Cần phải trả lời ngay rằng trên thực tế, không có điều trị cụ thể đối với bệnh sởi. Để giúp kiểm soát và làm giảm các triệu chứng (thường kéo dài khoảng 2 tuần), bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước và chăm sóc theo chế độ đặc biệt.
Cách điều trị bệnh sởi:
Uống nhiều nước giúp trẻ mắc bệnh sởi chóng khỏi
Ngoài việc cho trẻ uống nhiều nước, bố mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ thật tốt sao cho các bé có nhiều thời gian ngủ nghỉ và ăn uống đủ chất trong thời gian bệnh. Đó sẽ là cách điều trị bệnh sởi hiệu quả nhất.
Nếu trẻ bị sốt, hãy giúp trẻ giảm bớt khó chịu bằng thuốc hạ sốt không có aspirin, chẳng hạn như acetaminophen (15mg/kg/lần và uống 4 lần/ ngày) hoặc ibuprofen.
Tuyệt đối không nên dùng aspirin khi trẻ sốt do nhiễm siêu vi như trong trường hợp này vì nó có thể gây ra hội chứng Reye, tuy rất hiếm nhưng rất nguy hiểm.
Ngoài ra, cách điều trị bệnh sởi tốt nhất là nên cho trẻ đến nơi có điều kiện theo dõi chặt chẽ như bệnh viện. Tuy nhiên, trong mùa dịch, nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện cũng là điều rất đáng ngại. Trong một số trường hợp, bệnh sởi có thể dẫn đến những biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm thanh quản, tiêu chảy, viêm phổi và viêm não. Những trường hợp này cần có thuốc kháng sinh kịp thời nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Tại các nước đang phát triển, vitamin A được cho là có thể làm giảm biến chứng và tử vong do bệnh sởi. Vì thế, các bác sĩ có thể bổ sung vitamin A cho trẻ mắc bệnh sởi:
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: 100.000 đơn vị
- Trẻ nhỏ trên 1 tuổi: 200.000 đơn vị
Tuy nhiên, tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, việc bổ sung vitamin A cần phải được cân nhắc kỹ trước khi dùng và chỉ dùng cho trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi nhập viện với các biến chứng nguy hiểm do bệnh sởi.
Ngoài ra, tất cả trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi với các yếu tố nguy cơ nhất định, chẳng hạn như thiếu vitamin A, suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc suy dinh dưỡng có thể bổ sung vitamin A.
Trẻ em bị bệnh sởi nên được cách ly trong vòng 4 ngày sau khi xuất hiện phát ban. Nếu trẻ có hệ thống miễn dịch kém nên nằm cách ly cho đến khi phục hồi hoàn toàn và tất cả các triệu chứng biến mất.
Khi nào cho trẻ nhập viện?
Trẻ sơ sinh rất dễ nhiễm bệnh sởi vì các bé chưa được tiêm chủng
Nếu nghi ngờ con mình mắc bệnh sởi, ngay lập tức hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay bệnh viện. Ngoài ra, trẻ cũng rất cần được chăm sóc y tế sau khi tiếp xúc với bệnh sởi, đặc biệt là các trẻ trong nhóm nguy cơ:
- Trẻ sơ sinh
- Đang dùng thuốc làm ức chế hệ thống miễn dịch
- Có bệnh lao, ung thư hay một căn bệnh làm suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch
Sau cùng, điều quan trọng nhất cần nhớ là bệnh sởi là bệnh chỉ xảy ra một lần duy nhất trong đời và nó có thể ngăn ngừa nhờ tiêm chủng đúng và đủ.
Trên đây là cách điều trị bệnh sởi và các dấu hiệu cho biết khi nào trẻ cần nhập viện nếu đã mắc sởi. Mong rằng chúng sẽ giúp ích cho bố mẹ trong việc chăm sóc con mắc bệnh sởi.
Yeutre.vn (Tổng hợp)