Một số bà mẹ lo ngại miệng bé sẽ không sạch sau khi bú sữa hoặc cho rằng bé bú sữa mẹ sẽ bị khát vì thức ăn của mẹ. Với những lo lắng thái quá như vậy, các bà mẹ này vẫn nhất nhất cho con uống thêm nước bất chấp lời khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng. Vậy với các bé được cho uống nước trước 6 tháng tuổi hậu quả sẽ ra sao? Hãy cùng tìm hiểu những tác hại từ việc cho bé uống nước quá sớm như thế này nhé!
Tại sao cho bé uống nước trước 6 tháng là điều không nên?
Bổ sung thêm nước từ bên ngoài cũng đồng nghĩa mẹ đang đẩy bé đến những nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng.
Như chúng ta đã biết, trẻ sơ sinh đến hết giai đoạn 6 tháng đầu đời, cơ bản và chủ yếu về nguồn dinh dưỡng không gì khác ngoài sữa mẹ. Chỉ một số ít trường hợp bất khả kháng, mẹ không thể cho con bú, bé sẽ được nuôi bằng sữa công thức. Sau 6 tháng này, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ tăng lên và cần đến nguồn thức ăn bổ sung từ ngoài bên cạnh sữa mẹ. Như vậy, trong suốt 6 tháng đầu đời, thức ăn duy nhất của bé chỉ là sữa mẹ với đầy đủ thành phần dinh dưỡng và nước cần thiết cho trẻ nhỏ.
Trong suốt 6 tháng đầu đời, thức ăn duy nhất của bé chỉ là sữa mẹ với đầy đủ thành phần dinh dưỡng và nước cần thiết cho trẻ nhỏ.
Sở dĩ các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên kéo dài cữ bú của bé từ 20-30 phút vì hết 15 phút đầu, trẻ đều nuốt nước và sau khoảng thời gian này trẻ mới bắt đầu nuốt phần dinh dưỡng đậm đặc từ sữa mẹ. Với lượng nước như vậy trẻ hoàn toàn có thể cung cấp đủ cho mọi nhu cầu cơ thể cần trong khoảng thời gian 6 tháng đầu. Do đó, việc bổ sung thêm nước từ bên ngoài cũng đồng nghĩa mẹ đang đẩy bé đến những nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng.
Những nguy cơ khi cho bé dưới 6 tháng tuổi uống thêm nước
1. Bé còi cọc, chậm tăng cân
Có đến hơn 88% thành phần trong sữa mẹ là nước. Con số này đủ để bạn biết rằng sữa mẹ hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu chất lỏng của bé ngay cả trong thời tiết khô nóng.
Nếu mẹ cho bé uống thêm nước từ bên ngoài, với kích thước dạ dày nhỏ bé của mình, trẻ sẽ no trước khi bú sữa mẹ và sữa công thức. Thời lượng bú và lượng sữa bú vì thế sẽ giảm đi. Thêm vào đó, khi phải nạp một lượng chất lỏng vượt quá nhu cầu cơ thể sẽ làm cản trở khả năng hấp thu dinh dưỡng của bé đối với những thành phần dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ hoặc các thành phần dinh dưỡng bổ sung từ sữa công thức khiến trẻ ngày càng còi cọc và chậm phát triển. Do đó, việc cho bé dưới 6 tháng tuổi uống thêm nước là một việc làm phản khoa học, đi ngược lại với lợi ích sức khỏe của bé.
Với những bé uống sữa công thức, một ít nước tráng miệng sau bú sẽ giúp bé hạn chế đóng bợn dơ lên mặt lưỡi gây biếng ăn. Tuy nhiên, lượng nước cần thiết không nên quá 30ml/ngày.
Lưu ý: việc mẹ dùng thêm nước pha loãng sữa công thức để giảm tình trạng táo bón ở trẻ hay để tiết kiệm có thể khiến trẻ không thể nhận được đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển.
2. Bé bị nhiễm độc nước
Trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nhiều nước sẽ dễ bị còi xương, ngộ độc nước và nhiễm bệnh.
Khi cho bé uống nhiều nước hơn mức cơ thể cần sẽ khiến nồng độ natri trong cơ thể bị loãng đi. Lượng natri này sẽ thoát ra ngoài theo sự bài tiết nước thải và dẫn đến tình trạng thiếu hụt natri ở trẻ nhỏ. Nếu nhẹ, trẻ sẽ bị khó chịu, ngủ nhiều hơn mức bình thường. Nếu nặng, trẻ sẽ có các biểu hiện thay đổi tâm thần hoặc co giật do ngộ độc nước. Trường hợp này, bạn phải ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện.
3. Bé dễ mắc bệnh
Cho trẻ bú mẹ nhiều có thể giúp đào thải bilirubin trong máu và giảm mức độ vàng da. Nhưng nếu bổ sung nước từ bên ngoài, bạn sẽ chỉ làm tăng mức độ vàng da của bé do nước có liên quan đến việc tăng nồng độ bilirubin. Ngoài ra, nước cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ sụt cân sinh lý quá mức và kéo dài thêm thời gian nằm viện.
Chưa kể, nguồn nước bạn dùng cho bé uống có thể đã bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn gây nguy cơ tiêu chảy cấp trong lúc sức đề kháng của trẻ còn non yếu.
Với “thiệt nhiều hơn lợi” từ việc cho bổ sung nước như vậy, liệu bạn còn muốn cho bé thử nghiệm với những lo lắng thái quá của mẹ nữa hay không?
Yeutre.vn (Tổng hợp)