1. Mẹ bầu có thể ăn kem trong thai kỳ không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, kem được chế biến từ sữa tiệt trùng, trứng qua nấu chín, trái cây, hoặc một số loại kem thậm chí không dùng trứng. Do đó, nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella là rất thấp. Vì thế, trong thai kỳ của mình, nếu muốn dùng kem, mẹ bầu vẫn có thể dùng.
Cho đến nay, cũng không có dữ liệu cụ thể chính xác nào về việc, mẹ bầu ăn kem thì ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé trong bụng.
Vậy, dùng kem có lợi ích gì cho sức khỏe không? Hay, món kem hấp dẫn chỉ dùng để thỏa vị mà thôi? Chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu ngay sau đây nhé.
2. Kem có lợi ích gì cho mẹ bầu hay sức khỏe thai kỳ không
Nếu bạn đang hoài nghi, món kem cực kỳ được yêu thích có lợi ích nào đối với sức khỏe không, thì câu trả lời cho bạn là có. Kem cũng như các thực phẩm khác, mang lại một số lợi ích nhất định như:
- Làm dịu cơn nóng ngay lập tức : Kem là một trong những món tráng miệng, ăn vặt yêu thích của không ít người. Kem dễ thỏa vị và giúp làm dịu cơn nóng, cơn khát cực kỳ nhanh chóng. Điều này có lẽ quá hiển nhiên và chúng ta cũng không cần dẫn chứng cụ thể nào thêm để chứng minh. Chẳng phải cứ mùa hè đến, khi những cơn nắng nóng đổ ập xuống, chúng ta đều thích tìm đến những cây kem mát lạnh đó sao!
- Làm dịu cảm xúc và căng thẳng : Kem được xem là một liều thuốc đặc biệt, giúp làm dịu cảm xúc nhanh chóng và giải tỏa căng thẳng tức thời. Điều này cũng thường đề cập, trong những chủ đề bàn luận về cách giảm stress, giảm căng thẳng, hoặc làm dịu đi những cơn buồn bã của chúng ta. Và bạn cũng biết đấy, thời kỳ mang thai là thời gian nhạy cảm nhất của phụ nữ. Do hormone thai kỳ chi phối, đa phần phụ nữ mang thai đều thường trải qua nhiều cung bậc cảm xúc thất thường. Những lúc này, một số món ăn vặt hay thức uống cũng được đề xuất dùng để bà bầu có thể giải tỏa tình trạng của mình. Trong các đề xuất này, kem cũng có thể là một lựa chọn với nhiều chị em.
- Giá trị dinh dưỡng : Kem cũng có giá trị dinh dưỡng nhất định tùy theo nhãn hiệu, thành phần nguyên liệu. Ví dụ với loại kem vani phổ biến nhất được nhiều người yêu thích nhất, cứ 100gram kem cung cấp từ 115-210 đơn vị calo, 5-13gram chất béo, 2-3gram protein, 4-19gram đường. Với các loại kem trái cây lành mạnh, ít đường, ít béo thì đương nhiên lợi ích của chúng mang lại sẽ nhiều hơn loại kem vani phổ biến trên.
- Giàu canxi và phố pho : Kem cung cấp một số vitamin và khoáng chất nhất là khoáng chất điển hình có thể kể đến như canxi, phốt pho. Khoảng 65gram kem có thể cung cấp lượng canxi và phốt pho đáp ứng 6-10% lượng canxi, phốt pho hàng ngày cần cho cơ thể.
3. Điểm trừ của kem đối với sức khỏe thai kỳ
Mặc dù có những lợi ích nhất định, song đi kèm theo, kem cũng có các điểm trừ mà tất cả chúng ta đều cần phải lưu ý. Những điểm trừ này có thể kể đến như:
- Lượng đường cao : Có một thực tế là có khá nhiều các loại kem chứa một lượng đường cao. Điều này không ngạc nhiên vì kem cũng như nhiều món tráng miệng khác thường ngọt và béo. Lại lấy ví dụ như kem vani chẳng hạn, 65gram kem (khoản 1/2 cốc) loại phổ biến nhất, có thể chứa đến 14gram đường. Trong khi một chế độ ăn bình thường nạp 2000calo/ ngày thì chỉ cần 50gram đường. Con số rõ ràng như thế chỉ rõ, nếu mẹ bầu tiêu thụ nhiều hơn một ly kem trong ngày, thì khả năng vượt giới hạn mức đường cần thiết rất dễ xảy ra.
- Dinh dưỡng không thực sự phong phú : Mặc dù có chứa hàm lượng dinh dưỡng nhất định nhưng đáng kể nhất vẫn là khoáng chất như canxi và phốt pho, còn thường các chất dinh dưỡng khác nếu có trong kem đều không cao. Trong trường hợp mẹ bầu dùng kem thay thế cho các thực phẩm khác, chẳng hạn như nghén kem và chỉ thích dùng kem, chỉ có thể dùng kem được nhiều nhất chẳng hạn, thì kem hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
- Dễ làm tăng cân : Kem có lượng calo cao vì thế việc dùng nhiều kem rất chắc chắn rất dễ khiến bạn tăng cân.
- Có thể chứa phụ gia không lành mạnh : Một số loại kem được thêm chất bảo quản, hay phụ gia để tăng hương vị, màu sắc, kết cấu. Và những thành phần này thường không tốt cho sức khỏe.
4. Cách ăn kem an toàn trong thai kỳ
Điểm qua chúng ta thấy rằng, kem thuộc nhóm thực phẩm bình thường không phải siêu thực phẩm và cũng không phải là thực phẩm chỉ gây bất lợi cho thai kỳ. Giống như các thực phẩm thông thường khác, mẹ bầu ăn kem có tốt không sẽ phụ thuộc vào cách dùng.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định, dùng kem đúng cách sẽ giúp bạn yên tâm hơn đối với sức khỏe của mình. Vậy dùng kem đúng cách là như thế nào? Ngay sau đây là một số ghi chú ngắn gọn hữu ích, bạn hãy ghi nhớ nhé:
- Dùng lượng vừa đủ cho mỗi lần ăn. Mẹo hay là dùng bát nhỏ/ ly nhỏ để ăn kem hoặc dùng hộp kem nhỏ phù hợp cho một lần ăn. Mẹo này sẽ giúp bạn kiểm soát rất tốt lượng kem mình tiêu thụ và dễ kềm chế hơn so với dùng ly/ bát to hoặc xúc trực tiếp từ hộp kem lớn.
- Không dùng thường xuyên hay lạm dụng. Nên dùng xen kẽ với nhiều thực phẩm lành mạnh khác.
- Chọn các loại kem ít đường, ít béo, không chứa chất bảo quản hay phụ gia. Nếu bạn đang phải theo dõi cân nặng sát sao, hãy chọn các loại kem ít đường và ít hơn 200 calo/ khẩu phần. Như thế là an toàn nhất.
- Chọn các thương hiệu sản xuất kem uy tín.
- Không dùng kem không ghi rõ thành phần hay nơi sản xuất. Nhất là, không dùng kem từ các xe kem bán hàng rong hoặc các nơi như chợ, hội chợ...Vì, những nơi này thường không bảo đảm chắc chắn cho bạn về thương hiệu, chất lượng kem, thành phần an toàn, cũng như điều kiện vệ sinh. Bởi, vi khuẩn có thể phát triển ngay trong kem ngay cả khi giữ trong tủ đông nhưng không đúng cách.
- Bạn có thể tự làm một số loại kem tại nhà từ trái cây và sữa ít béo để có món kem lành mạnh và hoàn toàn yên tâm khi sử dụng chúng.
- Khi dùng kem nếu phát hiện bất cứ dị ứng nào hãy ngừng ngay và tham khảo hoặc đến gặp bác sỹ để kiểm tra, thăm khám.
Đến đây, hẳn bạn cũng thấy được giải đáp rõ ràng cho thắc mắc liệu bà bầu ăn kem có tốt không. Kem hoàn toàn có thể được xếp vào chế độ ăn lành mạnh trong thai kỳ, với vai trò là món tráng miệng, ăn vặt, giải ngán, giảm nghén xen kẽ với các thực phẩm khác. Vấn đề cốt lõi vẫn là chúng ta dùng đúng cách, có kiểm soát, có lựa chọn tốt và chú ý những lưu ý cần thiết.
Nguồn tham khảo: NHS, FirtsCry Parenting & Healthline
Cát Lâm tổng hợp