Lên kế hoạch tài chính sinh con năm 2017 để không bị thiếu trước hụt sau

Với mức sống ngày càng cao, chi phí cho chuyện sinh nở và chăm sóc con dần trở thành một gánh nặng không nhỏ đối với nhiều cặp vợ chồng. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch tài chính từ đầu, chắc chắn bạn sẽ không bị thiếu trước hụt sau đâu nhé!

banner ads

Bên cạnh những bước chuẩn bị chu đáo về sức khỏe và tâm lý, khi muốn có con, các cặp vợ chồng đều cần phải có những bước tính toán cụ thể về kế hoạch chi tiêu của mình. Điều này sẽ giúp các bố mẹ tương lai cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều khi đón bé cưng của mình. Hãy thử nghía qua một gợi ý dưới đây trước khi lập cho mình bảng kế hoạch chi phí sinh con trong năm 2017 nhé!

Chi phí cho thời gian bầu bì và nuôi con trong năm đầu

Trong lúc bầu bì, các chi phí cần thanh toán bao gồm các khoản: khám thai, xét nghiệm, sữa bầu, thuốc bổ, đồ ăn thức uống tẩm bổ, du lịch theo hình thức babymoon, quần áo bầu, sắm sửa đồ sơ sinh, tiền sinh nở. Trong đó:

1447698220 12
Các khoản chi cần thiết cho giai đoạn bầu bì cũng tiêu tốn không ít tiền nhưng nếu chi tiêu hợp lý và có kế hoạch chu đáo, vợ chồng bạn sẽ không bị thâm hụt quá nhiều

Tiền khám thai

Nếu kể luôn tiền khám cơ bản, các xét nghiệm cần thiết phải thực hiện và một số thuốc bổ, canxi… bác sĩ kê thêm thì bạn có thể sẽ phải chi ít nhất khoảng 1,000,000đ cho mỗi lần khám dịch vụ. Nếu chỉ khám thai đúng 3 kỳ quan trọng nhất: 12-14; 21-23 và 31-32 thì tổng chi cho khoản khám thai vào khoảng 3.500.000 – 4.000.000. Để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, tốt nhất bạn nên chọn điểm khám gần nhà uy tín nhất và yêu cầu bác sĩ theo suốt thai kỳ.

Cho bà bầu

Các khoản chi bao gồm: đồ bầu (khoảng 7-8 bộ mang đi làm và 6 bộ mang nhà), giày dép mới (3 đôi thay đổi), sữa bầu và các trị liệu mát-xa cho bà bầu. Khoản này trung bình bạn chi hết gần 2.000.000 mỗi tháng. Trong đó, tiền sữa bầu là nặng nhất vì tháng này trung bình cũng phải 3 lon 900g, riêng đồ bầu và giày dép, nếu tiết kiệm, bạn có thể hỏi mượn đồ cũ của anh chị em trong nhà.

Sơ sinh và chuyện sinh nở

Trước khi sinh, bạn sẽ mua sắm đồ sơ sinh, vật dụng sơ sinh. Đây là khoản chi tiêu cần thiết nhưng cũng nên tính toán kỹ trong khả năng chi trả và phù hợp với mức lương, thu nhập của vợ chồng. Chẳng hạn, có thể hỏi xin đồ sơ sinh của người quen và hạn chế mua với số lượng quá nhiều vì các bé sẽ lớn rất nhanh và thay đổi đồ liên tục. Khoản này, tốt nhất nên chi trả trong tầm 6-7 triệu là tối đa. Riêng về sinh nở, vợ chồng bạn phải để dành được một khoản từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Mức chênh lệch tính dôi ra là để bạn có thể chủ động được chuyện phát sinh trong lúc sinh nở và nên nhớ, khoản chi phải tính cả: phí trả cho người chăm sóc những ngày nằm viện, phí cho những ngày nghỉ không thu nhập của chồng, phí cho ca sinh mổ không nằm trong kế hoạch và phí cho những người giúp đỡ mình trong lúc sinh nở.

Chăm sóc bé năm đầu đời

Trong khoản chi này, nặng nhất vẫn là tiền sữa và bỉm. Nếu nuôi con bằng sữa ngoài, bạn sẽ tiêu khoảng 30.000.000 mỗi năm. Do đó, để tiết kiệm nhất, mẹ nên tìm cách để nuôi con bằng sữa mẹ trong năm đầu. Nếu cần thiết, chỉ dùng sữa công thức như thức ăn dặm thêm cho bé. Ngoài ra, hàng tháng, lúc nào trung bình mẹ cũng nên để riêng ra 500.000 đồng để lo chi phí riêng của bé, tức các khoản chi lặt vặt.

Nếu bạn phải đi làm sớm và không nhận được sự trợ giúp từ người thân trong gia đình, bạn cũng cần tính thêm ít nhất 3.000.000 hàng tháng cho việc thuê người giúp việc và trông con.

Nhìn qua các khoản chi, chắc bạn đang rất choáng vì quá nhiều thứ phải tiêu tốn. Chính vì mức chi trả khá nặng vai này, bạn cần phải có cho mình một kế hoạch chi tiêu hợp lý nhất trong cả khoảng thời gian bầu bì, sinh nở và nuôi con trong năm đầu tiên nhé!

Những cách chi tiêu tiết kiệm nhất

Trừ những khoản “không có không xong”, để giúp bạn bớt đi gánh nặng tài chính, chúng tôi xin gợi ý một số cách tiết kiệm sau:

chuan bi ke hoach tai chinh sinh con nam 2017 2
Đồ sơ sinh không nhất thiết phải sắm sửa quá nhiều vì bé lớn rất nhanh

– Khi khám thai: Chọn các mốc quan trọng để thăm khám và thực hiện những xét nghiệm cơ bản nhất. Nếu cần, có thể hỏi bác sĩ để cắt giảm bớt các xét nghiệm không cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng không nên siêu âm quá nhiều.

– Dinh dưỡng: Có thể cắt giảm bớt sữa bầu và tăng cường dinh dưỡng bằng những loại thực phẩm tự nhiên bổ sung theo kiểu cây nhà lá vườn.

– Sinh nở: Chuẩn bị BHYT, BHXH chu đáo hoặc có thể mua hẳn gói bảo hiểm thai sản để được thanh khoản cho toàn bộ chi phí sinh nở.

– Chăm sóc bà bầu: Không cần đến các spa để mát-xa, bạn có thể nhờ anh xã làm việc này hoặc chỉ đơn giản, muốn thư giãn hãy mở nhạc để mẹ con cùng nghe. Những bộ đồ bầu trong mấy tháng đầu, có thể tận dụng từ số đồ phom dáng rộng freesize thường ngày hoặc hỏi xin đồ bầu của các chị trong nhà.

– Đồ sơ sinh: Hãy mua đồ chất lượng tốt cho bé sơ sinh và giảm số lượng không cần thiết. Hoặc nếu không quá kén chọn, có thể hỏi xin đồ sơ sinh của những người thân trong gia đình.

Sau cùng, bầu bì và sinh nở là lúc bạn nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ gia đình. Do vậy, nếu có ai ngỏ ý giúp đỡ, đừng từ chối mà hãy nhận với tất cả sự biết ơn nhé!

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI