Một số gia đình sau khi nấu hoặc mua bánh chưng, bánh tét về chưa kịp ăn thì bánh đã lên mốc trắng hoặc lại nếp, sống sượng không thể nuốt nổi. Đặc biệt, với thời tiết ẩm ướt như năm nay, việc bánh chưng, bánh tét bị thiu chua là điều hoàn toàn có thể lường trước được. Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ không xảy ra nếu mẹ biết cách bảo quản đúng cho những món bánh truyền thống này.
Cẩn thận từ khâu sơ chế đến khâu luộc bánh
Nếu bạn nấu bánh chưng, bánh tét tại nhà thì ngay từ khâu chuẩn bị đến khâu gói bánh đều phải thật lỹ kỹ lượng. Khi gói bánh, lá chuối, lá dong đều phải được đem ra rửa sạch từng lá, sau đó phơi phóng cẩn thận và để thật ráo nước trước khi gói.
Sau khi luộc, dù bánh chưng hay bánh tét đều phải được rửa lại với nước sạch khi vớt khỏi nồi nước sôi. Việc này sẽ giúp bánh không bị bám bẩn bên ngoài và hạn chế ẩm mốc.
Khi rửa sạch lớp vỏ ngoài xong, bạn treo bánh lên cao cho ráo nước. Riêng với bánh chưng, sau khi đã ráo nước, bạn nên xếp bánh thành nhiều lớp và dùng một tấm ván dày hoặc vật nặng để ép cho bánh ra nước. Đây là cách để bánh chắc hơn, mịn hơn và hạn chế bị đổ nhớt chua trong quá trình bảo quản.
Sau khi hoàn tất mọi công đoạn cẩn thận, bạn tiếp tục treo bánh lên cao, để nơi thoáng mát, tránh ẩm ướt để bảo quản. Với nhiệt độ dưới 20 độ C như ngoài Bắc, bạn có thể bảo quản bánh chưng được 7 ngày. Với bánh tét, vốn thông dụng trong Nam, bạn có thể bảo quản tối đa trong 10 ngày.
Bảo quản trong tủ lạnh
Thời tiết càng nóng ẩm, bánh chưng, bánh tét dịp Tết thường chóng thiu chua, mốc trắng. Do đó, nhiều gia đình chọn cách cho bánh vào tủ lạnh để bảo quản tốt nhất. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất khi dùng cách này là bánh sẽ rất dễ bị lại nếp, hạt gạo bị cứng lại và sống sượng rất khó ăn. Do đó, để hạn chế tình trạng này, bạn nên giữ bánh lạnh trong điều kiện nhiệt độ từ 5-10 độ C.
Khi ăn, dùng đến đâu, bạn lấy dao cắt đến đó, không lột vỏ hết mới đem vào quản tiếp phần dư. Muốn bánh vẫn dẻo ngon, tốt nhất nên hấp lại hoặc nếu muốn có thể chiên.
Lưu ý:
- Tính toán sức ăn của các thành viên trong gia đình và khách thăm nhà để mua hoặc làm bánh đúng số lượng cần thiết vì bánh chưng hay bánh tét đều không thể để dài ngày. Nếu dư ra, bánh mốc, chua phải đem bỏ sẽ rất lãng phí.
- Nên bỏ đi khi bánh đã lên mốc dù chỉ một phần. Nhiều người tiếc, chỉ cắt bỏ phần bánh mốc, còn lại vẫn ăn hoặc thấy hơi chua nhưng vẫn chiên để át mùi. Thực chất, khi bánh đã xuất hiện mốc và đổ nhớt nghĩa là bánh đã hỏng và ăn như vậy không hề có dinh dưỡng mà ngược lại còn bị ngộ độc đấy!
Yeutre.vn (Tổng hợp)