Việc kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh rất quan trọng
Để có thể nhận biết nhiệt độ cơ thể con chính xác mẹ có thể áp dụng những cách sau:
1. Sử dụng nhiệt kế đo nhiệt độ cơ thể trẻ
Có rất nhiều loại nhiệt kế để mẹ lựa chọn, tuy nhiên, nhiệt kế thủy ngân là phổ biến nhất và có tính chính xác cao.
Trong đó, nhiệt độ của bé ở mức bình thường sẽ là 36,5 độ C - 38 độ C. Nếu thấp hơn hoặc cao hơn nghĩa là bé đang bị lạnh hoặc bị nóng sốt.
Các cách đo nhiệt độ cơ thể trẻ bằng nhiệt kế thủy ngân như sau:
- Cách 1: Mẹ đặt nhiệt kế ở nách bé khoảng 2 phút, sau đó cộng kết quả đo được với 0.5 sẽ ra nhiệt độ thật của cơ thể trẻ. Ví dụ, mẹ đo được 37 độ, cộng thêm 0.5 => nhiệt độ cơ thể bé là 37.5 độ.
- Cách 2: Mẹ đo nhiệt độ ở hậu môn trẻ. Mẹ chờ bé ngủ, sau đó nhẹ nhàng đặt nhiệt kế dưới hậu môn trong 1 phút. Nhiệt độ hậu môn chính là nhiệt độ thật ở cơ thể trẻ và mẹ không cần cộng thêm.
- Cách 3: Mẹ đo nhiệt độ ở tai: Mẹ dùng nhiệt kế đặt vào vành tai trẻ, sau đó cộng thêm 0.3 để ra nhiệt độ thật của cơ thể trẻ.
2. Sờ vào cổ và gáy
Để kiểm tra độ nóng, lạnh của cơ thể con mẹ có thể sờ vào cổ hoặc gáy con. Nếu cổ bé lạnh nghĩa là bé đang rất lạnh, mẹ cần mặc thêm áo ấm hoặc quàng thêm khăn, yếm cho trẻ. Nếu cổ bé nóng, má ửng đỏ có thể mẹ đang mặc quá nhiều áo cho bé hoặc đặt bé trong môi trường nhiệt độ cao. Trong trường hợp, vùng cổ và gáy của bé ấm nhẹ chứng tỏ nhiệt độ cơ thể bé bình thường, bé đủ ấm và cảm thấy dễ chịu nhất.
3. Kiểm tra ngực và lưng
Vùng lưng, ngực con mát nghĩa là con đang cảm thấy rất dễ chịu
Một cách hay khác để kiểm tra thân nhiệt của trẻ, đặc biệt vào mùa đông là mẹ có thể sờ vào ngực hoặc lưng trẻ. Nếu ngực và lưng con bị đổ mồ hôi nhiều mẹ cần phải cởi bớt quần áo trẻ vì con bị nóng. Nếu để mồ hôi lâu trong cơ thể trẻ sẽ khiến thân nhiệt trẻ hạ, dễ bị cảm lạnh, vì vậy, mẹ nên lựa chọn chất liệu cotton dễ thấm hút mồ hôi để mặc cho trẻ.
4. Sờ vùng nách, bẹn
Đây cũng là hai vị trí được nhiều mẹ kiểm tra thân nhiệt cho con. Nếu mẹ nhận thấy vùng nách và bẹn con nóng hơn bình thường nghĩa là con đang bị nóng hoặc thân nhiệt cao (sốt nhẹ), nên dùng khăn ấm lau nhẹ cho con, mặc đồ thoáng mát. Còn vùng nách, bẹn bị lạnh mẹ cần ủ ấm thêm cho con nhé.
5. Kiểm tra màu sắc da
Nếu trẻ hiếu động, vui chơi, chạy nhảy ngoài trời và mẹ không thể đến gần thì mẹ chỉ cần để ý đến màu da của trẻ sẽ biết con nóng hay lạnh. Đặc biệt là vùng da miệng, đầu móng tay, chân. Nếu hai vùng da này bị xám, thâm thì bé đang rất lạnh, mẹ cần cho bé vào nhà và ủ ấm.
Ngược lại, vùng da này hồng hào nhiệt độ cơ thể bé bình thường. Trong trường hợp mặt bé đỏ bừng bừng thì bé đang rất nóng, mẹ nên cho bé nghỉ ngơi, thư giãn, mặc đồ thoáng mát để hạ nhiệt.
6. Kiểm tra tay, chân, mũi
Nếu tay, chân, mũi bé quá lạnh nghĩa bé đang bị lạnh, mẹ cần phải ủ ấm cho bé ngay. Đặc biệt vào mùa đông, nếu để bé lạnh quá lâu có thể dẫn tới các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ ngoài trời giảm, một lượng nhiệt trong cơ thể bé sẽ đi qua đầu, mẹ cần phải đội mũ để giữ ấm cho cơ thể bé nhé.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: