Tuần 14
Yoga rất tốt cho bà bầu
Năng lượng mới tràn trề do thai nghén đã chấm dứt có thể cuốn mẹ vào một cuộc chạy đua mỏi mệt giữa việc cân bằng cảm xúc và điều độ trong ăn uống.
Điều cần làm:
• Đăng ký các lớp học yoga cho bà bầu, các lớp bơi lội hoặc tham gia các buổi tập thể dục cùng các mẹ bầu khác sẽ giúp mẹ tránh khỏi mệt mỏi và cơn cám dỗ từ thực phẩm.
Tuần 15
Đây là lúc mẹ cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát trước sinh quan trọng. Các chẩn đoán ban đầu có thể là một cú sốc lớn cho mẹ nên việc chuẩn bị tâm lý sẽ rất quan trọng.
Điều cần làm:
• Khám thai định kỳ theo lịch hẹn và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bất thường nhiễm sắc thể, trong đó có: hội chứng Down, các khuyết tật ống thần kinh chẳng hạn như tật nứt đốt sống và các khuyết tật khác. Các xét nghiệm nhiễm sắc thể và những bất thường khác sẽ được thực hiện trong vòng từ 15 đến 20 tuần.
Tuần 16
Giữa tuần 16 - 22, mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận những chuyển động đầu tiên của thai nhi hay còn gọi là thai máy.
Điều cần làm:
• Cả bố và mẹ sẽ rất háo hức để biết được giới tính của bé trong tuần này. Thông qua siêu âm, các bác sĩ sẽ cho bạn biết bé là trai hay gái trong khoảng thời gian giữa 16 - 20 tuần. Dưới mốc thời gian này, việc xác định giới tính thai nhi hầu như không thể.
Tuần 17
Ác mộng bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn giữa thai kỳ
Trong giấc ngủ của mẹ sẽ xuất hiện những giấc mơ kỳ lạ và sống động như thật. Nó thường khiến cho mẹ phải sợ hãi nhưng thực chất chúng chỉ phản ánh những lo lắng của mẹ về kỳ sinh nở hoặc về các vấn đề khác.
Điều cần làm:
• Đặt mua một chiếc gối toàn thân để có được giấc ngủ ngon
• Tham gia vào các lớp tiền sản để hiểu về những gì sẽ xảy ra với bạn trong thai kỳ và khi chuyển dạ để phần nào xua tan những lo lắng mông lung.
Tuần 18
Khi thai nhi phát triển, áp lực lên bàng quan sẽ rất lớn và do đó, triệu chứng đi tiểu nhiều là điều rất khó tránh khỏi.
Điều cần làm
• Uống nhiều nước (trừ cà phê hoặc trà) trong ngày và hạn chế uống nước trước khi đi ngủ.
Tuần 19
Du lịch cùng chồng trong giai đoạn giữa thai kỳ sẽ rất lý tưởng
Lúc này, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn và tăng hưng phấn với chuyện “yêu” trong thai kỳ. Vì vậy, đừng ngần ngại khi bạn muốn quan hệ tình dục! Ngoại trừ những trường hợp có nguy cơ sẩy thai hoặc biến chứng cao, quan hệ tình dục khi mang thai đều an toàn với phần lớn thai phụ.
Điều cần làm:
• Tận dụng khoảng thời gian lãng mạn này để làm những điều bạn sẽ khó có cơ hội khi em bé chào đời. Trong số đó, xem phim, ăn tối nhà hàng, đi du lịch… là những ý tưởng rất tuyệt vời.
Tuần 20
Bụng của bạn đã lớn và điều đó có thể thôi thúc bạn chuẩn bị tất cả cho cuộc vượt cạn sắp đến. Điều đó rất đáng đầu tư nhưng đừng quá nhiệt tình để làm cạn sức mình nhé!
Điều cần làm:
• Chuẩn bị phòng và vật dụng cần thiết để chuẩn bị cho ngày em bé chào đời.
Tuần 21
Nếu bạn làm mẹ khi đã quá 35 tuổi hoặc có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường hay đang mang song thai, đa thai thì nguy cơ tiền sản giật sẽ rất cao. Biến chứng này có thể xuất hiện từ giai đoạn sớm của thaikỳ nhưng thường rõ ràng nhất với các triệu chứng điển hình vào ba tháng cuối thai kỳ.
Điều cần làm:
• Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn có dấu hiệu của tiền sản giật: sưng phù, đặc biệt là ở mặt và tay; tăng cân đột ngột; đau đầu; buồn nôn hoặc nôn và giảm thị lực.
Tuần 22
Từ tuần 22, thai nhi tăng cân rất nhanh
Bệnh trĩ và táo bón có thể hành hạ bạn trong lúc này. Nhưng điều đáng mừng là thai nhi lại tăng cân khá tốt trong tuần này.
Điều cần làm:
• Uống nhiều nước và ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ. Nếu có ý định dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân, bạn phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Tuần 23
Bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên di chuyển đường dài trong thời điểm này vì sự an toàn của thai nhi. Nhưng nếu muốn và sức khỏe cho phép, bạn vẫn có thể “vớt vát” chuyến đi cuối cùng trong thai kỳ.
Điều cần làm:
• Đặt chỗ nghỉ trong một khu nghỉ dưỡng yên tĩnh để thực hiện chuyến babymoon cuối cùng trong thai kỳ. Nhớ là phải làm ngay kẻo không kịp nhé!
Tuần 24
Nếu bạn trên 30 tuổi, tiền sử bệnh gia đình có người mắc bệnh tiểu đường hoặc béo phì, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ của bạn sẽ cao hơn so với những thai phụ khác. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ rệt và chỉ phát hiện khi bạn kiểm tra nước tiểu.
Điều cần làm:
• Sắp xếp lịch xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ glucose trong khoảng 24 đến 28 tuần thai.
Tuần 25
Chứng ợ nóng và chuột rút ở chân, đặc biệt là vào ban đêm có thể khiến bạn khó chịu trong tuần này.
Điều cần làm:
• Viên nhai điều trị đau dạ dày Tums sẽ có tác dụng kỳ diệu đối với chứng ợ nóng trong thai kỳ và quan trọng nhất là nó không gây hại cho thai nhi
• Để ngăn ngừa chuột rút trong đêm, bạn nên duỗi chân thẳng trước khi đi ngủ. Ngoài ra, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một vị trí khi hoạt động trong ngày.
Tuần 26
Danh sách công việc cần chuẩn bị cho kỳ sinh nở sắp đến có thể khiến bạn mệt mỏi. Riêng về thai nhi, trong tuần này, bé đã có thể ngủ giấc dài hơn và đôi mắt đã biết nhắm mở.
Điều cần làm:
• Liên hệ với các dịch vụ chăm sóc bà đẻ hoặc trẻ sơ sinh nếu bạn không tìm được người đỡ đần trong lúc nằm ổ.
• Tập thói quen ngủ trưa và ngủ giấc ngắn trong khoảng 20 phút để có được những giờ nghỉ ngơi nhất định sau khi em bé chào đời.
• Rút lại danh sách tên của bé và suy nghĩ kỹ trước khi nói tên của bé cho người khác biết vì chắc chắn bạn sẽ không muốn thấy cảnh “chín người mười ý”.
Tuần 27
Bạn sẽ thấy mình tăng cân rất nhanh từ tuần này trở đi. Trung bình, mỗi tuần bạn sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 25g. Nhưng nhu cầu năng lượng trong một ngày vẫn phải giữ đúng 300 calo nhé!
Điều cần làm:
• Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm: trái cây, rau xanh và ngũ cốc. Những thực phẩm này sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)