Mạng xã hội luôn có hai mặt của nó
Sau đó, trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) cũng đưa ra những điều cần lưu ý khi lên Facebook cho học sinh của trường với những điều tượng tự như trường THPT Lương Thế Vinh.
Những câu chuyện không hay có liên quan đến mạng xã hội - nhà trường và học sinh đã khiến nhiều trường phải đưa ra những điều lưu ý, điều “cấm kỵ” dành cho học sinh trường mình khi sử dụng Facebook.
Những câu chuyện không hay đó, có thể kể đến như học sinh dùng từ ngữ thiếu văn hóa nói về thầy cô giáo, trường lớp hoặc hẹn hò, rủ rê nhau làm việc xấu,…
Quy định của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nêu rõ học sinh tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai, không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt.
Nói về những điều “cấm kỵ” trường THPT Lương Thế Vinh đã đề ra cho học sinh, PGS. TS Văn Như Cương - chủ tịch HĐQT nhà trường cho rằng có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra bắt nguồn từ mạng xã hội, nếu như không ngăn chặn từ trước thì khó giải quyết về sau.
“Nhiều học sinh nghĩ rằng Facebook là nơi có thể nói gì thì nói nên đôi khi bất cẩn trong cách biểu lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Học sinh nên hiểu rằng từ những gì mình đăng tải trên Facebook, người khác có thể biết được trình độ và bản chất của mình nên phải hết sức cẩn thận”, ông Văn Như Cương lý giải.
PGS. TS Văn Như Cương, hiệu trưởng của trường, chia sẻ thêm rằng những điều “cấm kỵ” đưa ra cũng chỉ như một lời khuyên chứ không phải nội quy. Học sinh cần có ý thức trong mọi hành động của mình.
Nên lập các diễn đàn cho học sinh thảo luận
Nữ diễn viên Kate Winslet cấm con lên mạng xã hội - Ảnh: Getty
Bàn về việc giáo dục cho học sinh cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả, bà Ngô Thị Tuyên, phó giám đốc trung tâm Công nghệ Giáo dục và Xuất bản giáo dục Việt Nam cho rằng nếu không đưa chính thức vào chương trình học được thì nên lập các diễn đàn để học sinh thảo luận.
“Việc sử dụng mạng xã hội như thế nào là do suy nghĩ của chính người sử dụng, mình không thể quản lý, cấm đoán hay hạn chế được. Vì thế cần sự giáo dục từ ý thức của mỗi người”, bà Tuyên nói.
Bà Tuyên cũng cho rằng nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục bình đẳng, dân chủ, và thân thiện, nơi các học sinh có thể nói lên suy nghĩ của mình.
“Việc đối thoại giữa học sinh và giáo viên cần được chú trọng hơn. Nếu học sinh được giải quyết những tâm sự của mình thì sẽ không làm cái việc đăng Facebook như thế. Không nên làm cho học sinh bị cảm thấy là mình không còn cách nào khác để xử lý sự việc ngoài giải tỏa nỗi bức xúc qua mạng xã hội”, bà Tuyên nhận định.
Theo TTO