tính thai nhi, do loạn luân, hiếp dâm. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là ai chứng minh, làm thế nào để chứng minh có bầu do loạn luân hay bị cưỡng bức…

37224-phathai11-9362-1446568458.jpg

Ảnh minh họa: Exp

Đồng ý với việc siết chặt điều kiện nạo phá thai, tuy nhiên giáo sư Nguyễn Đình Cử ở Viện Dân số, Gia đình và trẻ em cho rằng việc chứng minh phá thai do loạn luân hay hiếp dâm không hề dễ dàng, sẽ mất nhiều thời gian, khi thủ tục xong thì thai có thể đã quá lớn.

“Ai là người sẽ chứng minh, bản thân người phá thai tự khai thì có đảm bảo độ tin cậy? Rất khó cho cơ quan quản lý khi xác định họ phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính hay không”, giáo sư Cử nói.

Theo ông đây là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ, "một thủ tục nhạy cảm" làm khó người dân và cả cơ quan thực hiện. Giáo sư Cử chia sẻ: "Cần phải hiểu những trường hợp buộc phải phá thai là khi người phụ nữ đã tới bước đường cùng, không còn lựa chọn".

Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung cho rằng quy định điều kiện phá thai như dự thảo đề xuất rất khó khả thi. Nếu bác sĩ thực hiện nghiêm quy định thì sẽ không đồng ý phá thai cho chị em không đáp ứng điều kiện; song trên thực tế nhiều tình huống xảy ra gây khó cho người làm thủ thuật. Ví dụ bác sĩ từ chối phá thai, bệnh nhân trả lời: “Bác sĩ không cho phá thai thì em chỉ còn cách tự tử”. Trong tình huống này, bác sĩ đành phải thực hiện thủ thuật và có thể ghi chỉ định là do thai phụ có dấu hiệu ra máu.

“Vấn đề hiếp dâm, loạn luân rất nhạy cảm, công khai rất khó thì nói gì đến chuyện chứng minh. Hơn nữa trong những trường hợp này việc phá thai là nhân đạo, cần tránh gây phiên hà về thủ tục, ảnh hưởng tâm lý người bị hại”, bác sĩ Dung nói.

Luật hiện hành quy định tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền đưa ra kết luận có bị hiếp dâm hay không. Quy trình này mất khá nhiều thời gian, có thể kéo dài vài tháng, thậm chí hàng năm. Các chuyên gia cho rằng, điểm mấu chốt ở đây là cần thay đổi hành vi, thái độ của người dân để không phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi, vì "nhỡ"… Hơn nữa nếu quy định điều kiện phá thai như dự thảo, vô tình có thể đẩy chị em đến dịch vụ phá thai chui, không an toàn còn nguy hiểm hơn.

Theo thạc sĩ Hoàng Thị Bằng, chuyên gia của Tổ chức Y tế giới (WHO) tại Việt Nam, nghiên cứu của WHO cho thấy các quy định nghiêm ngặt về luật pháp sẽ dẫn đến việc nhiều phụ nữ tìm kiếm dịch vụ ở nơi khác hoặc từ những người cung cấp dịch vụ kém chất lượng, hay tự gây sảy thai bằng các phương pháp kém an toàn.

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI